Chiếc loa khổng lồ tại bờ sông Bến Hải và những kỷ vật đặc biệt của báo chí cách mạng
TPO - Khai trương đón khách tham quan từ ngày 19/6/2020, Bảo tàng Báo chí Việt Nam có tới hàng chục nghìn hiện vật, tài liệu. Trong đó, có trên 700 hiện vật, tài liệu được lựa chọn trưng bày. Nhiều kỷ vật gắn với cuộc đời làm báo, hoạt động cách mạng của những nhà báo nổi tiếng.
Ngày 28/7/2017, Thủ tướng ký Quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Bảo tàng chính thức khai trương và đón khách tham quan hệ thống trưng bày thường xuyên từ tháng 6/2020.
Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam - cho biết sau 4 năm mở cửa đón khách tham quan, bảo tàng sưu tầm, thu thập được 35.000 tài liệu, hiện vật trưng bày.
Điểm nhấn trong các không gian trưng bày là hình tượng bút sen ở gian khánh tiết, báo chí chiến khu ở gian 1945-1954, khu vực trải nghiệm các loại hình báo điện tử, báo in, báo nói, báo hình, khu vực tưởng niệm các nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc và sự nghiệp báo chí Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trải qua hơn 1.000 ngày triển khai các không gian trưng bày theo chủ đề. Không gian trưng bày của bảo tàng được bố trí trên diện tích gần 1.500 m2.
Năm 1922, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cùng nhiều nhà hoạt động cách mạng quốc tế lập nên Hội Liên hiệp thuộc địa và xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) tại Pháp. Báo duy trì hoạt động được 4 năm (1922-1926), xuất bản được 38 số. Sự ra đời của Le Paria là dấu mốc quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam và các nước thuộc địa của Pháp.
Chiếc máy quay “ngựa trời” đánh dấu cột mốc ra đời tờ báo hình đầu tiên của Việt Nam - Đài Truyền hình Việt Nam vào ngày 7/9/1970. Để chuẩn bị cho ngày lên sóng, một đội chuẩn bị làm truyền hình được thành lập với yêu cầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật truyền hình tối thiểu gồm trường quay với camera điện tử, máy phát sóng truyền hình, ăng ten phát sóng, máy thu hình.
Máy đánh chữ của nhà báo Lê Văn Ba - người gắn bó với báo Tiền Phong gần 30 năm. Máy đánh chữ được ông sử dụng để sản xuất các bài viết đăng trên những tờ báo bí mật như báo Nhựa sống vào những năm 1952-1953.
Xe đạp của nhà báo, liệt sĩ Đặng Loan (báo Miền Tây Nghệ An), nhà báo Văn Hiền (báo Nghệ An) và máy in ty-pô do Trung Quốc sản xuất năm 1966. Hiện vật do CTCP in Việt Lập (Cao Bằng) hiến tặng. Đây là hiện vật duy nhất còn sót lại gần với thời kỳ hoạt động hơn nửa thế kỷ trước của nhà in Việt Lập. Nhà in này ra đời tại chiến khu Cao - Bắc - Lạng, thực hiện nhiệm vụ in truyền đơn, tài liệu và báo Việt Nam Độc Lập - tờ báo do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Chiếc loa được sử dụng tại bờ sông Bến Hải trong cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Loa có công suất 500W, được ghép từ 3 đoạn, hai đoạn đầu tạo thành thân loa, chiều dài 1,41 m. Đoạn cuối là vỏ chứa tổ hợp khuếch đại âm thanh có chiều dài 0,72 m. Toàn bộ mặt bên trong phẳng. Hiện vật kể câu chuyện lịch sử của hơn 50 năm trước tại vĩ tuyến 17. Khi Mỹ - Diệm gắn những cụm loa công suất lớn đáp trả, bờ Bắc đã tăng cường một chiếc loa đại, công suất 500W, thuận gió có thể truyền xa 10 km.
Những số báo xuất bản trong tháng 5/1975, trong đó có báo Tiền Phong.
Thẻ nhà báo của một số nhà báo cách mạng khắp ba miền được bảo tàng dày công sưu tầm và trưng bày.
Tính khi mở cửa đón khách đến nay, bảo tàng đã đón khoảng 15.000 lượt khách tham quan. Bên cạnh các khu vực trưng bày thường xuyên, khu vực trải nghiệm các loại hình báo chí và các khu chức năng khác, Bảo tàng Báo chí Việt Nam dành riêng không gian để khách tham quan đọc sách báo, tra cứu tài liệu.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam triển khai hướng xây dựng hiện đại, ứng dụng công nghệ số vào trưng bày. Các hệ thống màn hình đều đã tích hợp những thông tin, tư liệu, tác phẩm, hình ảnh liên quan đến đời sống báo chí, hoạt động báo chí và cống hiến của báo chí các thời kỳ.
“Hiện vật ở bảo tàng không chỉ kể chuyện quá khứ, mà còn kể những chuyện của người làm báo hôm nay”, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Kim Hoa bày tỏ.