Những ngành bị cấm bố trí người nhà cùng làm lãnh đạo đều thuộc lĩnh vực quan trọng và có độ mẫn cảm cao, gồm: Nội vụ, Thanh tra, Tài chính, Ngân hàng, Thuế, Hải quan, Công thương, Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên môi trường, Quân đội, Công an, Tòa án và Viện kiểm sát.
“Lệnh cấm” này là một giải pháp nhằm “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế” theo tư tưởng chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Quy định không chỉ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn từ xa các nguy cơ dẫn đến tham nhũng quyền lực mà còn đặt trách nhiệm cao hơn đối với người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng. Nếu không đủ năng lực phòng, chống tham nhũng hoặc bản thân không đủ khả năng miễn dịch với miếng mồi quyền lực thì những cá nhân đứng đầu đó sẽ buộc phải “đứng sang một bên”.
Vì thế, quy định mới cũng đem đến cho cán bộ đảng viên, nhân dân sự kỳ vọng cao hơn trong việc minh bạch, lành mạnh và trong sạch hóa các quy trình lựa chọn, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Đồng thời, ngăn chặn vấn nạn con ông cháu cha, gia đình trị trong bộ máy công quyền. Những cậu ấm, cô chiêu sẽ khó có cơ hội được “bế” lên chiếc ghế quyền lực chỉ sau một đêm. Các quý tử cũng không có cửa thăng tiến thần tốc và ngồi vào một vị trí quan trọng bên cạnh hoặc đằng sau cha mình như từng diễn ra ở đâu đó, gây bức xúc dư luận.
Việc ngăn chặn các vấn nạn trên cũng đồng thời tạo sự công bằng và đem đến nhiều cơ hội hơn cho những người có năng lực, xứng đáng đảm nhận những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị. Từ đó tạo ra bầu không khí cởi mở, bộ máy hoạt động trơn tru, hiệu quả hơn và gia tăng niềm tin trong quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, thực tế tiêu cực, tham nhũng nói chung và tham nhũng quyền lực nói riêng đã và luôn có nguy cơ diễn ra ở các ngành, các lĩnh vực chứ không chỉ riêng 13 ngành kể trên. Do đó, việc mở rộng phạm vi quy định cấm bố trí người nhà cùng làm lãnh đạo ở tất cả các ngành, các cấp là rất cần thiết để bộ máy công quyền được minh bạch, trong sáng và hiệu quả hơn. Đó cũng là đỏi hỏi tự thân, tối cần thiết cho sự phát triển. Đất nước chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ, bền vững khi và chỉ khi có một cơ chế minh bạch, phát huy được các tiềm năng, nguồn lực nói chung và nguồn lực con người nói riêng, cũng như có bộ máy lãnh đạo thực sự trong sạch với một tinh thần cống hiến cao độ.
Tham nhũng quyền lực không chỉ xảy ra với người có chức quyền mà còn cả với cán bộ, công chức bình thường. Cho nên, ngay cả khi những lỗ hổng gây nên tình trạng tham nhũng quyền lực từ người đứng đầu đã được bịt kín thì vẫn cần phải chữa trị tận gốc những căn bệnh cố hữu trong bộ máy công quyền hiện nay như sự vô cảm, vô trách nhiệm, hách dịch, vòi vĩnh... Vì tất cả những điều đó đều là một dạng tham nhũng quyền lực trước nhân dân.