Chiếc áo 23 năm của đứa con 20 tuổi

Cụ Huỷnh bên di ảnh của con. Cụ mong ước một lần ra Trường Sa Ảnh: Nguyễn Huy
Cụ Huỷnh bên di ảnh của con. Cụ mong ước một lần ra Trường Sa Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Hơn 23 năm qua, những kỷ vật của các liệt sỹ Trường Sa vẫn được gia đình lưu giữ cẩn thận.

> Những giọt máu nằm lại Trường Sa

Cụ Huỷnh bên di ảnh của con. Cụ mong ước một lần ra Trường Sa Ảnh: Nguyễn Huy
Cụ Huỷnh bên di ảnh của con. Cụ mong ước một lần ra Trường Sa.
Ảnh: Nguyễn Huy.
 

“Nó vẫy tay chào mệ”

Bà Lai nhớ như in cái ngày anh Trương Quốc Hùng (sinh năm 1967) về chào thăm gia đình lên đường nhận nhiệm vụ. “Hùng đi lần nào cũng đầy nhiệt huyết, quyết tâm. Nó chẳng bao giờ sợ khó, sợ khổ” - bà Lai kể.

Tròn 20 tuổi, năm 1987 chàng trai trẻ Quốc Hùng đăng ký vào lực lượng Hải quân vùng 3. Gần năm trời, Hùng cùng đồng đội thao luyện và tham gia sản xuất tại Hội An (Quảng Nam). Bà Lai nhớ lại: Có lần Hùng được nghỉ phép về thăm nhà. Người nhỏ nên việc đốn củi chặt cây không bằng anh em nhưng nó vẫn kiên trì để theo kịp mọi người. Nhà mệ lúc đó khó khăn lắm, mệ nhờ họ rèn cho con cái dao mới để việc đốn củi thuận lợi hơn. Vì thế, Hùng làm việc nhanh hơn hẳn, ngang bằng anh em trong đội…

Tết năm 1988, Hùng thông báo nhận nhiệm vụ Trường Sa làm công tác vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng đảo. Cả nhà ai cũng bất ngờ nhưng Hùng vui ra mặt. “Anh Hùng nói ra Trường Sa không phải ai muốn đi cũng được. Khó khăn lắm anh mới được chọn đi nên rất háo hức” - anh Trương Quốc Cường, 42 tuổi, em trai liệt sĩ Hùng, tâm sự.

Lá thư đầu được Hùng viết gửi về nhà khi vào Cam Ranh (Khánh Hòa) trong đó anh thông báo tình hình công tác tốt, điều kiện ăn ở phù hợp và anh em đồng đội thương yêu, giúp đỡ nhau khiến gia đình rất an tâm. Đùng cái, ngày 14-3-1988 cả nhà nghe tin dữ một số đảo ở Trường Sa bị lực lượng nước ngoài đánh chiếm.

Trong số cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh, mất tích có tên anh Trương Quốc Hùng. “Chẳng hiểu sao sáng đó, mệ đột nhiên tỉnh giấc, đầu óc mông lung, bần thần không biết làm gì. Bỗng hình ảnh Hùng ẩn hiện trong đầu. Hùng cười và vẫy tay chào mệ… ” - bà Lai nhớ lại.

Ngày nào cũng thế, bà Lai ngắm nghía lại chiếc áo của con, gấp tấm mền anh Hùng tặng trước ngày lên đường. Giọng bà Lai nghẹn lại: Áo của anh Hùng mặc trước khi lên đường ra Trường Sa đó. Bao nhiêu năm nay, mệ không giặt nó vì muốn lưu giữ lại hình ảnh của con mình lần cuối”.

Ông Văn Thái Dũng - Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Bắc cho hay, trong tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng cũ, Hòa Cường Bắc là địa phương có nhiều người đăng ký lên đường ra Trường Sa làm nhiệm vụ nhất. Trong đó, có 7 người hy sinh ở Trường Sa ngày 14-3-1988 và một người bị nước ngoài bắt sau đó trả về nước. Phường vẫn thường tổ chức những buổi giao lưu, đối thoại với gia đình thân nhân liệt sĩ giúp người dân trên địa bàn hiểu Trường Sa và khát vọng chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Bà Lai bật khóc khi nâng niu tấm áo của con trai để lại trước khi ra Trường Sa
Bà Lai bật khóc khi nâng niu tấm áo của con trai để lại trước khi ra Trường Sa.

Mong một lần ra Trường Sa

Phan Thị Thùy Trang (sinh viên ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng) chỉ cho tôi tấm bản đồ được khoanh tròn màu đỏ nơi quần đảo Trường Sa. “Từ nhỏ mình đã được bà kể cho nghe câu chuyện về chú ruột Phan Văn Sự anh dũng hy sinh ở Trường Sa. Chưa một lần được ra đây, nhưng chuyện về chú giúp mình cảm nhận về Trường Sa sâu sắc hơn, gần gũi hơn”.

Trang và bà nội Lê Thị Muộn (80 tuổi, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) sống dưới căn nhà khang trang trên đường Hàn Thuyên (TP Đà Nẵng). Những lúc rảnh rỗi bà lại kể chuyện về chú Sự. “Ở lớp mình cũng kể cho các bạn về chú Sự. Cả gia đình mong muốn được một lần ra thăm nơi chú đã nằm xuống” - Trang tâm sự. Cô sinh viên nhỏ nhắn còn đưa ra một tập tài liệu về Trường Sa mà cô tìm tòi, nghiên cứu nhiều năm qua. “Đó vẫn chỉ là giấy tờ thôi. Mình muốn ra đảo”.

“Huyện vừa có kế hoạch xây dựng chương trình vinh danh liệt sĩ Trường Sa, qua đó lập danh sách các gia đình, thân nhân liệt sĩ, đồng thời liên kết một số cán bộ, chiến sĩ từng công tác ở Trường Sa để tổ chức các buổi giao lưu, đối thoại, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chủ quyền biển đảo đến các thế hệ công dân.” - Ông Ngô Phú Chức, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Điện Bàn, Quảng Nam.

 

Bà Muộn, mẹ liệt sĩ Sự nói, ngày Sự lên đường, ba của Sự là Phan Văn Bé đang phải nhập viện để mổ điều trị. Thấy con không an tâm về sức khỏe của cha, ông Bé gắng gượng, giả vờ hết bệnh. Ngày anh Sự mất, cũng là ngày ông Bé lâm trọng bệnh rồi qua đời vì quá thương nhớ con. Một mình bà Muộn gánh vác cả gia đình với 7 người con.

Ở tuổi 90, cụ Trần Huỷnh (đường Núi Thành, TP Đà Nẵng) vẫn ăm ắp nỗi nhớ người con - liệt sĩ Trần Tài (sinh năm 1967). “Học xong lớp 12, Tài thi đậu vào ngành âm nhạc. Nó chơi đàn hay lắm, nổi tiếng cả vùng. Vậy mà nghe tin được trúng tuyển ra Trường Sa là hăng hái đi ngay. Thậm chí khi mới vào quân ngũ, biết các thế hệ anh em lần lượt ra đảo làm nhiệm vụ, Tài nhiều lần về tâm sự với tôi ước mong được ra đảo. Thấy nó quyết tâm, tôi cũng mừng và động viên Tài lên đường”.

Dù tuổi cao sức yếu, cụ Huỷnh mong một lần được ra Trường Sa, thắp nén hương trên quần đảo của con mình và những người chiến sĩ đã hy sinh. “Trước lúc vợ tôi mất, bà cũng có tâm nguyện này”, cụ Huỷnh nói.

Anh Dương Văn Dũng (phường Hòa Cường Bắc, Hải Châu, TP Đà Nẵng) - nhân chứng sự kiện 14-3-1988 tại vùng biển Cô Lin - Gạc Ma kể, sáng 12-3 năm đó, anh cùng các anh em Trương Quốc Hùng, Trần Tài, Phan Văn Sự, các chiến sĩ, lực lượng công binh lên tàu HQ 604, HQ 605 đạp sóng ra Trường Sa. Hơn 1 ngày lênh đênh, chiều 13 - 3, tàu cập đảo Trường Sa giữa mênh mông biển nước. Lần đầu đến đảo ai cũng xúc động.

Theo lệnh chỉ huy, một số chiến sĩ bơi lên đảo cắm cờ Tổ quốc tại Cô Lin - Gạc Ma, số còn lại vận chuyển hàng hóa, vật liệu. “Đột nhiên, rạng sáng 14-3, tôi thấy tàu chiến cùng lính nước ngoài bất ngờ ập đến, họ hung hãn dùng súng tấn công lực lượng hải quân ta. Trong thời khắc sinh tử nhưng mọi người không nao núng vẫn quyết giữ vững lá cờ Tổ quốc.

Hai tàu hải quân HQ 604, HQ 605 bị chìm, nhiều anh em đồng đội ngã xuống. Tôi cùng 8 đồng đội khác trôi dạt trên biển, sau đó bị bắt giữ hơn 3 năm trời. Giờ nghĩ lại đó là những phút giây thiêng liêng nhất trong đời được chiến đấu cho chủ quyền biển đảo. Giờ có được ra Trường Sa tôi vẫn quyết tâm, hăng hái lên đường” - anh Dũng nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.