Chiến lược chống khủng bố bị nghi ngờ: Ông Obama cố trấn an dân Mỹ

Tổng thống Barack Obama đang nỗ lực lấy lại niềm tin của dân Mỹ về hiệu quả chiến lược chống khủng bố. Ảnh: Washington Post
Tổng thống Barack Obama đang nỗ lực lấy lại niềm tin của dân Mỹ về hiệu quả chiến lược chống khủng bố. Ảnh: Washington Post
TP - Trong bài phát biểu sáng qua (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama không đưa ra thay đổi lớn nào trong cuộc chiến chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) hay tăng cường an ninh trong nước, mà chỉ nỗ lực trấn an dân Mỹ, trong bối cảnh nhiều lo ngại dấy lên về hiệu quả chiến lược của Mỹ ở Syria và Iraq.

"Mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố là có thật. Nhưng chúng ta sẽ vượt qua. Thành công của chúng ta sẽ không phụ thuộc vào những lời nói cứng rắn hoặc từ bỏ những giá trị của chúng ta hoặc thay bằng nỗi sợ hãi”, Tổng thống Mỹ khẳng định, đồng thời cam kết sẽ cương quyết thực hiện chính sách hiện tại.

Kêu gọi không phân biệt đối xử người Hồi giáo

Việc ông Obama không đưa ra đề xuất chính sách mới nào cho thấy không có giải pháp gọn gàng hay ít tốn kém nào có thể giảm bớt lo lắng cho người dân Mỹ sau hàng loạt vụ tấn công đẫm máu xảy ra ở nhiều nước trong tháng qua. Theo báo cáo tình báo, những thủ lĩnh chủ chốt của IS ở Syria đóng vai trò lên kế hoạch cuộc tấn công ở Paris và vụ đánh bom máy bay dân sự của Nga trên bán đảo Sinai của Ai Cập. 

Tại thành phố San Bernardino (Mỹ), những kẻ tấn công có vẻ được truyền cảm hứng từ chiến dịch tuyên truyền của IS trên mạng nhưng không phải thành viên của nhóm này, ông Obama nói. Những cuộc tấn công kiểu “cây nhà lá vườn” của các cá nhân tự cực đoan hóa như vậy thường khó bị giới tình báo phát hiện và nhằm kích động, chia rẽ, gây ác cảm đối với những người Hồi giáo. Ông Obama gọi đây là giai đoạn mới trong cuộc chiến kéo dài gần 15 năm của Mỹ chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Thừa nhận nỗi lo lắng của người Mỹ, ông Obama cảnh báo mối nguy hiểm của những lời lẽ phỉ báng người Hồi giáo ở Mỹ hay vô tình hỗ trợ IS trong chiến dịch kích động chiến tranh giữa thế giới Hồi giáo và phương Tây. Bài phát biểu của ông Obama cũng nhằm phản bác những phát biểu, tuyên bố bài xích trong chiến dịch tranh cử của các ứng viên đảng Cộng hòa, trong đó có ông Donald Trump và Ben Carson. 

Ông Obama cũng kêu gọi người Mỹ từ chối việc kiểm tra tôn giáo với người tị nạn Syria mà một số ứng viên tổng thống phe Cộng hòa nêu ra, cũng như đề xuất về việc đối xử khác biệt với những người Mỹ theo đạo Hồi. “Đi theo con đường đó, chúng ta sẽ thua. Kiểu phân biệt đó phản bội những giá trị của chúng ta” và hỗ trợ IS, Tổng thống Mỹ nhận định.

Ông Obama đang phải đối mặt thách thức lớn hơn nhiều trong việc vạch ra chiến lược dài hạn nhằm đánh bại IS ở Syria và Iraq vào lúc nhiều người Mỹ đã bắt đầu nghi ngờ hướng đi của ông, trong khi hy vọng vào các ứng viên đảng Cộng hòa với những giải pháp nhanh hơn, bạo lực hơn.

Từ khi xảy ra loạt tấn công Paris, chính quyền Mỹ tăng cường chiến dịch quân sự, triển khai các nhóm đặc nhiệm đến Iraq và Syria, đồng thời tăng tần suất không kích, nhất là vào các cơ sở khai thác, chế biến dầu của IS. Giới chức Mỹ thông báo, những tuần gần đây, họ đã phá hủy 116 xe tải chở dầu - nguồn doanh thu quan trọng của IS. Ông Obama cho rằng, hàng ngàn cuộc không kích nhằm vào các thủ lĩnh, lực lượng và trang thiết bị của IS là bằng chứng cho thấy chiến dịch đang được tăng cường. 

Ông cũng nói về các nỗ lực tăng cường hoạt động tình báo, đào tạo cho lực lượng địa phương và hợp tác chặt chẽ hơn với Thổ Nhĩ Kỳ để phong tỏa biên giới phía nam với Syria. Tuy nhiên, chiến lược đó mang lại những kết quả lẫn lộn. Ngay cả với sự giúp đỡ của không quân Mỹ, lực lượng Iraq vẫn chưa giành lại được bất kỳ thành phố lớn nào từ tay IS. Những đội quân đầu tiên do Mỹ đào tạo hoàn toàn bị lấn át bởi kẻ thù tàn khốc hơn. Ông Obama thúc giục người Mỹ kiên nhẫn hơn, cho rằng nếu đưa ồ ạt lực lượng Mỹ vào hai nước này sẽ dẫn đến một cuộc chiến lâu dài và tốn kém.

Sẽ theo vết xe đổ?

Việc Mỹ không đạt được tiến triển rõ ràng trên mặt đất và sự công kích của các ứng viên tổng thống khiến người dân Mỹ càng thêm nghi ngờ liệu ông Obama có toàn tâm toàn ý cho mục tiêu triệt phá IS. Theo các nhà phân tích, ông Obama cũng góp thêm ngờ vực đó từ những lần phát ngôn quá mức. Khi IS đang trên đà thắng và chiếm thêm lãnh thổ ở Iraq và Syria, ông Obama bác bỏ ý kiến cho rằng, nhóm này đang nổi lên thay thế al-Qaeda. 

Chỉ vài ngày trước vụ tấn công Paris, ông Obama nói rằng, IS đã bị “vây hãm”. Những người chỉ trích Tổng thống Mỹ vin vào những phát ngôn này để nói rằng ông Obama đã không kiểm soát được tình hình. Ngay cả đồng minh, như ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, cũng chỉ trích ông Obama không hành động nhanh hơn và cương quyết hơn ở Syria. Đáp lại những chỉ trích này, ông Obama cảnh báo, sự phản ứng thái quá đối với các vụ tấn công khủng bố 11/9 đã đưa nước Mỹ vào cuộc chiến không khôn ngoan ở Iraq.

Theo giới quan sát, dường như ông Obama đang đối mặt tình huống giống như người tiền nhiệm George W. Bush. Sau những năm Mỹ thụt lùi trong cuộc chiến tốn kém, người dân Mỹ từ năm 2006 bắt đầu chất vấn liệu ông Bush có thực sự hiểu cuộc xung đột. Ông Bush đáp lại bằng một chiến lược mới với việc đưa thêm hơn 30.000 quân đến Iraq. Giờ đây, ông Obama cũng đang phải chịu áp lực leo thang cuộc chiến mà ông từng hy vọng chấm dứt.     

Bộ Ngoại giao Syria hôm qua gửi thư tới Hội đồng Bảo an LHQ và Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, lên án vụ không kích của lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu trúng một vị trí của quân đội chính phủ Syria, khiến 3 binh sĩ thiệt mạng ngày 6/12.

Theo Theo Washington Post, Foreign Policy
MỚI - NÓNG