Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong mỗi quyền và kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền được quy định trong dự thảo luật chưa chặt chẽ, đủ mạnh để ngăn chặn được tình trạng tiêu cực tham nhũng về đất đai. Theo ông Đường, dự thảo cần bổ sung các quy định để tăng cường kiểm soát của quyền tư pháp đối với quyền hành pháp trong quản lý nhà nước về đất đai. Cơ quan tư pháp không những xét xử hành vi hành chính và quyết định hành chính cá biệt, vi phạm pháp luật mà tiến tới có thể xét xử đối với văn bản quy phạm pháp luật dưới luật trong quản lý đất đai của Chính phủ, của bộ ngành và chính quyền địa phương mà cơ quan, tổ chức và cá nhân công dân trái với Luật Đất đai và các luật có liên quan về đất đai.
Ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng dân chủ pháp luật, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam |
Về cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực, mặc dù dự thảo luật đã chú trọng đến vai trò của MTTQ các cấp, nhưng các quy định chưa đầy đủ, chặt chẽ. Theo ông Đường, tất cả các khâu của quản lý nhà nước về đất đai đều phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Cụ thể, MTTQ và các tổ chức thành viên không những cho ý kiến về quy hoạch, kế hoạch; tham gia ý kiến về trường hợp cần thiết về thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư…, mà còn phải thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát xã hội đối với việc thực hiện các công việc này.
Đối với việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo các chuyên gia, đây là một trong những nội dung rất dễ bị lợi dụng để phục vụ cho “lợi ích nhóm”. Vì vậy cần phải có các quy định kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”- tức là vừa có thẩm quyền lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, vừa có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch. Nhiều ý kiến đề nghị nên sửa đổi các quy định trên trong dự thảo theo hướng, thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp tỉnh phải được cơ quan quy hoạch cấp quốc gia cho phép và thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp quận huyện phải do cấp tỉnh quyết định.