Thận trọng, tránh rủi ro
Thưa ông, vì sao quy hoạch vừa công bố, chỉ cho phép trồng tối đa 10.000 ha đến năm 2020, trong khi có đơn vị đề xuất trồng hàng trăm nghìn ha?
Quy hoạch về cây mắc ca được làm thời gian tương đối dài, thận trọng để đảm bảo có căn cứ khoa học. Có thể nói, chưa một loại cây nào được làm kỹ như cây mắc ca.
Thực tế, mắc ca là cây dài ngày, mới nhập về Việt Nam và là cây trồng lấy hạt làm thực phẩm. Do vậy, phải xem xét kỹ từ kết quả khảo nghiệm về phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, đất đai ở các vùng miền; quá trình từ thu hoạch, chế biến, bảo quản để đảm bảo chất lượng hạt, nghiên cứu thị trường để làm sao phát triển bền vững.
Bộ cũng đã tham vấn rất nhiều đơn vị trong nước, quốc tế; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, từ đó mới khẳng định được quy mô làm sao bước đầu phát triển bền vững, có hiệu quả nhất.
Chúng ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm từ quy hoạch những cây khác và tránh chuyện “nay trồng, mai chặt” gây thiệt hại cho bà con nông dân.
Mắc ca là cây trồng lấy hạt và mới ở Việt Nam, vậy theo ông thực tế cây này đang gặp những trở ngại gì?
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn.
Do mắc ca trồng lấy hạt làm thực phẩm, nên ngoài việc trồng để sinh trưởng phát triển tốt để có quả, đi liền với nó là thu hoạch, chế biến, bảo quản để hạt mắc ca đảm bảo được chất lượng.
Chẳng hạn, theo quy trình, từ khi thu hoạch hạt chuyển sang tách vỏ chỉ trong vòng 3 giờ. Trong 24 giờ sau khi tách vỏ phải đưa vào lò sấy và sấy trong điều kiện ít nhất 3 ngày, độ ẩm của hạt phải dưới 10%. Nhiệt độ bảo quản tốt nhất là 18 độ C… Cái này không như cà phê, thu hái xong có thể phơi khô. Hạt mắc ca nếu phơi khô chất lượng hạt sẽ hỏng.
Bài học của thế giới về thu hoạch, chế biến, bảo quản loại hạt này rất rõ. Ở Úc, mắc ca có thể bán được giá nhân khô 3-4 USD/kg, nhưng nhiều nước ở châu Phi chỉ bán 1-1,5 USD/kg. Theo tính toán, nếu giá mắc ca chỉ khoảng 1,4- 1,5 USD/kg gần như không còn lãi.
Do vậy, cần tổ chức liên kết giữa các doanh nghiệp thật sự chắc chắn với bà con nông dân, đảm bảo nông dân thu hoạch xong được đưa vào chế biến ngay, đảm bảo chất lượng hạt.
Hiện có nhiều địa phương triển khai các dự án đã trồng mắc ca, trước quy hoạch, nhất là ở Tây Nguyên, Bộ có khuyến cáo gì về việc này?
Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo sớm về vấn đề trên và quy hoạch này có thể vừa là lời khuyến cáo, vừa là định hướng chính thức. Từ nay đến năm 2020 chúng ta chỉ trồng khoảng xấp xỉ 10.000 ha, chủ yếu là trồng xen, còn trồng tập trung chỉ trên 2.300 ha.
Chúng tôi cũng đã có khuyến cáo cụ thể đối với từng địa phương trong khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên. Các địa phương trên cơ sở định hướng chung của cả nước ở quy hoạch này, xây dựng quy hoạch thực sự chi tiết đến từng địa bàn và hướng dẫn bà con nông dân từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hái. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào liên kết chuỗi với bà con đảm bảo thu mua và tiêu thụ sản phẩm.
Phải đảm bảo chất lượng cây giống
Giống là khâu quyết định sự thành - bại của mắc ca, tuy nhiên, thời gian qua, một số địa phương cảnh báo cây giống mắc ca không được kiểm định, không đảm bảo chất lượng?
Đúng là thời gian qua, hầu hết giống mắc ca trồng ở cả khu vực Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông chưa được kiểm định, kiểm soát tốt về chất lượng. Do vậy, một trong những giải pháp quan trọng đầu tiên là quản lý được nguồn giống cây mắc ca.
Hiện nay Việt Nam có 10 giống đã được công nhận. Chúng tôi sẽ tục chỉ đạo việc khảo nghiệm tiếp để khẳng định, công nhận tiếp, nhưng cái đó phải có thời gian. Cần lưu ý, giống ấy phải là giống được sản xuất bằng ghép, nếu trồng giống thực sinh thì rủi ro là rất cao.
Cảm ơn ông!
Theo quy hoạch, giai đoạn đến năm 2020, diện tích trồng mắc ca ở Tây Bắc và Tây Nguyên chỉ gần 10.000 ha. Trong đó, khu vực trồng tập trung hơn 2.300 ha và trồng xen canh với cây cà phê, chè… gần 7.600 ha. Đến năm 2030, hai vùng trên có thể trồng tới 34.500 ha cây mắc ca, trong đó, khoảng 7.000 ha trồng tập trung, còn lại là trồng đan xen 27.500 ha.