Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi): Cần dữ liệu chuẩn đầu vào để định giá đất

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng (Hà Nội) Nguyễn Thạc Hùng cho rằng, nguyên tắc định giá đất rất chính xác nhưng cần có dữ liệu chuẩn đầu vào để định giá.

Sáng 14/3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Góp ý tại hội nghị, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề nghị cần xem lại quy định quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch vì với khối lượng lớn, quy định này chưa sát với nguồn lực thực tế.

Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi): Cần dữ liệu chuẩn đầu vào để định giá đất ảnh 1

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam góp ý tại hội nghị. Ảnh: PV

Về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong giai đoạn tới thực hiện Nghị quyết số 06 về phát triển đô thị bền vững, Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, sẽ có nhiều đột phá về phát triển đô thị và nông thôn; do đó, cần cụ thể hơn về điều chỉnh định kỳ và điều chỉnh cục bộ với quy hoạch, nhất là với kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện.

Ông Nghiêm cũng nhận định, quy định không gian ngầm, không gian mặt đất và không gian trên không là cần thiết, nhưng dự thảo cần nghiên cứu sâu để quy định cụ thể, đặt mối quan hệ giữa 3 không gian này trong tổng thể quy hoạch.

“Hà Nội cần lấy kinh nghiệm của mình khi là địa phương đầu tiên công bố đồ án quy hoạch không gian ngầm để góp ý cho Quốc hội quy định về nội dung này trong dự thảo luật”, ông Đào Ngọc Nghiêm nói.

Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi): Cần dữ liệu chuẩn đầu vào để định giá đất ảnh 2

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho rằng, cần chuẩn dữ liệu đầu vào để định giá đất. Ảnh: PV

Về vấn đề giá đất, PGS.TS Trần Trọng Phương, Trưởng khoa Tài nguyên môi trường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, để bảo đảm tính độc lập, khách quan của cơ quan thẩm định, cơ quan xây dựng và cơ quan quyết định giá đất, cần nghiên cứu tách bạch thẩm quyền, chức năng, thành phần của Hội đồng thẩm định giá đất.

“Thực tế Luật Đất đai đã quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước đại diện chủ sở hữu, nhà nước có quyền quyết định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, quyết định về tài chính đất đai... Nhưng phải hiểu ở đây nhà nước là ai? Nếu không giao cho UBND tỉnh quyết định thì phải giao cho ai? Nếu đưa Hội đồng thẩm định quyết định thì ai sẽ thẩm định Hội đồng? Giao cho một cơ quan độc lập có thể hiện đầy đủ tính pháp lý được không?… Đây là một khía cạnh vấn đề dự thảo luật cần nghiên cứu và thể hiện rõ hơn”, ông Phương nói.

Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi): Cần dữ liệu chuẩn đầu vào để định giá đất ảnh 3

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội kết luận hội nghị. Ảnh: PV

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho rằng, nguyên tắc định giá đất rất chính xác nhưng cần có dữ liệu chuẩn đầu vào để định giá đất.

“Hiện nay, trên thực tế, việc giao dịch đất đai, mua bán “2 giá” rất nhiều, chỉ dựa vào việc nộp thuế mua bán đất đai thì sẽ rất khó khăn để xác định sát giá đất. Rất khó có ai dám đặt bút ký bảng giá đất khi không đủ dữ liệu đầu vào. Cần thể chế trong luật nội dung này để bảo đảm khả thi trong thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng nói.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường thông tin, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tổ chức 2 cuộc góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cấp thành phố; 30 cuộc cấp quận, huyện, thị xã; 579 cuộc cấp phường, xã và hơn 2.000 cuộc tại thôn, tổ dân phố. Theo ông Trường, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã tổng hợp báo cáo đóng góp ý kiến với đầy đủ các nội dung góp ý vào dự thảo luật của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

MỚI - NÓNG