Châu Á sẽ trở thành trung tâm điện ảnh thế giới và cơ hội của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất (DANAFF 2023), Hội thảo Điện ảnh Nhật Bản – Kinh nghiệm thành công và hướng hợp tác với Việt Nam được tổ chức vào sáng 12/5 tại Đà Nẵng, đã nhìn lại quá trình hợp tác sản xuất phim giữa Nhật Bản và Việt Nam, từ đó đề xuất những phương án hợp tác đầy tiềm năng giữa Việt Nam, Nhật Bản và các quốc gia khác trên thế giới.

Trong phiên đầu tiên của hội thảo, bà Anne Demy – Geroe – Đồng Chủ tịch Mạng lưới Khuyến khích Điện ảnh châu Á NETPAC đã mở đầu bài phát biểu về việc hồi phục nền công nghiệp điện ảnh quốc gia này vào những năm 1970: “Đã đến lúc ta phải nhìn nhận những cảnh quan đất nước ta, lắng nghe tiếng nói con người đất nước ta và mơ những giấc mơ của riêng ta”.

Với trích dẫn này, bà Anne Demy – Geroe muốn nói rằng để nền điện ảnh của một quốc gia phát triển, họ cần phải kể những câu chuyện riêng của mình. Để hỗ trợ mong ước này, bà đã giới thiệu một số LHP và chương trình tài trợ các nhà làm phim trẻ đến từ các nước Đông Nam Á – Thái Bình Dương như LHP Jogja – NETPAC, chương trình Asia Pacific Screen Lab...

Châu Á sẽ trở thành trung tâm điện ảnh thế giới và cơ hội của Việt Nam ảnh 1

Bà Anne Demy – Geroe – khẳng định vai trò của Mạng lưới Khuyến khích Điện ảnh châu Á NETPAC đối với điện ảnh khu vực.

Bà khẳng định rõ vai trò của NETPAC trong sự phát triển điện ảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương hơn là phương Tây và mong muốn nền phim ảnh của khu vực này hãy tập trung vào khắc họa những nền văn hóa độc đáo của họ thay vì đặt nặng vấn đề thương mại.

“Ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam đang trên đà phát triển. Chúng ta đang đi đúng hướng để đạt được những điều tuyệt vời, tuy nhiên, chúng ta sẽ đạt được điều đó nhanh hơn nhiều khi ta đào tạo thành công thế hệ các nhà làm phim lành nghề tiếp theo” - bà nêu cảm nhận về nền điện ảnh Việt Nam.

Nhà sản xuất người Nhật Horoyuki Akune đưa ra một đề xuất táo bạo tại phiên hội thảo. Ông dự đoán trong tương lai gần, thị trường điện ảnh thế giới mong muốn được thưởng thức nhiều bộ phim châu Á hơn. Dân số đông và trẻ của các nước châu Á sẽ đưa nền công nghiệp điện ảnh của châu lục này trở thành trung tâm của nền điện ảnh thế giới.

Châu Á sẽ trở thành trung tâm điện ảnh thế giới và cơ hội của Việt Nam ảnh 2

Đề xuất thành lập Cộng đồng Điện ảnh châu Á toàn cầu trên không gian mạng được nhà sản xuất Horoyuki Akune đưa ra.

Để biến giấc mơ này thành hiện thực, ông Akune đề xuất các quốc gia châu Á thành lập một Cộng đồng Điện ảnh châu Á toàn cầu trên không gian mạng để phục vụ mục đích giao lưu điện ảnh, thảo luận về dự án riêng của từng nước hoặc trao đổi về các dự án hợp tác trong khu vực.

Khi được hỏi về trở ngại đến từ sự khác biệt trong lợi ích và chính trị của các nước thành viên, ông trả lời rằng ông không có ý định liên kết các chính phủ mà ông chỉ đơn thuần muốn tạo ra một cộng đồng các nhà làm phim.

Về mảng phim hoạt hình, ông Kosuke Kishikawa - đại diện Studio Hoạt hình của Nhật Bản, đã đưa ra một số yêu cầu hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam. Thứ nhất, các công ty sản xuất hoạt hình Nhật Bản hiện thiếu nhân sự trầm trọng và điều này có thể giải quyết bằng cách hợp tác với các đơn vị, xưởng phim hoạt hình đầy tài năng tại Việt Nam.

Thứ hai, đề xuất hợp tác với các đài truyền hình Việt Nam để phát sóng nhiều bộ phim hoạt hình anime mới đến với khán giả Việt Nam và cuối cùng ông muốn đặt mục tiêu cùng đội ngũ Việt Nam tạo ra các bộ phim và nhân vật mới có sức ảnh hưởng toàn cầu.

Thông qua hội thảo nói riêng và LHP DANAFF lần thứ nhất nói chung, các nhà làm phim trong và ngoài nước hy vọng có thể bắt tay hợp tác với nhau để hướng tới mục tiêu chung là tạo ra những bộ phim chất lượng nhất. Đây cũng là cơ hội thu hút các quỹ điện ảnh và vốn đầu tư nước ngoài đến với những nhà làm phim non trẻ tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG