Chiến lược tái cân bằng của Mỹ: Vai trò của Úc và tác động tới Đông Á

Chiến lược tái cân bằng của Mỹ: Vai trò của Úc và tác động tới Đông Á
TP - GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) gửi Tiền Phong bài viết phân tích sâu về vai trò của Úc trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ cùng những tác động quân sự, ngoại giao tới Đông Á, Đông Nam Á, trong đó có tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông, biển Hoa Đông.

Úc nhất trí cả hai tay đối với chiến lược tái cân bằng của chính quyền Tổng thống Barack Obama, vì Mỹ sẽ bắt tay chặt hơn với các nước châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á và như vậy sẽ trực tiếp góp phần đảm bảo an ninh cho Úc. Từ góc nhìn của Úc, trọng tâm của chiến lược tái cân bằng liên quan những thay đổi về lực lượng Mỹ, cụ thể là luân phiên triển khai lính thủy đánh bộ ở Bắc Úc.

Thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, đa phương

Chiến lược tái cân bằng còn dẫn tới việc tăng cường hợp tác quốc phòng ba bên giữa Úc, Nhật Bản và Mỹ, cũng như hợp tác quốc phòng song phương giữa Úc và Nhật Bản. Cả Úc và Mỹ ủng hộ nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe dỡ bỏ rào cản đối với sự tham gia phòng vệ tập thể của Nhật Bản. Một thành tố quan trọng của hợp tác ba bên là sự hợp nhất các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Tương lai hợp tác có thể bao gồm việc đóng tàu ngầm truyền thống dựa trên công nghệ, thiết kế của Nhật Bản và hệ thống vũ khí của Mỹ. 

Mấy năm qua, hợp tác quốc phòng Úc-Mỹ đã mở rộng sang một số lĩnh vực mới, bao gồm phòng thủ tên lửa đạn đạo, giám sát vũ trụ, không gian ảo, công nghệ và công nghiệp quốc phòng. Phạm vi địa lý của khối Hiệp ước quân sự Úc-New Zealand-Mỹ (ANZUS) đã mở rộng để đón nhận khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Có thể nói rằng, đó là một sản phẩm của liên minh ANZUS hoặc kết quả của chiến lược tái cân bằng. Và đó là sự tiếp nối bình thường, chứ không phải là thay đổi đột ngột trong quan hệ quốc phòng.

Chiến lược tái cân bằng đã “tái cân bằng” các nguồn lực của Mỹ ở châu Á về phía Đông Nam Á. Đây là một chiến lược đa diện, bao gồm tăng cường các liên minh an ninh song phương, thắt chặt quan hệ giữa Mỹ và các siêu cường mới nổi, tham gia các tổ chức đa phương trong khu vực, mở rộng thương mại và đầu tư, củng cố sự hiện diện quân sự theo bề rộng và thúc đẩy quyền con người. Mỹ ưu tiên cao cho Hội nghị cấp cao Đông Á và tìm cách để biến nó thành diễn đàn an ninh số một của khu vực, giám sát công việc của Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng.

Chiến lược tái cân bằng đem lại lợi ích cho cả Úc và Mỹ. Theo góc nhìn của Úc, việc Mỹ nhấn mạnh Đông Nam Á sẽ đóng góp cho sự ổn định khu vực và củng cố các mục tiêu chiến lược của Úc đối với khu vực này. Trong tương lai, các tàu khu trục của Úc có thể tham gia mạng lưới tên lửa chống tên lửa đạn đạo của khu vực cùng với Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra, Úc có điều kiện nâng cấp hợp tác quốc phòng với Nhật Bản và Indonesia - hai nước có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh của Úc. 

Năng lực quốc phòng Úc cũng tăng nhờ sự tương tác với các lực lượng quốc phòng Mỹ và mua các hệ thống vũ khí Mỹ, như máy bay vận tải Alenia C-27J Spartan, máy bay cảnh báo sớm E-7A, máy bay giám sát biển P-8A Poseidon, máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, máy bay không người lái… Úc cũng sẽ mua máy bay tiêm kích tấn công kết hợp F-35. Úc và Mỹ đã ký Hiệp ước Hợp tác thương mại quốc phòng, theo đó giảm thiểu thủ tục, tăng cường chia sẻ dữ liệu và cho phép Úc tiếp cận các công nghệ quốc phòng tiên tiến mà Úc không thể tự phát triển. Những điểm trên khiến Úc trở thành một đối tác quốc phòng hấp dẫn trong mắt nhiều nước châu Á.

Mỹ cũng hưởng lợi từ sự ủng hộ của Úc đối với chiến lược tái cân bằng. Nếu không thành công trong hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn với Úc, Mỹ khó có thể làm vậy với các quốc gia Đông Nam Á - những nước có ít kinh nghiệm làm việc với Mỹ, có lực lượng quân sự yếu, ngoại trừ Singapore.

Tam giác Úc-Mỹ-Trung

Mối quan hệ hợp tác của Úc với Trung Quốc đặt Úc vào vị trí tốt để khuyến khích giới lãnh đạo Trung Quốc xem xét lại lập trường cứng rắn của nước này về tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á. Thay vì mắc vào mớ bùng nhùng tranh chấp khu vực, chính sách đối ngoại Úc có thể góp phần thúc đẩy hợp tác Trung-Mỹ và khôi phục ổn định khu vực. Tuy nhiên, không ít người lo ngại về ý định chiến lược đằng sau việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội và có những động thái mạnh ở biển Đông và biển Hoa Đông. Ngoài ra, còn có sự lo ngại rằng, chiến lược tái cân bằng của Mỹ sẽ thúc đẩy cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, dẫn tới mất ổn định khu vực.

Sách trắng Quốc phòng năm 2013 của Úc nêu rõ: “Chính phủ (Úc) không coi Trung Quốc là kẻ địch. Thay vào đó, chính sách của chính phủ là nhằm khuyến khích Trung Quốc trỗi dậy hòa bình và đảm bảo sự cạnh tranh chiến lược không dẫn tới xung đột”. Úc và Mỹ đã cam kết tiếp tục xây dựng mối quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện với Trung Quốc, thông qua kết nối kinh tế, khuyến khích tiến triển về nhân quyền, thắt chặt quan hệ quân sự, khuyến khích Trung Quốc minh bạch hơn trong việc hiện đại hóa quân đội…

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.