Hà Nội quyết tâm giành lại vỉa hè: Phân loại vỉa hè gắn với phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ủng hộ chủ trương lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường ở Hà Nội, một số chuyên gia cho rằng, thành phố cần có đề án, phân loại cụ thể các loại vỉa hè.

Kinh tế đêm cần vỉa hè

Đầu tháng 3/2023, Ban chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn năm 2023. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, nếu lực lượng chức năng không quyết liệt, không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, cùng với ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao, tình trạng vi phạm sẽ diễn biến phức tạp trở lại. Ông Sơn yêu cầu các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý toàn diện các vi phạm, tiến hành phá dỡ khi cần cưỡng chế; tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm theo hình thức "cuốn chiếu" làm từng tuyến phố, từng khu vực, không bỏ sót vi phạm…

Hà Nội quyết tâm giành lại vỉa hè: Phân loại vỉa hè gắn với phát triển kinh tế ảnh 1

Người dân Hà Nội vui chơi trên vỉa hè tuyến phố Lê Trọng Tấn sau khi lực lượng chức năng dùng rào chắn bảo vệ, chống xe ô tô dừng đỗ. Ảnh: Trường Phong

Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, nhiều địa bàn ở Hà Nội đã ra quân lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè theo yêu cầu của thành phố “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng vừa đi qua, nhiều hành vi vi phạm lại tái diễn. Dịp cuối tuần, theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong, các tuyến phố ven hồ Tây vẫn tồn tại nhiều vi phạm. Một số vị trí ô tô, xe máy dừng, đỗ tràn lan trên vỉa hè. Cá biệt, vẫn có những hộ kinh doanh bày bàn ghế, chiếu ở vỉa hè sát mép hồ, lấn chiếm không gian dành cho người đi bộ. Phố Phó Đức Chính (Ba Đình) hàng quán bày bàn ghế lấn gần hết vỉa hè, lòng đường, chỉ dành một khoảng nhỏ giữa đường cho phương tiện và người đi bộ. Hàng loạt tuyến phố ở khu vực quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, tình trạng vi phạm quy định về lòng đường, vỉa hè trên địa bàn vẫn xảy ra, dù lực lượng chức năng đã tuyên truyền, xử lý kiên quyết. “Trước mắt chúng tôi thống kê các điểm đen về vi phạm trật tự đô thị. Vị trí nào đơn giản, dễ xử lý thì giao cho phường. Vị trí nào phức tạp quận sẽ xử lý. Quận sẽ có lộ trình cụ thể để xoá bỏ các điểm đen này”, ông Khuyến nói.

Lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cũng cho biết, về giải pháp lâu dài, căn cơ, quận đang nghiên cứu bố trí thêm các điểm đỗ xe tĩnh. Cùng với xử lý các vi phạm về lòng đường, vỉa hè, quận cũng chú trọng đến các yếu tố cần thiết để phát triển kinh tế đêm, duy trì hoạt động kinh doanh, buôn bán cho người dân. “Điều quan trọng là phải đảm bảo điều kiện để thu hút khách du lịch đến với quận”, ông Khuyến nói, đồng thời cho biết, sẽ nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm từ các địa bàn khác của thành phố về các giải pháp phù hợp để vừa đảm bảo trật tự văn minh đô thị, vừa đảm bảo thu hút khách du lịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế đêm. “Mỗi buổi tối, hàng nghìn người đến với các địa điểm nổi tiếng như hồ Tây. Nếu không có chỗ đỗ xe, không buôn bán được thì sẽ rất dở, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Quan điểm là nên có cái nhìn chia sẻ, làm sao vẫn đảm bảo văn minh đô thị, vẫn phải phát triển kinh tế”, ông Khuyến nói thêm.

Cần có đề án quản lý vỉa hè

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, chuyên gia Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, chủ trương đòi lại vỉa hè là đúng, hợp lòng dân và tạo điều kiện để phát triển kinh tế. “T.Ư cũng đã đặt vấn đề về phát triển kinh tế đô thị, trong đó đặc biệt chú trọng về kinh tế đêm”, ông Nghiêm nói. Tuy nhiên, theo ông Nghiêm, dù đã thực hiện cả chục năm, nhưng đến nay, việc đòi lại vỉa hè vẫn chưa đạt yêu cầu. “Mỗi lần ra quân đều rầm rộ, đỡ được một phần, nhưng sau lại vẫn thế”, ông Nghiêm nói. Theo đó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự thiếu thường xuyên kiểm tra, giám sát; hình thức giám sát, xử lý ít hiệu lực, hiệu quả, đánh trống bỏ dùi… “Việc cần làm ngay là nghiên cứu đồng bộ về vỉa hè. Trong đó, cần nâng tầm nhận thức của người dân và cơ quan quản lý nhà nước về vỉa hè”, ông Nghiêm nói thêm.

Theo ông Nghiêm, vỉa hè là không gian công cộng, đồng thời cũng là không gian phục vụ giao thông, không gian chuyển tiếp giữa đường giao thông với các công trình và nhà dân bên đường. Vỉa hè ở Hà Nội, TP HCM hay các đô thị lớn rất phức tạp, có lịch sử hình thành riêng. Có những vỉa hè rộng 5 - 7 mét, nhưng cũng có những vỉa hè rộng chưa đến 1 mét. “Cần phải phân loại vỉa hè để có giải pháp thích hợp, chứ không thể đánh đồng chung chung các loại vỉa hè với nhau”, ông Nghiêm nói. Vị chuyên gia này cũng phân tích, thông thường, ở các đô thị lớn của nước ngoài, thường dành 3% đất cho giao thông tĩnh, nhưng ở Hà Nội, hiện mới đạt mức 0,3%. Trong khi đó, lượng phương tiện giao thông đang tăng nhanh, trung bình 13% mỗi năm. Cùng với đó, dân số ngày càng tăng nhanh. “Vỉa hè dành cho người đi bộ là một vấn đề quan trọng, nhưng cũng cần chú ý đến vấn đề kinh tế, đặc biệt là kinh tế nhỏ lẻ, kinh tế vỉa hè, chỗ đỗ xe. Người dân cũng cần không gian, môi trường để đi bộ, thể dục thể thao. Vỉa hè đóng góp vào giải quyết các vấn đề này”, ông Nghiêm nói, đồng thời cho rằng, cần lựa chọn các vỉa hè thích hợp, tuyến nào dành cho người đi bộ, tuyến nào dành cho tiện ích giao thông, đỗ xe, tuyến nào phục vụ kinh doanh, buôn bán…

Ông Nghiêm đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn về việc đòi lại vỉa hè nhưng phải bảo đảm quyền kinh doanh, mưu sinh, cuộc sống của người dân và nghiên cứu lập đề án quản lý vỉa hè trên địa bàn. Giải pháp đặt ra, theo ông Nghiêm, cần xem xét, tổ chức các tuyến phố phục vụ mục đích đi bộ, kinh doanh, để xe theo như nhiều nước trên thế giới đã làm. “Các hộ gia đình ở sát vỉa hè đều có nhu cầu khai thác vỉa hè phục vụ cho cuộc sống. Dù vỉa hè là diện tích nhà nước quản lý, nhưng không có nghĩa là trước cửa nhà người ta mà chính quyền mang cho người khác thuê. Cần nghiên cứu, có phân loại rõ ràng. Giao cho các quận, huyện phân loại, chứ không để chung chung được”, ông Nghiêm nói. Một giải pháp nữa, ông Nghiêm cho rằng, xử lý vi phạm không chỉ với những trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường mà còn cần xử lý các trường hợp lực lượng chức năng không thực hiện nhiệm vụ được giao, bao che cho các hành vi vi phạm.

Nêu tên lãnh đạo địa bàn để xảy ra nhiều vi phạm

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu công khai thông tin các Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để xảy ra nhiều vi phạm về trật tự hè phố, lòng đường trên địa bàn tại các cuộc họp báo của UBND thành phố hằng tháng.

Chiều 9/3, UBND thành phố Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023. Tại cuộc họp, trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về "chiến dịch" giành lại vỉa hè, lòng đường trên địa bàn, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, theo kế hoạch đã công bố, Ban chỉ đạo 197 thành phố sẽ chia ra các giai đoạn, lộ trình thực hiện. "Điều quan trọng nhất là làm sao duy trì được, tránh tình trạng bắt cóc bỏ đĩa. Sau tập trung xử lý thì phải nâng cao ý thức của người dân, hình thành lại khái niệm về vỉa hè không phải là nơi kinh doanh, buôn bán. Vỉa hè là không gian công cộng, chỉ phục vụ người đi bộ, không phải nơi trông giữ phương tiện. Chúng tôi có kế hoạch cụ thể, đi đến đâu tuyên truyền đến đó, làm bền bỉ", ông Hải nói.

MỚI - NÓNG