Chiến lược của Mỹ ở Afghanistan: Bình mới, rượu cũ

Ảnh: Financialtribune
Ảnh: Financialtribune
TPO - Chiến lược mới của Mỹ về Afghanistan được Tổng thống Trump công bố mặc dù có một số điều chỉnh, song về tổng thể không có sự thay đổi lớn so với chiến lược của những người tiền nhiệm. Nhiều nhà phân tích nhận định chiến lược mới này chỉ là "bình mới, rượu cũ".

Nội dung cốt lõi chiến lược mới của Mỹ tại Aghanistan

Phát biểu trước các binh sĩ tại căn cứ quân sự Fort Myer ở Arlington, Tổng thống Donald Trump ngày 21/8 đã ra tuyên bố về chiến lược mới của quân đội Mỹ tại Afghanistan. Từ những thông tin có được, có thể khái quát một số điểm nổi bật trong chiến lược mới của Mỹ như sau:

Một là, chiến lược mới của Mỹ tại Afghanistan sẽ chuyển từ cách tiếp cận phụ thuộc yếu tố thời gian sang một hướng mới dựa trên những điều kiện thực tế. Tuy nhiên, ông Trump không tiết lộ về số lượng binh sĩ Mỹ hay kế hoạch triển khai thêm quân tại Afghanistan.

Mặc dù trước đó ông Trump đã ủy nhiệm cho Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis triển khai kế hoạch điều thêm gần 4.000 binh sĩ, góp mặt cùng với 8.400 binh sĩ Mỹ hiện đang đồn trú tại Afghanistan, chủ yếu làm nhiệm vụ huấn luyện. Điều này được ngầm hiểu Tổng thống Trump đã “bật đèn xanh” cho việc duy trì binh sỹ Mỹ tại mặt trận này, nếu không muốn nói là tăng cường can dự an ninh hơn nữa tại đây. 

“Từ bây giờ, những điều kiện trên thực địa phải là yếu tố quyết định chiến lược của chúng ta, chứ không phải là những thời gian biểu bó buộc”, Tổng thống Trump tuyên bố.

Ông Trump kiên quyết rằng Mỹ phải đạt được những kết quả “lâu dài và đáng trân trọng” tại Afghanistan bởi binh sĩ Mỹ “xứng đáng có được một kế hoạch để chiến thắng”. Theo ông Trump, việc rút quân nhanh chóng ra khỏi chiến trường Afghanistan sẽ “dẫn đến những hậu quả có thể lường trước và không chấp nhận được”. Ông cho rằng nếu Mỹ rút quân khỏi chiến trường này, các phần tử khủng bố của al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ nhanh chóng tràn vào.

Hai là, gia tăng quyền tự quyết cho các lực lượng chiến đấu tại Afghanistan. Đây được coi là điểm thay đổi lớn nhất so với chiến lược của người tiền nhiệm Barack Obama, vốn đặt ra các giới hạn trong tác chiến cho quân đội Mỹ tại chiến trường này trong những năm gần đây.

Ông Trump nhấn mạnh rằng: “Chỉ riêng sức mạnh quân sự sẽ không mang lại hòa bình cho Afghanistan”. Theo Tổng thống Trump, cuộc chiến tại Afghanistan cần phải được giải quyết bằng cả các biện pháp ngoại giao, kinh tế và quân sự.

Ông Trump cho rằng chính phủ Afghanistan cần thể hiện trách nhiệm của mình trong việc chia sẻ những gánh nặng về kinh tế và quân sự. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng đề nghị các đối tác Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hỗ trợ triển khai thêm binh sĩ và ngân sách cho chiến trường Afghanistan. Ông Trump cam kết sẽ tăng quyền cho các lực lượng vũ trang Mỹ nhằm tiêu diệt các phần tử khủng bố và các mạng lưới tội phạm tại Afghanistan.

Ba là, gây sức ép nhiều hơn với Pakistan, buộc Islamabad có những biện pháp mạnh tay và hữu hiệu để chặn đứng hoạt động tiếp tay cho quân khủng bố ở quốc gia láng giềng là Afghanistan. Theo Tổng thống Trump, Pakistan đã nhận từ Mỹ hàng tỷ đôla và quốc gia này sẽ mất nhiều hơn được nếu tiếp tục dung túng khủng bố.

Bốn là, xóa sổ nhà nước hồi giáo IS. Ông Trump nêu rõ các mục tiêu quân đội Mỹ cần chiến thắng tại đây là “xóa sổ lực lượng IS, nghiền nát mạng lưới al Qaeda, ngăn chặn Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan và chặn đứng mọi vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ từ trước khi chúng manh nha”. 

Bình mới, rượu cũ 

Sau khi Tổng thống Mỹ Donand Trump công bố chiến lược mới ở Afghanistan,  quan chức và chuyên gia học giả các nước đa phần đều nhận định, chiến lược mới của Mỹ không có gì "mới", chính sách Afghanistan của Mỹ chỉ là "bình mới, rượu cũ".

Ngày 24/8, Nga đã lên tiếng bày tỏ hoài nghi về chiến lược mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Afghanistan, đồng thời cảnh báo rằng sức mạnh quân sự sẽ không thể giải quyết cuộc xung đột tại quốc gia Nam Á này.

Phát biểu họp báo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow tin rằng việc Mỹ "đánh cược" vào việc sử dụng vũ lực tại Afghanistan là "một sự bế tắc". Ông Lavrov nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng hướng đi này không có triển vọng". 

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho hay Moscow sẽ sẵn sàng hợp tác với Mỹ và những nước khác để giúp đạt được một giải pháp cho cuộc xung đột tại Afghanistan. Ngoài ra, bà Zakharova cũng bác bỏ những tuyên bố của Mỹ rằng Nga đã hỗ trợ vũ khí cho phiến quân Taliban. 

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Sardar Asif Ahmad Ali nhận định: chính sách Afghanistan của chính quyền Donand Trump là “bình mới, rượu cũ” và chắc chắn không thành công như trước đây. Theo ông Sardar Asif Ahmad Ali "Mỹ đã nghiền nát Afghanistan và đang cố gắng đẩy thất bại của họ sang Pakistan. Nhưng họ không có quyền bắt chúng ta biết phải làm gì. Đã đến lúc Mỹ nên biết rằng chính sách của mình đã thất bại và ngừng tiếp diễn những sai lầm như vậy".

Trong khi đó, Tướng Ghulam Mustafa nhận định rằng chính sách Afghanistan của chính quyền Donald Trump không có gì mới so với các chính sách trước đó.

Tiến sĩ Iram Khalid, thuộc khoa Chính trị học, Đại học Punjab thì cho rằng rõ ràng chính sách Afghanistan hiện tại của Mỹ là một phần mở rộng của kế hoạch mang tính chiến lược sau sự kiện 11/9 với điểm mới là bổ sung vai trò và tầm quan trọng của Ấn Độ và điều này có thể là nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực. 

Chiến lược mới của ông Trump có một số điều chỉnh, song về tổng thể không có sự thay đổi lớn so với chiến lược của những người tiền nhiệm. Nhìn vào những nội dung trong chiến lược mà ông Trump vừa công bố, không hề thấy những kế hoạch cụ thể giúp nước Mỹ có thể giành chiến thắng cuối cùng.

Điều này dự báo, chính quyền Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong vấn đề Afghanistan thời gian tới. Và triển vọng giải quyết vấn đề khủng hoảng tại Afganishtan của Chính quyền Trump được cho là còn rất xa vời. 

MỚI - NÓNG