Chiếc vali hạt nhân quyền lực luôn đi cùng tổng thống Mỹ

 Một binh sĩ Mỹ xách chiếc vali hạt nhân lên chuyên cơ Air Force One của tổng thống ngày 7/4/2010. (Ảnh: Business Insider)
Một binh sĩ Mỹ xách chiếc vali hạt nhân lên chuyên cơ Air Force One của tổng thống ngày 7/4/2010. (Ảnh: Business Insider)
Một vật bất ly thân với bất cứ tổng thống Mỹ nào đó là chiếc vali hạt nhân - một biểu tượng sức mạnh quân sự của Mỹ cũng như trách nhiệm khổng lồ mà tổng thống nước này phải mang theo.

Vali nhân hay còn gọi là “Nuclear Football” bắt đầu xuất hiện trong nhiệm kỳ của Tổng thống John Kennedy sau khi sự kiện khủng hoảng tên lửa Cuba diễn ra vào năm 1962. Sau sự kiện này, các quan chức hàng đầu của quân đội Mỹ nhanh chóng nhận ra rằng, tổng thống Mỹ cần phải dễ dàng tiếp cận được với các bản kế hoạch chiến tranh hạt nhân. Qua các năm, chiếc vali đã trở thành biểu tượng của sức mạnh quân sự của nước Mỹ cũng như trách nhiệm khổng lồ mà vị tổng thống của nước này lúc nào cũng cần mang bên mình.

Chiếc vali này đi kèm với mã kích hoạt hạt nhân để tổng thống đương nhiệm của Mỹ có thể tiếp cận trong trường hợp khẩn cấp dù đang ở bất cứ đâu, vào thời điểm nào.

Bên trong vali hạt nhân

Vali hạt nhân thực chất là một chiếc tráp bằng da màu đen, bên trong là một vali bằng titan siêu bền nặng 18kg, kích thước 45x35x25cm với khóa bằng mật mã. Chiếc vali này không được phép rời xa viên sĩ quan trợ lý đặc biệt của tổng thống. Viên sỹ quan này “gắn chặt” với chiếc vali bằng một chiếc vòng đặc biệt gắn vào cổ tay và quan trọng người này phải luôn ở bên cạnh tổng thống. Có tất cả 5 viên trợ lý như vậy trực thay ca 24/24. Các trợ lý này được lựa chọn hết sức kỹ lưỡng từ các sĩ quan không quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ và phải trải qua quá trình điều tra chi tiết về tiểu sử và các mối quan hệ.

 Chiếc vali hạt nhân quyền lực luôn đi cùng tổng thống Mỹ ảnh 1 (Ảnh: Business Insider)

Bên trong chiếc vali là một máy phát sóng vệ tinh và một số tài liệu, dựa trên cơ sở đó Tổng thống cần phải đưa ra quyết định về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong số này có một "cuốn sách đen" dày 30 trang ghi những phương án sơ lược của kế hoạch đòn đánh hạt nhân.

Trong vali còn có danh sách các hầm ngầm bí mật mà tổng thống Mỹ có thể sử dụng trong trường hợp nước Mỹ bị tấn công hạt nhân, kèm theo đó là chỉ dẫn liên lạc với Lầu Năm Góc và đề xuất về các bước hành động tiếp theo. Ngoài ra, trong vali còn có các thủ tục để kích hoạt hệ thống thông tin khẩn cấp EAS, nhờ đó tổng thống có thể phát biểu trước toàn dân chỉ trong vòng 10 phút, sau khi tuyên bố về tình huống khẩn cấp, không phụ thuộc vào việc ông đang ở đâu.

Ban đầu, trong giai đoạn 1962-1977, mã kích hoạt tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ chỉ là một dãy gồm 8 con số 0. Điều này là bởi, Washington cho rằng, việc kích hoạt tên lửa hạt nhân đơn giản giúp họ khởi động “càng nhanh càng tốt” loại vũ khí này để ứng phó với kẻ thù trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, từ sau năm 1977, mật mã kích hoạt tên lửa mang đầu đạn hạt nhân mới được cho là được đổi lại phức tạp hơn.

Ngày nay, Tổng thống Barack Obama có khả năng cập nhật mã phóng vũ khí hạt nhân trên trang web đặc biệt của Nhà Trắng. Các chuyên gia an ninh mạng hàng đầu của Mỹ đảm nhận trách nhiệm ngăn ngừa những vụ tin tặc muốn tiếp cận chuỗi mã phóng này. Trong khi đó, Tổng thống Obama buộc phải sử dụng chữ ký trên võng mạc để mở hệ thống.

Những tình huống "dở khóc, dở cười"

Vali hạt nhân được chuyển giao chính thức giữa các đời tổng thống Mỹ vào đúng giữa trưa ngày tuyên thệ nhậm chức, đúng thời điểm diễn ra lễ chuyển giao quyền lực. Kể từ khi vali hạt nhân Mỹ ra đời đã xảy ra không ít những sự cố “dở khóc dở cười”.

Năm 1999, BBC đưa tin, Tổng thống Mỹ Bill Clinton vội vã rời cuộc họp thượng đỉnh NATO đến nỗi bỏ quên chiếc vali hạt nhân lại cùng viên sỹ quan hộ tống. Viên sỹ quan này sau đó đã tự trở về Nhà Trắng cùng chiếc vali hạt nhân an toàn. Ông Bill Clinton tiếp tục gặp rắc rối với chiếc vali này khi thông tin tiết lộ hồi năm 2010 nói rằng, ông không biết chiếc thẻ nhựa có thông tin mật mã đặc biệt dùng để xác nhận quyết định phát động tấn công hạt nhân ở đâu trong suốt nhiều tháng trời.

Trong khi đó, ông Jimmy Carter trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị cho là đã làm mất chiếc thẻ nhựa quan trọng khi ông bỏ quên nó trong bộ đồ vest đem đi giặt là.

Tháng 5/2005, cảnh sát Hà Lan đã bắt 6 đối tượng đang tìm cách lẻn vào khách sạn nơi Tổng thống Mỹ George W. Bush nghỉ lại để đánh cắp chiếc vali hạt nhân. Nhóm này bị bắt khi mang ống nhòm và đeo thẻ giả dạng các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG