Chế tài nhẹ, lái xe phạm luật nặng

Chế tài nhẹ, lái xe phạm luật nặng
TPO - Từ sự chủ quan, nhiều lái xe đã vi phạm các quy định về an toàn giao thông, gây ra những vụ tai nạn thảm khốc, cướp đi hàng chục sinh mạng. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, phần đa họ chỉ phải trả giá bằng vài năm tù...
Xe khách bị lũ cuốn mang theo 20 nạn nhân xấu số lúc được trục vớt
Xe khách bị lũ cuốn mang theo 20 nạn nhân xấu số lúc được trục vớt.
 

Một giây chủ quan, cướp đi hàng chục sinh mạng

Theo thống kê vài năm gần đây, hầu hết các vụ tài xế vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đều xuất phát từ lỗi chủ quan. Và khi xét xử, phần lớn dư luận cho rằng, mức án đối với các lái xe này là chưa thoả đáng, chưa đủ tính răn đe.

Đơn cử như vụ việc vừa được TAND huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đưa ra xét xử đối với lái xe Trần Văn Trường (36 tuổi, quê Nam Định).

Trong vụ án này, theo khai nhận của chính lái xe cũng như quá trình điều tra thì thấy, chỉ vì chủ quan khi cho rằng mực nước dâng không gây cản trở, đoạn đường này lái xe đã thuộc... như lòng bàn tay, do đó Trường đã quyết cho xe đi qua. Tuy nhiên, khi chưa đi được nửa đường, dòng nước đã cuốn phăng chiếc xe, làm 20 người chết, mất tích. Sáng 2-6 vừa qua, Tòa án Nhân dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tuyên phạt Trường 7 năm tù.

Cũng là một lỗi chủ quan khác, dư luận vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại vụ việc chiếc xe đám hỏi ở Thường Tín, Hà Nội.

Khi đó, vào trung tuần tháng 11-2009, tài xế Phan Xuân Năng (36 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) điều khiển ô tô 30 chỗ chở đám hỏi đi từ nhà chú rể ở quận Đống Đa đến xã Văn Tự, Thường Tín, Hà Nội. Khi đi qua đường ray, do thiếu quan sát, tài xế này đã cho xe vượt qua đường khi tàu hoả đang lao đến với tốc độc lớn. Hậu quả, đã có 9 người tử vong ngay tại chỗ, gần 20 người khác bị thương nặng.

Trong phiên sơ thẩm, tài xế này chỉ bị tuyên 9 năm tù về hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Đó là hai vụ án điển hình, gây bàng hoàng dư luận, còn phần lớn các vụ án tương tự, lái xe chỉ phải phải nhận mức án rất nhẹ, thậm chí là án treo cho dù đã gây ra những hậu quả đau lòng từ sự cẩu thả, chủ quan của mình.

Lợi dụng chế tài nhẹ của điều luật để phạm tội nặng hơn?

Liên quan đến những lỗi từ vi phạm các quy định của luật giao thông, có nhiều ý kiến của chuyên gia pháp lý cho rằng, việc áp dụng chế tài quá nhẹ sẽ không đủ răn đe cũng như giáo dục ý thức cho các lái xe. Và điều tệ hại hơn, chính những kẽ hở này có thể bị kẻ xấu lợi dụng để phục vụ cho những mục đích xấu, như trả thù, giết thuê...

Luận bàn về vấn đề này, luật sư Đỗ Viết Hải (Trưởng văn phòng luật sư Sự thật, Hà Nội) phân tích: Đúng là đã có những vụ việc lợi dụng các chế tài chưa thật nghiêm của tội danh trên để che dấu một hành vi khác. Tuy nhiên, xét về yếu tố cấu thành tội phạm, trong mọi trường hợp, các lỗi của lái xe trong điều luật nói trên đều là lỗi vô ý.

Có thể do vô ý vì quá tự tin (trường hợp lái xe trong vụ xe khách bị lũ cuốn trôi ở Hà Tĩnh, lái xe chủ quan do tự tin quen đường, vẫn cho xe vượt qua dù dòng nước đã ngập đường 50 cm), hoặc có thể do thiếu quan sát (vụ lái xe trong đám hỏi ở huyện Thường Tín, Hà Nội lái xe bị khuất tầm nhìn, thiếu quan sát khi tàu hoả đang đến gần nhưng vẫn cho xe vượt qua đường ray, gây tai tạn nghiêm trọng).

Còn khi các lái xe có chủ ý gây tai nạn để che dấu một hành vi phạm tội khác, đó sẽ là lỗi cố ý. Hành vi này, trong quá trình điều tra, các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể khởi tố, truy tố các lái xe theo tội danh Cố ý gây thương tích; Giết người... tuỳ theo tính chất, mức độ của vụ việc.

Áp dụng pháp luật chưa nghiêm!

Đó là quan điểm của luật sư Nguyễn Phương Nam (Trưởng văn phòng luật sư số 10, Hà Nội) trong việc áp dụng pháp luật đối với các hành vi vi phạm giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng của các tài xế.

Theo luật sư Nam, thực tế, chúng ta đã có những quy định pháp luật hết sức chặt chẽ về hành vi vi phạm giao thông của lái xe quy định trong Điều 202 BLHS. Nếu ở khoản 1 của điều luật, các cơ quan chức năng chỉ quy định chung, mang tính định khung, thì ở khoản 2, các tình tiết tăng nặng đã được quy định rất cụ thể để các cơ quan tố tụng thuận tiện trong việc áp dụng pháp luật.

Bên cạnh đó, luật sư Nam cho rằng, để tránh những thiếu sót, ở Điều 48 BLHS đã đưa ra 14 trường hợp được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có thể áp dụng mức hình phạt cao hơn điều luật, như tình tiết phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; Phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm...

Khi các tài xế phạm phải một trong những tình tiết này, cơ quan tố tụng hoàn toàn có thể áp dụng mức hình phạt cao hơn quy định của điều luật (Điều 202: Điều khoản cơ bản có mức án cao nhất đến 5 năm tù; điều khoản tăng nặng có mức án cao nhất đến 10 năm tù).

Như vậy, điều quan trọng nhất chính là các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật như thế nào, có thật sự nghiêm minh không, các tình tiết tăng nặng có được áp dụng triệt để hay không. Cũng theo luật sư này, công cuộc cải cách tư pháp của Nhà nước ta cũng là một ví dụ điển hình của việc áp dụng, thực thi pháp luật. “Không phải chúng ta chưa có luật hay chưa có các chế tài áp dụng. Điều quan trọng chính là cách các cơ quan tố tụng cảm nhận và thực hiện nó như thế nào” – luật sư Nam nói.

Theo Viết
MỚI - NÓNG