Chất vấn để Bộ trưởng chuyển động

ĐBQH Lê Như Tiến. Ảnh: Như Ý.
ĐBQH Lê Như Tiến. Ảnh: Như Ý.
TP - Hôm nay (11/6), Quốc hội chính thức chất vấn các Bộ trưởng về những vấn đề bức xúc đang nổi lên. Theo các đại biểu, bản chất của chất vấn chính là quy trách nhiệm của người đứng đầu, từ đó buộc Bộ trưởng phải hành động để lĩnh vực mình phụ trách chuyển động ngày một tốt lên.

ĐB Lê Như Tiến: Cái chính là hậu chất vấn

Bản chất của chất vấn chính là quy trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan nhà nước. Nếu như trong chất vấn, để thấy vấn đề bức xúc của đời sống xã hội thì cái quan trọng nhất là hậu chất vấn, đó là phải hành động và chuyển động. Nếu không hành động và chuyển động thì chất vấn sẽ trở nên rất thiếu ý nghĩa.

Trong thời gian vừa qua, chúng ta biết QH chất vấn rất mạnh mẽ đối với các ngành giao thông, ngân hàng, tài chính. Sau chất vấn, các ngành đó có những chuyển động rất mạnh. Đến nay cả ĐBQH và cử tri cả nước đã thừa nhận tác dụng rất to lớn của chất vấn.

ĐBQH Dương Trung Quốc: Không trả lời loanh quanh không được

Chất vấn để Bộ trưởng chuyển động ảnh 1

ĐBQH Dương Trung Quốc. Ảnh: Như Ý.

Với cơ chế tổ chức Chính phủ của ta rất khó để một Bộ trưởng trả lời đến nơi đến chốn vấn đề. Việc chất vấn các Bộ trưởng nên để giữa 2 kỳ họp, có vấn đề gì nóng thì trả lời ngay, giải quyết ngay. Còn ở kỳ họp này thì Quốc hội nên chất vấn các Phó Thủ tướng. Tôi lấy ví như một bữa cơm của người dân, đâu phải mỗi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cung cấp mà còn liên quan tới Bộ Công Thương, Bộ Y tế.

Do vậy việc chất vấn không nên chất vấn theo Bộ trưởng mà nên theo hiện tượng xã hội, nếu rơi vào Bộ nào thì Bộ đó trả lời và có thêm sự tham gia của Phó Thủ tướng, hoặc Thủ tướng. Còn chúng ta cứ nói tại sao các Bộ trưởng cứ trả lời loanh quanh? Vì không loanh quanh không được, sự thực là họ không toàn quyền thì họ không giải quyết được vấn đề. 

ĐBQH Võ Thị Dung: Tôi không kỳ vọng quá nhiều!

Lĩnh vực giáo dục hiện nay đang trong giai đoạn đổi mới, cải cách toàn diện nhưng vẫn còn những vấn đề bất ổn. Phiên chất vấn này, Bộ trưởng cần giải trình rõ ràng hơn, đặc biệt là sự thay đổi các kỳ thi vừa qua đang gây nhiều bức xúc, ảnh hưởng lâu dài tới xã hội.

Tôi không kỳ vọng quá nhiều vào phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương về vấn đề đầu ra cho nông sản. Thực tế cho thấy, sự kết hợp giữa các Bộ, ngành về đầu ra cho nông sản vẫn còn rất lỏng lẻo, chưa được chú trọng, thậm chí còn rời rạc.  

Sao Bộ trưởng luôn bảo vệ tăng giá điện, xăng dầu?

Chất vấn để Bộ trưởng chuyển động ảnh 2

ĐBQH Võ Thị Dung. Ảnh: Như Ý.

Đó là một trong những ý kiến được đề cập trong Báo cáo của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

Theo đó, cử tri An Giang đề nghị xem xét năng lực lãnh đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, vì thời gian qua Bộ trưởng đưa ra các giải pháp chưa có hiệu quả thúc đẩy xuất khẩu cá, gạo; chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, trong khi đó Bộ trưởng luôn bảo vệ tăng giá, tính giá thành không bình thường của Tập đoàn Điện lực, Xăng dầu. Bên cạnh đó, cử tri ở một số địa phương cũng đề nghị thành lập Ủy ban giám sát thị trường hoạt động độc lập nhằm quản lý, giám sát giá cả và tình hình hoạt động của các công ty kinh doanh xăng dầu, điện, gas … Vì hiện nay, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước độc quyền trong việc phân phối các mặt hàng nêu trên, tình trạng lợi ích nhóm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. 

Trong phiên chất vấn hôm nay (11/6), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát sẽ là người đăng đàn đầu tiên. Tiếp đến là Bộ trưởng Bộ Công Thương; Bộ trưởng Bộ KH&CN; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và cuối cùng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ những vấn đề liên quan và trả lời trực tiếp chất vấn của các đại biểu

MỚI - NÓNG