Cách đưa phim Việt ra toàn cầu

TPO - Trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất (DANAFF 2023), Hội thảo Phát triển công nghiệp điện ảnh - Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng, tổ chức chiều 10/5 tại Đà Nẵng, đã mở ra nhiều vấn đề để Việt Nam thực sự có một nền công nghiệp điện ảnh.

Chính sách đã thoáng

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trưởng ban tổ chức DANAFF 2023, cho biết Đà Nẵng đang tìm hướng đi phù hợp để phát triển công nghiệp điện ảnh. Thành phố cũng tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế chính sách cho các nhà làm phim trong và ngoài nước. Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất 2023 đang diễn ra cũng như hội thảo này là cơ hội tốt để Đà Nẵng lắng nghe, lĩnh hội kinh nghiệm từ các nhà làm phim, các chuyên gia về chính sách phát triển công nghiệp điện ảnh trong và ngoài nước.

Cách đưa phim Việt ra toàn cầu ảnh 1

Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trưởng ban tổ chức DANAFF 2023, cho biết Đà Nẵng ngày càng được nhiều đoàn làm phim trong và ngoài nước đến chọn bối cảnh Ảnh: Nguyễn Tri.

TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Liên hoan phim, cho biết: Theo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã có hiệu lực, các địa phương như Đà Nẵng có quyền lập hội đồng cấp phép sản xuất phim. Và trước kia, đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam phải được kiểm duyệt toàn bộ kịch bản, và tất cả cảnh quay, kể cả những cảnh không quay tại Việt Nam. Nay thì đã khác, cơ quan quản lý chỉ xem tóm tắt kịch bản, và chỉ duyệt những cảnh quay tại Việt Nam. Như vậy điều kiện làm phim tại Việt Nam đã thông thoáng hơn nhiều.

Cách đưa phim Việt ra toàn cầu ảnh 2

TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Liên hoan phim phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Nguyễn Tri.

Bà Lý Phương Dung, Cục phó Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) bổ sung: Luật Điện ảnh mới cho thấy quyết tâm của Việt Nam đưa điện ảnh trở thành nền kinh tế mũi nhọn trong các ngành văn hóa. Bước đầu đã có những chính sách ưu đãi với ngành sản xuất điện ảnh, nhưng đến nay còn cần cụ thể hóa các chính sách trên.

Ách tắc vẫn còn

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cho biết sau khi tìm hiểu, nghiên cứu các nền điện ảnh lớn, thấy ở đâu người ta cũng đều áp dụng những chính sách ưu đãi rất “mạnh tay” với ngành sản xuất điện ảnh, như thuế ưu đãi, miễn thuế, hoàn thuế… Còn ở ta, Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã áp dụng từ ngày 1/1, nhưng vẫn còn chờ nghị định hướng dẫn.

Dẫn chứng về việc các đoàn làm phim nước ngoài gặp khó khi sang Việt Nam làm phim, ông Hùng Tú kể từng có việc đoàn làm phim Điệp viên 007 muốn mượn đường phố Châu Văn Liêm (TPHCM) để thực hiện cảnh quay mở đầu phim. Họ đã dùng trực thăng khảo sát kỹ phim trường, và đền bù việc buôn bán cho các hộ dân trên tuyến đường. Nhưng rồi chỉ một cái “lệnh miệng” nào đó, mọi công sức chuẩn bị phải hủy bỏ, để rồi sang quay ở Thái Lan.

Cách đưa phim Việt ra toàn cầu ảnh 3

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Trí Quân.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng giám đốc Công ty BHD, đơn vị hàng đầu trong việc sản xuất phim và các chương trình truyền hình, đặc biệt là liên kết phân phối, giới thiệu các tác phẩm, chương trình đến các hãng phim, hãng truyền hình, các liên hoan phim quốc tế nổi tiếng. “Nhà nước đang rất ủng hộ chính sách phát triển công nghiệp điện ảnh, đó là một tin vui”, bà Hạnh nói. Tuy nhiên, bà cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế, đó là các nước luôn có những đơn vị sẵn sàng “bao sân” lo từ A-Z cho cả đoàn làm phim hàng trăm người, thì ở ta các đoàn làm phim phải tự lo, rất vất vả.

“Giấy phép đã xin từ tỉnh, thành phố xuống tới phường. Rồi nếu quay công viên thì phải xin phép công viên cây xanh, đoạn nào có yếu tố cháy nổ thì xin cảnh sát PCCC, đoạn nào liên quan đến giao thông lại phải xin phép ngành giao thông… Thử hỏi một ngày 2 cảnh quay, phải xin bao nhiêu giấy phép”, bà Hạnh nói.

Cần chương trình ưu đãi và chuỗi cung ứng điện ảnh

Ông Yoshitaka Sugihara, Giám đốc Chính sách công (Netflix Nhật Bản) cho rằng làm ra một bộ phim là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để “mang địa phương đến toàn cầu”.

Ông kể về những trải nghiệm cùng đoàn làm phim đi nhiều nơi trên thế giới. Các địa phương luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà làm phim quốc tế. “Họ nhiệt tình dẫn chúng tôi đi hết nơi này đến địa điểm khác. Điều này giúp nhà làm phim từ xa đến thực sự có được cái nhìn bao quát, nắm bắt được dòng chảy đời sống, cảnh sắc, tập tục văn hóa ở nơi đó”.

Cách đưa phim Việt ra toàn cầu ảnh 4
Ông Yoshitaka Sugihara, Giám đốc Chính sách công (Netflix Nhật Bản) - bên phải, và PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Tri.

Trước mong muốn phát triển công nghiệp điện ảnh của Đà Nẵng, với tư cách là chuyên gia về chính sách lĩnh vực này, ông Yoshitaka cho rằng Đà Nẵng nên làm mấy điều: Tích cực chào đón các đoàn làm phim nước ngoài, để tranh thủ học hỏi kinh nghiệm; Sớm tạo dựng chuỗi cung ứng phục vụ các đoàn làm phim từ nước ngoài, không chỉ là về dịch vụ ăn ở, mà còn giúp họ giải quyết các giấy tờ, thủ tục trong suốt quá trình quay phim, sản xuất, hậu trường… kể cả phần lời thoại, phương ngữ để phù hợp với người dân bản địa.

Chính từ “chuỗi cung ứng điện ảnh” này, những nhân sự làm phim trong nước sẽ học hỏi được nhiều điều bổ ích.

Ông Stephen Jenner, Phó Chủ tịch Truyền thông Khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA), một người đã đi khắp thế giới để giới thiệu các chính sách ưu đãi đối với điện ảnh. Ông cho rằng Việt Nam cần một chương trình khuyến khích, ưu đãi đối với điện ảnh. Ông dẫn chứng hiện có tới gần 100 chương trình ưu đãi về điện ảnh trên thế giới. Bởi luồng đầu tư cho hoạt động sản xuất phim toàn cầu có tác động tích cực đối với các nền kinh tế trên thế giới. Các chương trình ưu đãi sản xuất phim tốt nhất, đó là ưu đãi cho sản xuất trong nước/nước ngoài, Ưu đãi sản xuất hậu kỳ, Kích thích toàn bộ hệ sinh thái sản xuất.

Cách đưa phim Việt ra toàn cầu ảnh 5

Ông Stephen Jenner (ngồi giữa), cùng các diễn giả tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Tri.

Công nghiệp điện ảnh là cả một nền kinh tế khổng lồ. “Như thành phố Đà Nẵng hiện đang tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao có thương hiệu quốc tế. Nhưng tôi nghĩ không có ngành nào của văn hóa có thể cạnh tranh được với điện ảnh”, ông Stephen Jenner khẳng định.

Tin liên quan