Chẩn bệnh giới biên tập xuất bản

Sau cấp thẻ hành nghề biên tập, Cục Xuất bản tiếp tục chấn chỉnh chất lượng biên tập của các xuất bản phẩm. Ảnh: Toan Toan
Sau cấp thẻ hành nghề biên tập, Cục Xuất bản tiếp tục chấn chỉnh chất lượng biên tập của các xuất bản phẩm. Ảnh: Toan Toan
TP - Tại hội thảo do Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 18/11, lỗi chính tả, lỗi sai kiến thức và tình trạng biên tập ẩu một lần nữa được giới xuất bản nhắc đến nhằm đánh giá công tác biên tập xuất bản.

Gần đây, Cục Xuất bản, In và Phát hành siết chặt các nhà xuất bản, đội ngũ biên tập với quy định cấp thẻ hành nghề biên tập. Cuộc gặp này là bước tiếp theo để bắt bệnh giới biên tập, để các nhà xuất bản (NXB)  nhìn lại thực trạng thả lỏng quản lý dẫn đến những xuất bản phẩm lỗi, vi phạm bị phạt và thu hồi thời gian vừa qua.

Bên cạnh một số ưu thế của đội ngũ biên tập xuất bản hiện nay, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục chỉ ra những hạn chế: Nhiều biên tập viên có kiến thức xã hội và kiến thức chuyên ngành mỏng. “Nhiều biên tập viên mắc bệnh văn phòng, chưa chịu đi thực tế và đi vào thị trường nên chưa nắm bắt được nhu cầu của xã hội, chưa đề xuất được đề tài và tổ chức bản thảo có chất lượng phù hợp”, ông Tùng nói. Ông cũng thừa nhận tình trạng này xảy ra ngay cả ở NXB Giáo dục.

Không nói đến những lỗi vi phạm lớn về kiến thức, thuần phong mỹ tục hoặc vi phạm đến mức phải thu hồi, NXB Hội Nhà văn là một trong số đơn vị có nhiều sách dính sạn nhất, trong đó lỗi morat rất nhiều. Trước sự thanh minh của khổ chủ, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản nói: “Một cuốn sách rất khó tránh được lỗi morat, nhưng NXB có cả trăm cuốn sai morat thì lại khác. Chúng ta phải vì lòng tự trọng để hạn chế tối đa sai sót chứ có cuốn sách năm, sáu chục lỗi thì không thể chấp nhận được. Có cuốn sách ngay trang đầu mở ra đã gần chục lỗi sai, ai đọc cho nổi”.

Nhà thơ Trần Quang Quý, Phó Giám đốc NXB Hội Nhà văn, nêu tình trạng ngay báo chí tuyển cử nhân xong cũng mất hàng tháng đào tạo mới viết được cái tin, bởi việc đào tạo hiện nay còn khá sách vở. Với biên tập viên xuất bản, thực tế nghề này còn khó hơn vì đòi hỏi sự mẫn cảm với câu chữ. “Tuy nhiên cũng phải thừa nhận nghề biên tập bây giờ đối mặt thách thức mưu sinh”, ông Quý nói. Đại diện NXB Giáo dục và nhiều NXB khác đồng quan điểm, bởi không nhiều NXB ăn nên làm ra nên thu nhập của biên tập viên thấp, không tương xứng chất xám bỏ ra. Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc NXB Trẻ cũng cảnh báo, các biên tập viên cần phân tích, đánh giá đúng sai để tránh rơi vào bẫy sai do tin tưởng hoàn toàn vào người viết.

Thực tế là sách sai phạm phần lớn rơi vào dòng sách liên kết, nhiều NXB chủ yếu sống bằng bán giấy phép liên kết, không kiểm định chất lượng sản phẩm. Biên tập viên là người đầu tiên chịu trách nhiệm khi sách dính sạn, nhưng họ cũng nhiều lần phản ứng rằng họ không hề được đọc, không được biên tập nhưng vẫn được đề tên, cho nên sách có lỗi họ cũng không thể biết. “Cấp thẻ hành nghề cho biên tập viên xuất bản không phải rào cản, mà để giúp chính các biên tập viên và lãnh đạo từng NXB có trách nhiệm với xã hội hơn”, ông Chu Hòa nói. TS Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Văn học nói rằng thời gian qua luôn duy trì quy trình chuẩn biên tập xuất bản. Đó cũng là một trong số giải pháp để hạn chế sai sót của các xuất bản phẩm, bên cạnh giải pháp nâng cao chất lượng cho đội ngũ biên tập viên. Trong thời gian tới, Cục Xuất bản hứa tiếp tục mở nhiều diễn đàn để các biên tập viên lên tiếng, góp phần tạo nên đời sống xuất bản lành mạnh hơn.

Những năm gần đây số xuất bản phẩm vi phạm về nội dung bị xử lý mỗi năm trên 100 cuốn, 9 tháng đầu năm 2016 có 87 xuất bản phẩm vi phạm. Cục Xuất bản đề ra một số giải pháp trước mắt: Tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt lưu ý đối với một số mảng sách hay xảy ra vi phạm: Sách từ điển các loại cần có sự thẩm định nội dung của cơ quan chuyên môn thuộc Viện Hàn lâm KHXH. Cục cũng có văn bản yêu cầu các NXB hạn chế đăng ký và xuất bản sách ngôn tình, đam mỹ.

MỚI - NÓNG