Chỉ tại cái 'tòa thiên nhiên'

Chỉ tại cái 'tòa thiên nhiên'
TP - Chẳng biết nếu cụ Nguyễn Du thức dậy hôm nay thì có cười cái sự “ném đá” của dư luận với cái bìa sách truyện Kiều sử dụng tác phẩm của một trong những họa sỹ hàng đầu Việt Nam, họa sỹ Lê Văn Đệ, người được đào tạo bài bản về hội họa ở hai “lò”: Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương lẫn Đại học Mỹ thuật Paris không.

Đã trên hai thế kỷ Truyện Kiều ra mắt nhưng có những câu thơ trong truyện Kiều đến nay người trẻ đọc lại vẫn bồi hồi ngưỡng mộ sự táo bạo của Nguyễn Du. Thí dụ: “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Trước lễ giáo phong kiến,  Thúy Kiều vẫn “vượt rào” đến với tình yêu, không kém 9x hôm nay.  Bức tranh của Lê Văn Đệ bị một bộ phận dư luận cho là lõa lồ, phản cảm, dung tục, nhức mắt v.v… nhưng thực tế ai say truyện Kiều đều mê câu thơ như bức họa về vẻ đẹp người phụ nữ: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Chẳng ai ném đá câu thơ tuyệt vời, cho dù sức gợi của nó vừa khái quát mà cũng thật…tỉ mẩn nhưng người ta lại ném đá bức họa của Lê Văn Đệ? Tại vì câu thơ đã đi vào tiềm thức nên dễ dàng được chấp nhận, còn bức tranh minh họa cho câu thơ ấy vì chưa có dịp hội ngộ nhiều với công chúng,  nên đã dễ dàng lĩnh “đạn” chăng?

Chỉ tại cái 'tòa thiên nhiên' ảnh 1

Tập sách Truyện Thúy Kiều với tranh bìa gây dư luận

Trao đổi với họa sỹ Văn Sáng, người thường xuyên thực hiện  bìa sách văn học, anh nói: “Bức tranh của Lê Văn Đệ là một bức khắc gỗ. Về cái sự đẹp, xấu của bìa sách thì tôi không bàn, vì nó là cảm tính của mỗi người, còn bảo bức tranh này gợi dục thì bản thân tôi thấy không có gì phản cảm cả. Chỉ là một bức khắc gỗ mộc mạc, giàu tính đồ họa, có bầu ngực lộ ra, gợi dục gì đâu? Tiêu chí gợi dục thua xa những trang báo sử dụng cơ thể phụ nữ “câu view” (thu hút lượt truy cập) ta vẫn thấy nhan nhản trên báo mạng, nó còn gợi dục gấp tỉ lần ấy chứ”. Vậy sao người ta vẫn “ném đá”? Họa sỹ làm bìa sách cười: “Hay tại người ta quá yêu Thúy Kiều? Không muốn thấy Thúy Kiều không một mảnh vải?”. Cũng  đúng phần nào. Nhưng có ai yêu mến Thúy Kiều lại không biết nàng sở hữu “tòa thiên nhiên” đáng tự hào? Làm sao để những người đến với nghệ thuật phân biệt được một tác phẩm hội họa với những bức hình kiểu như Lê Kiều Như minh họa trong “sợi xích” hay những trào lưu “nude” vì nọ, vì kia nhan nhản trong giới giải trí? Đó hẳn băn khoăn của không ít những người làm nghệ thuật. Muốn vậy, phải giáo dục thẩm mỹ ngay từ nhỏ và công việc này không phải ngày một ngày hai… Ai cũng biết thế.

Nhưng cũng chưa hẳn những người “ném đá” bức tranh đã là những người không có nền tảng nhất định về thẩm mỹ, về nghệ thuật. Có một hiện tượng phổ biến trong xã hội ta hiện nay, đó là trào lưu “ném đá”, chỉ trích công khai, bất kể hiện tượng, sự việc gì nổi lên chưa cần ngẫm ngợi, đã vội vàng “vạch mặt”. Cứ đà này, những ai yếu bóng vía mỗi khi có sáng tạo mới, đi ngược lại sự yêu thích mang tính truyền thống của đám đông, hẳn sẽ rụt rè khi công bố? Khi sức mạnh của đám đông lên ngôi thì sự khác biệt lại bị đối xử tệ. Mà lắm khi sự khác biệt lại là sự thông báo về một cá tính, một tài năng trong nghệ thuật.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.