3 tháng đầu năm:

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 9,19%, nhập siêu 7,36 tỷ USD

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 9,19%, nhập siêu 7,36 tỷ USD
TP - Theo số liệu từ Hội nghị giao ban tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 25/3, ước tính sơ bộ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2008 so với tháng 12/2007 tăng 9,19%, trong đó nhóm hàng dịch vụ và ăn uống tăng cao nhất là 14,45%.

Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 8%, phương tiện đi lại và bưu điện tăng 7,32%, các nhóm hàng và dịch vụ khác tăng từ 0,6-4,38%. CPI bình quân 3 tháng đầu năm 2008 so với cùng kỳ năm 2007 tăng 16,38%.

CPI “nhảy qua” GDP

Về tăng trưởng kinh tế, 3 tháng đầu năm mặc dù vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, nhưng thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm 2008 ước đạt 7,34%, so với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2008 từ 8,5%-9% thì kết quả đạt được của quý I còn thấp.

Để đạt được tốc độ tăng GDP 9%, thì 3 quý còn lại phải đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 9,3-9,4%. “Đây là mức phấn đấu rất cao trong điều kiện nền kinh tế đang có nhiều khó khăn. Đặc biệt tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II/2008 khó có thể đạt bằng mức tăng cùng kỳ năm 2007” - một chuyện gia kinh tế nhận định.

Như vậy, mức tăng CPI của tháng 3/2008 nêu trên đã vượt tăng trưởng kinh tế. Trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008 của Quốc hội, đã ghi rõ chỉ tiêu GDP tăng 8,5-9% và chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo số liệu của Bộ KH&ĐT, chỉ số giá vàng bình quân 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng 40,5% do giá vàng thế giới tăng, còn chỉ số tỷ giá VNĐ so với USD lại giảm 0,52% (VNĐ lên giá so với USD), chủ yếu do cán cân thanh toán quốc tế thặng dư lớn. Thị trường chứng khoán hoạt động không ổn định. Chỉ số VN-Index đã giảm hơn 50% so với mức cao nhất trong năm 2007.

Doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh kém  

Do tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu nên trong 3 tháng đầu năm, nhập siêu đã ở mức 7,36 tỷ USD, bằng 56,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, gấp 3 lần so với tỷ lệ nhập siêu cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2007 nhập siêu 1,9 tỷ USD, bằng 18,2% kim ngạch xuất khẩu).

Đáng chú ý, so với quý I/2007 thì quý I năm nay mặt hàng ô tô nhập khẩu tăng gấp 4 lần, trong đó ô tô nguyên chiếc tăng gấp 5 lần...

Trong bối cảnh nhập siêu, thì tốc độ tăng trưởng công nghiệp đang có xu hướng giảm sút. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1/2008 tăng 18,1%; tháng 2 chỉ tăng 16,1% và bình quân 3 tháng đầu năm tăng 16,5%, thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước.

Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp tăng thấp, ngoài tác động không thuận do giá cả thế giới và giá đầu vào tăng, thì nguyên nhân chủ yếu là khả năng cạnh tranh yếu kém của doanh nghiệp và của sản phẩm công nghiệp; đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhà nước có nhiều điều kiện thuận lợi và được đầu tư lớn, nhưng không tận dụng được lợi thế so sánh, khả năng cạnh tranh kém cả ở thị trường trong nước và quốc tế, hiệu quả lợi nhuận thấp. 

TS Võ Trí Thành, Trưởng ban nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế T.Ư):

Chưa có sự phối hợp chính sách nhịp nhàng trong chống lạm phát

Ngày 25/3, trả lời câu hỏi của Tiền phong về vấn đề lạm phát, TS Võ Trí Thành, Trưởng ban nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế T.Ư) nói:

Theo tôi, những biện pháp chống lạm phát hiện chưa có sự phối hợp nhịp nhàng với các chính sách khác, thậm chí còn quay lại với các mệnh lệnh hành chính. Trong khi đó, thông tin đến với các nhà hoạch định chính sách hiện nay vẫn còn thiếu, nên chưa lường được phản ứng thị trường, của doanh nghiệp như thế nào để từ đó có sự điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Chống lạm phát hiện nay phần lớn vẫn dựa theo tổng cầu, tổng cung mà chưa xét đến mối quan hệ giữa cán cân thanh toán quốc tế với hệ thống tài chính. Để các luồng vốn, luồng tiền trung chuyển có hiệu quả, chống đầu cơ thì lãi suất tiền đồng, lãi suất ngoại tệ và biến động tỷ giá phải tương đương với nhau...

Hiện, chúng ta nhập siêu, và bù đắp thâm hụt mậu dịch bằng kiều hối, bằng đầu tư gián tiếp, bằng vay vốn dài hạn..., nhưng nguồn tiền để bù đắp cho thâm hụt rất bấp bênh.

Dĩ nhiên, kinh tế VN vẫn có tiềm năng tăng trưởng tốt, muốn vừa phát triển kinh tế, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, cần có 3 nhóm giải pháp:

Thứ nhất nhóm giải pháp dài hạn (hoàn thiện thể chế kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng)

Thứ hai là nhóm giải pháp về xây dựng nền tảng tốt cho phát triển nền tài chính, hệ thống tài chính, phát triển hệ thống giám sát, thị trường cổ phiếu, trái phiều

Thứ ba là nhóm giải pháp xử lý các vấn đề kinh tế trước mắt, đặc biệt ổn định kinh tế vĩ mô.  

Phạm Tuyên
 (ghi)

MỚI - NÓNG