Sưu tầm tài liệu ở Pháp và miền Nam nước ta rất khó khăn. May thay, giữa lúc đó Giáo sư J.Filliozat, Giám đốc trường Viễn Đông Bác cổ ở Paris, viết thư đến Viện Văn học đề nghị thiết lập quan hệ trao đổi sách báo thường xuyên giữa hai bên. Viện Văn học liền gửi đề nghị lên Ủy ban Khoa học nhà nước nhưng không được chấp thuận, thậm chí hồi đó có thời gian ta còn tạm đình chỉ cả việc dạy tiếng Pháp trong các trường học.
Bỗng một hôm tôi nhận được điện thoại yêu cầu lên gặp một cơ quan cấp trên. Đồng chí phụ trách cơ quan đó truyền đạt cho tôi quyết định sau đây: “Do nhu cầu tài liệu cần cho việc kỷ niệm Nguyễn Du, đồng chí được phép lấy tư cách cá nhân trao đổi sách báo về Kiều với hai người quen biết ở Paris và Sài Gòn mà đồng chí thấy là thích hợp, nhưng không được tiết lộ việc này với ai, cũng không cần phải báo cáo với lãnh đạo Viện Văn học; khi nào có trục trặc thì lên đây báo cáo, cơ quan trên này sẽ tìm cách giải quyết”.
Tuần lễ triển lãm về Nguyễn Du khai mạc ngày 19/11 tại TPHCM. Ảnh: Hữu Huy.
Tôi vừa mừng vừa lo trước một sự cho phép như vậy và nghiêm chỉnh chấp hành.
Thế là từ năm 1963 tôi bắt đầu trao đổi sách báo với Tạ Trọng Hiệp, cộng tác viên của trường Viễn Đông Bác cổ Paris.
Trong tài liệu của mình, GS Nguyễn Văn Hoàn không đề cập gì về Tạ Trọng Hiệp. Nay xin bổ sung về người học trò kiêm cộng sự xuất sắc của GS Hoàng Xuân Hãn như sau:
Tạ Trọng Hiệp sinh ngày 18/10/1933 tại làng Thụy Khuê (làng Giấy), cạnh Hồ Tây, Hà Nội; từ trần hồi 21 giờ ngày 25/10/1996, vì bệnh ung thư, tại bệnh viện Kremlin Bicêtre, ngoại ô Paris. Hưởng thọ 63 tuổi.
Năm 1970, Ðại học Paris VII muốn mở một ban Việt học. Tạ Trọng Hiệp sáng lập ra ban Việt học bắt đầu trường ở đường Censier rồi sau dọn sang đường Jussieu mà ông là GS Hán Nôm cho tới ngày mất. Ông là thành viên của Société Asiatique (Hội Á Châu).
Tủ sách của Tạ Trọng Hiệp cũng là một di sản văn hóa lớn lao cho giới nghiên cứu văn học. Tạ Trọng Hiệp làm việc âm thầm và những công trình của ông thể hiện phần lớn như những báo cáo cho Trung tâm nghiên cứu Khoa học Pháp.
Ông là vai chính trong việc phát hiện bộ Ðại Việt Sử ký Toàn thư, bản Nội các Quan bản.
Ông đã tham gia đắc lực vào việc hình thành Thư mục Di sản Hán Nôm từ đời Lý - Trần đến ngày nay.
Nhiều công trình nghiên cứu còn đang dang dở dưới dạng bản thảo chưa in, trong đó có chương trình Tuyển tập Văn bia Bi ký Việt Nam từ thời Lý Trần đến ngày nay. (Ðây là chương trình cộng tác giữa trường Viễn Ðông Bác cổ và Viện Hán Nôm Hà Nội- X.B)
Tiếp mạch hồi ức của GS Hoàn: Thời gian này, tôi còn liên lạc qua một kênh khác với GS Nguyễn Văn Trung ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Kết quả trao đổi rất đáng hài lòng vì vị này cũng đang rất khát tài liệu xuất bản ở miền Bắc nước ta, còn các trục trặc thì không phải chờ đợi lâu mà xảy ra ngay:
Lần thứ nhất, tôi nhận được một giấy báo của bưu điện Hà Nội cho biết có một bưu phẩm gửi cho tôi đến từ Paris, nhưng tôi không được phép nhận vì toàn là ấn phẩm lạc hậu và phản động in ở Sài Gòn.
Tôi lên báo cáo với cơ quan trên và vài hôm sau thì nhận được gói sách đó. Nhân viên bưu điện ở đây dần dần quen mặt tôi nên việc gửi sách báo đi và nhận về theo luồng này trở nên thông suốt.
Lần thứ hai, một hôm đồng chí Phạm Huy Thông với tư cách Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của ta tiếp một đoàn Hòa bình Mỹ, có một ông chuyển cho tôi một gói sách, đồng chí Phạm Huy Thông vốn là hiệu trưởng của tôi ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho thư ký chuyển gói sách đến cho tôi một cách tự nhiên, nhưng tôi thì cảm thấy cần viết ngay một bản tường trình, với các lý lẽ có thể nói được, gửi lên đồng chí Phạm Huy Thông, lúc đó là Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội, mới tách ra từ Ủy ban Khoa học nhà nước. Ít lâu sau gặp tôi, đồng chí nói: “Lúc đầu nhận được bản báo cáo của anh, tôi nghĩ là không cần thiết nhưng sau lại thấy anh làm thế là rất chủ động”.
Việc thứ ba còn rắc rối và tế nhị hơn, có một hộp các-tông nhỏ từ trường Viễn Đông Bác cổ Paris được gửi đến Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, rồi qua Bộ Ngoại giao ta cuối cùng đến Văn phòng Ủy ban Khoa học xã hội. Đồng chí Vụ trưởng Vụ Liên lạc đối ngoại Ủy ban Khoa học xã hội trao cho tôi một cái hộp nhỏ đó, trong đựng một bản vi phim (microfilm) bản Kiều Nôm Duy Minh thị.
Đến đây cũng mở thêm một cái ngoặc là trong tài liệu của mình, GS Nguyễn Văn Hoàn, có thể do khuôn khổ bài viết chưa có sự chú giải về nguồn tài liệu quý hiếm thời điểm ấy. Đó là bản Kiều Nôm Duy Minh thị.
Như nhiều người đã biết, bản Kiều quốc ngữ xưa nhất là bản Kiều do Trương Vĩnh Ký phiên âm in vào năm 1875, bản Truyện Thúy Kiều do Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ hiệu khảo, bản Kim Vân Kiều do Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu chú giải (1925), Kim Vân Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, bản Truyện Kiều Chú Giải do Lê Văn Hòe chú giải, hiệu đính và bình luận, bản Kim Túy Tình Từ do Phạm Kim Chi san định in năm 1917...
Bản cổ nhất được xác định là bản Liễu Văn đường in năm 1866.
Về thời gian Nguyễn Du viết Truyện Kiều, chưa có sách nào minh định rõ ràng? Nhiều tài liệu khẳng định chắc khừ, Nguyễn Du viết Kiều sau khi đi sứ Trung Hoa ở Yên Kinh về (tức là trong khoảng thời gian từ 1814 đến trước khi ông mất -1820). Có thể vin vào lý do là khi đi sứ Trung Hoa, Nguyễn Du mới đọc được truyện Vương Thúy Kiều trong tập Ngu Sơ Tân Chí của Đạm Tân Dư Hoài, và nhất là Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân chăng? Cuốn ấy như nhiều người đã rõ, đây là quyển sách được viết theo thể văn xuôi mà từ nội dung, nhân vật của sách này Nguyễn Du đã viết thành Truyện Kiều. Người ta cho là thời của Nguyễn Du không dễ dàng gì một tác phẩm không mấy nổi tiếng như hai quyển trên (hai quyển Vương Thúy Kiều của Đạm Tân Dư Hoài, và Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân) là những tác phẩm vốn chưa bao giờ được coi là nổi danh, là hot văn học Trung Hoa cỡ như Kim Bình Mai, Hồng Lâu Mộng, Thủy Hử, Tam Quốc Chí... Vậy nên khó lòng hai quyển này lại sang được xứ Nam mình thời bấy giờ?
Kim Vân Kiều thích chú - Bản Kiều cổ được trưng bày tại triển lãm.
Xin trở lại bản Kim Vân Kiều tân truyện do Duy Minh thị tân thuyên xuất bản năm Nhâm Thân (1872) đã được in tại Phật Trấn- Việt Đông bên Trung Quốc. Kể về năm in thì bản ấy ra đời sau bản Liễu Văn Đường tân san năm Bính Dần (1866) tới sáu năm.
Bản này đã được tái bản ba lần: Bảo Hoa các (1879), Văn Nguyên đường (1879) và Thiên Bảo lâu (1891). Các lần tái bản sau đều khắc đúng như bản in lần thứ nhất.
Năm 1884, Abel Des Michels, người đầu tiên dùng bản Duy Minh thị để dịch Truyện Kiều sang Pháp ngữ, đã có nhận xét rằng, bản ấy có quá nhiều lỗi vì đã được giao cho những người thợ Trung Quốc không biết tiếng Nam (chữ Nôm) khắc ván in. Bản ấy chỉ được phổ biến ở miền Nam và Trương Vĩnh Ký cũng đã có tham khảo khi phiên âm Truyện Kiều lần đầu tiên sang quốc ngữ. Nhưng bản Duy Minh thị đã không được các nhà nghiên cứu Truyện Kiều ở miền Bắc dùng làm tài liệu tham khảo. Mãi tới năm 1971, bản Duy Minh thị mới được ông Vũ Văn Kính dùng làm tài liệu để biên soạn quyển Đoạn trường tân thanh khảo lục nhưng ông cũng không chép theo bản này mà phần lớn đều theo bản Kiều Oánh Mậu (1902) và bản Quan Văn đường (1925).
Người đầu tiên đi sâu vào văn bản này là cụ Hoàng Xuân Hãn. Cụ cho biết: “Bản này in sai rất nhiều, cho nên không mấy ai để ý tới. Nhiều khi người ta cho là bản một người dốt chép lại, không ai để ý. Nhưng sự thực bản ấy là bản quý nhất. Về mặt niên đại, về chữ húy, chỉ có húy đời Gia Long không có húy đời Minh Mạng, thì biết rằng bản viết người ta theo đó để mà sao lại, chắc chắn đầu đời Gia Long. Bản ấy có nhiều sai lầm nhưng qua cái sai lầm một cách giản dị mà mình lại chữa được một cách chắc chắn” (X.B chú dẫn theo nguồn Kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du (Kỷ yếu), NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1967).
Nhiều tư liệu quý tại triển lãm về Nguyễn Du
Kỷ niệm 250 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du, Tuần lễ triển lãm về Nguyễn Du đã được Sở VH-TT-DL TPHCM khai mạc tại TPHCM ngày 19/11. Triển lãm đã trưng bày nhiều tư liệu quý về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du cũng như các tác phẩm Truyện Kiều của nhiều thời kỳ. Trong đó đáng chú ý là 249 đầu sách viết về thân thế sự nghiệp của Nguyễn Du bằng nhiều ngôn ngữ của các học giả nổi tiếng như Phạm Quý Thích, Trần Trọng Kim, Tản Đà, Đào Duy Anh, Trương Tửu… thực hiện. Triển lãm kéo dài cho đến hết ngày 25/11.
Trọng Thịnh
(Còn nữa)