Azerbaijan:

Cháy giàn khoan dầu trên biển, 30 người mất tích

Hỏa hoạn tại giàn khoan của Azerbaijan trên biển Caspi. Ảnh: Youtube
Hỏa hoạn tại giàn khoan của Azerbaijan trên biển Caspi. Ảnh: Youtube
Ít nhất 1 người thiệt mạng và 30 người khác mất tích sau vụ cháy giàn khoan của Azerbaijan tại mỏ dầu Guneshli trên biển Caspi hôm qua 5/12, theo Daily Mail.

Công ty năng lượng quốc gia Azerbaijan (SOCAR) cho biết, tối 4/12 theo giờ địa phương, ngọn lửa bất ngờ bùng lên từ một đường ống dẫn khí trên giàn khoan bị hư hỏng do gió mạnh lên tới 90km/h. Mặc dù toàn bộ hệ thống trên giàn khoan đã ngừng vận hành song đám cháy vẫn kéo dài do lượng khí đốt còn sót lại trong đường ống và hệ thống. Hãng thông tấn Itar-Tass của Nga đưa tin, đám cháy có khả năng đã lan tới các giếng dầu trong khu vực.

Theo thông tin cập nhật, sự việc xảy ra khi 64 công nhân đang làm việc trên giàn khoan. Vụ hỏa hoạn khiến ít nhất 1 công nhân thiệt mạng, 30 người mất tích nhưng khả năng sống sót là rất ít, trong khi 33 người khác đã được cứu. Hiện công tác tìm kiếm vẫn đang được gấp rút thực hiện nhưng gặp nhiều trở ngại do điều kiện bão lớn.

Trước đó, người đứng đầu Ủy ban bảo vệ quyền lợi công nhân dầu khí Azerbaijan Mirvari Gakhramanly cho Reuters hay, 32 công nhân đã thiệt mạng và 42 người được cứu ngay trong đêm.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev hôm qua đã ký sắc lệnh yêu cầu lập một ủy ban do Thủ tướng Artur Rasizade đứng đầu để phối hợp ứng phó với vụ hỏa hoạn.

Hiện tại, việc sản xuất dầu tại 28 giếng dầu tại đến tại các giàn khoan dầu đã tạm ngừng, trong khi toàn bộ đường ống dẫn dầu và khí đốt nối với đất liền đã bị chặn lại để đảm bảo an toàn, SCOCAR cho biết.

Azerbaijan là đối tác chính trong các dự án vận chuyển năng lượng từ các mỏ năng lượng ở biển Caspi cho các nước phương Tây thông qua các đường ống chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Giếng dầu Guneshli được phát hiện năm 1981, cách thủ đô Baku của Azerbaijan khoảng 90 km về phía Đông. Năm 1994, chính phủ Azerbaijan đã ký thỏa thuận khai thác giếng dầu Guneshli với các công ty nước ngoài trong đó có BP của Anh, Statoil của Na Uy, Chevron và  Exxonmobil của Mỹ. Hoạt động khai thác tại Guneshli bắt đầu từ năm 2008 với 10 giàn khoan do SOCAR vận hành.

Những năm gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn trên giàn khoan ngoài khơi ở nhiều quóc gia. Năm 2011, một giàn khoan bất ngờ chìm ngoài khơi vùng biển Viễn Đông của Nga khiến 53 người thiệt mạng. Năm 2010, vụ nổ giàn khoan của BP khiến 11 công nhân thiệt mạng và hàng triệu thùng dầu tràn ra Vịnh Mexico.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG