Chi 200 triệu nâng mông, bệnh nhân bị hoại tử ăn mòn cả xương cụt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhập viện trong tình trạng đau nhức dữ dội, nữ bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán bị hoại tử nặng sau tiêm filler làm đầy hai bên mông. Trong quá trình thực hiện cuộc phẫu thuật, ê kíp bác sĩ ghi nhận, bệnh nhân bị hoại tử nặng, ăn mòn cả xương cụt và xương đùi.

Ngày 22/7, TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW tại TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận phẫu thuật cấp cứu cho một trường hợp bị hoại tử rất nặng. Bệnh nhân là bà N.D.T (42 tuổi, ngụ tại TPHCM) đến bệnh viện trong tình trạng hai bên mông có nhiều vết thương rỉ mủ, bốc mùi hôi thối gây đau đớn dữ dội.

Chi 200 triệu nâng mông, bệnh nhân bị hoại tử ăn mòn cả xương cụt ảnh 1

Cả hai bên mông của người bệnh bị hoại tử nặng sau khi tiêm chất làm đầy

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ người bệnh ghi nhận, với mong muốn có được cặp mông tròn đầy, gợi cảm bà T đã chi 200 triệu đồng để tiêm 700ml filler. Loại chất làm đầy bệnh nhân đã sử dụng được quảng cáo có xuất xứ từ châu Âu. Bà T đã nhờ người quen không phải nhân viên y tế tiêm chất làm đầy tại nhà. Sau 2 lần tiêm cách nhau 9 tháng, bệnh nhân rơi vào tình trạng đau nhức. Người bệnh đã đến nhiều cơ sở để xử lý vết thương nhưng tình trạng ngày càng nặng.

BS Tú Dung cho biết, ổ viêm nhiễm xuất hiện cả hai bên mông bệnh nhân khu trú và xâm lấn xung quanh, lan rộng tới bờ mông sau. Filler đã len lỏi sâu vào các mô cơ ở khắp nơi, khiến mông bệnh nhân sưng phồng, nhiều vùng vón cục lồi lõm. Miệng vết khâu của các lần nạo filler trước đó còn rỉ dịch mủ. Để tránh nguy cơ hoại tử lan rộng gây tắc nghẽn mạch máu các bác sĩ đã quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật nạo filler trong đêm 21/7 cho người bệnh.

Chi 200 triệu nâng mông, bệnh nhân bị hoại tử ăn mòn cả xương cụt ảnh 2

Các bác sĩ đã thực hiện cuộc phẫu thuật nạo filler ra khỏi cơ thể người bệnh

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ ghi nhận, các ổ nhiễm trùng tạo thành cấu trúc như tổ ong, ổ hoại tử ăn mòn cả xương đùi và xương cùng cụt. Các bác sĩ phải thực hiện xử lý từng khu vực để nạo hút toàn bộ khối áp xe. Sau 3 giờ khẩn trương trong phòng mổ, các bác sĩ đã hút ra gần 1 lít filler, dịch mủ, mô hoại tử và nhiều tạp chất. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tích cực bằng kháng sinh và đặt máy VAC hút dịch từ vết thương.

Từ trường hợp trên, BS Tú Dung cảnh báo: “Filler bản chất là hyaluronic acid, chất làm đầy được sử dụng trong làm đẹp. Tuy nhiên, khi tiêm filler phải đặc biệt lưu tiêm đúng loại filler chất lượng được cấp phép và không được tiêm một lượng quá nhiều. Bộ Y tế quy định người tiêm chất làm đầy bắt buộc phải là bác sĩ da liễu hoặc tạo hình thẩm mỹ, được đào tạo chính quy, cơ sở thực hiện phải được cấp phép. Tuyệt đối không nên tiêm filler để nâng ngực hoặc nâng mông vì có thể gây ra biến chứng nguy hiểm”.

MỚI - NÓNG