Pakistan bực tức vì Mỹ thay đổi chính sách với Afghanistan

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay đổi suy nghĩ về việc rút quân khỏi Afghanistan. Ảnh: Getty Images.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay đổi suy nghĩ về việc rút quân khỏi Afghanistan. Ảnh: Getty Images.
TPO - Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sẽ duy trì quân đội Mỹ như đã cam kết ở Afghnistan khiến Afghnistan vui mừng, nhưng lại gây ra sự bực bội ở Pakistan. Các quan chức Pakistan nói rằng họ đang vật vã để lý giải chính sách đang thay đổi của Washington đối với khu vực.

Tối 21/8, ông Trump thông báo chiến lược mới của Mỹ đối với Afghanistan với cam kết quân đội Mỹ sẽ duy trì vai trò của mình trong cuộc xung đột chưa biết hồi kết, cho dù trước đó Tổng thống Mỹ ủng hộ chính sách rút quân khỏi nước này.

Ông Trump không cho biết sẽ bổ sung thêm bao nhiêu quân, khi nào bổ sung hay thời gian triển khai trong bao lâu. Nhưng Washington được cho là sẽ đưa thêm khoảng 4.000 quân đến Afghanistan.

Thông báo của ông Trump khiến Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani vui mừng, trong lúc chính phủ chỉ có thể kiểm soát 60% đất nước. Ông Ghani hôm qua hoan nghênh điều mà ông gọi là “sự khẳng định những nỗ lực của chúng ta nhằm đạt được tự tự lập”.

Nhưng cùng với sự ủng hộ của ông Trump đối với chính phủ Afghanistan là những chỉ trích dữ dội thất bại của Pakistan trong việc chống khủng bố mà các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do sự nổi lên gần đây của các vụ tấn công quân sự ở Afghanistan.

“Pakistan che chở những tổ chức mà ngày nào cũng tìm cách giết hại người dân của chúng ta”, ông Trump nói. Đây chỉ là một trong nhiều lần Mỹ lên án Pakistan,

Câu nói này chỉ là một trong nhiều lần những công kích Pakistan. Lâu nay Pakistan vẫn được coi là một đồng minh lớn ngoài NATO của Mỹ, đã hợp tác với Washinton từ thời Chiến tranh Lạnh khi Pakistan giúp lực lượng mujahideen chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô ở Afghanistan.

Pakistan cũng nhận hàng trăm triệu đô la Mỹ viện trợ quân sự mỗi năm, dù trong 2 năm qua đã bị rút khá nhiều vì bị cho là chống khủng bố không hiệu quả.

Sau phát biểu của ông Trump, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm qua nói rằng Mỹ sẽ xem xét điều kiện hỗ trợ và quan hệ với Pakistan tùy thuộc vào “kết quả họ đạt được đến đâu”.

“Pakistan phải có cách tiếp cận khác”, ông Tillerson nói trong tuyên bố gửi đến báo chí, trong đó cũng cho thấy Mỹ lo lắng về sự an toàn của chương trình hạt nhân của Pakistan.

“Trong những năm qua đã có sự xói mòn lòng tin thực sự giữa hai chính phủ vì chúng tôi chứng kiến các tổ chức khủng bố được cung cấp nơi trú ẩn an toàn ở Pakistan để lên kế hoạch và thực hiện những vụ tấn công nhằm vào quân nhân Mỹ, quan chức Mỹ, phá hoại những nỗ lực hòa bình ở Afghanistan”, tuyên bố viết.

Lúc khen lúc chê

Dưới thời chính quyền Mỹ trước, Pakistan đầu tiên được hoan nghênh vì đã chống khủng bố, sau đó bị chỉ trích sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt ở thành phố Abbottabad ở nước này, sau đó bị Mỹ tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Ông Trump trước đó cáo buộc Pakistan dung túng Bin Laden, nhưng sau đó lại ca ngợi Thủ tướng Nawaz Sharif trong cuộc điện đàm ngay sau kh ông lên nắm quyền. Mới 3 ngày trước, ông Joseph Votel, Tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm của Mỹ, vừa rời Pakistan và khen ngợi nước này cam kết thúc đẩy quan hệ trung thực và cởi mở với Mỹ.

Cách tiếp cận của Mỹ đã bắt đầu gây khó chịu ở Pakistan. Ông Imran Khan, lãnh đạo phe đối lập xuất thân từ cầu thủ cricket quốc tế, nói hôm qua: “Chúng tôi đã chiến đấu trong 2 cuộc chiến tranh ở Afghanistan theo yêu cầu của Mỹ, trong khi phải hứng chịu những tổn thất về người và kinh tế...đã đến lúc Pakistan tuyên bố: chẳng bao giờ có chuyện đó nữa đâu”, ông Khan nói.

Sự bực bội này cũng được các quan chức cấp cao trong chính phủ Pakistan chia sẻ. “Người Mỹ biết họ sẽ không bao giờ chiến thắng trong cuộc chiến ở Afghanistan. Họ chỉ đang trút sự thất vọng lên chúng ta”, một quan chức cấp cao của lực lượng an ninh Pakistan bình luận.

Bộ Ngoại giao Pakistan tuyên bố: “Không nước nào trên thế giới hứng chịu tổn thất hơn Pakistan trước họa khủng bố, chủ yếu do xâm nhập từ nước ngoài. Vì thế, thật thất vọng khi tuyên bố chính sách của Mỹ lờ đi những hy sinh to lớn của Pakistan trong nỗ lực này”. 

“Chúng ta thường nghe lãnh đạo Mỹ cam kết sẽ khiến Pakistan thay đổi cách thức. Câu hỏi lớn đặt ra là ông Trump sẽ làm gì để Pakistan thay đổi chính sách – ông ấy sẽ làm gì ngoài cắt viện  trợ và ăn nói cứng rắn?” ông Michael Kugelman, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Wilson tại Washington, đặt vấn đề.

Tại Pakistan, giới chức nước này phỏng đón Mỹ sẽ tiến hành hai bước đi tức thời là tiếp tục hạn chế viện trợ quân sự và tăng cường tấn công bằng máy bay không người lái ở các vùng tự trị dân tộc dọc biên giới với Afghanistan.

Nhưng họ cũng lo ngại những lời nói cứng rắn vừa qua từ chính quyền Mỹ có thể dẫn đến hành động nghiêm khắc hơn. Ông Mosharraf Zaidi, một nhà báo chuyên viết bình luận ở Pakistan, nhận định: “Rất ít nghi ngờ rằng bài phát biểu này của ông Trump cho thấy quỹ đạo lâu dài của quan hệ Pakistan – Mỹ sẽ là các biện pháp trừng phạt”. 

MỚI - NÓNG