Tranh cãi như sân khấu thử nghiệm

“Con tàu này không trôi mãi” vở diễn mang đậm tính hình thể của Panama. Ảnh: Toan Toan
“Con tàu này không trôi mãi” vở diễn mang đậm tính hình thể của Panama. Ảnh: Toan Toan
TP - Liên hoan Quốc tế Sân khấu Thử nghiệm lần 3 khai cuộc tối 13/11 và mới vài vở diễn trình làng nhưng cuộc thảo luận chiều 14/11 giữa các nhà làm sân khấu quốc tế và Việt Nam thể hiện đúng tinh thần thể nghiệm, chín người mười ý.

Hoang mang hay hào hứng?

Không phải chờ tới khi nhà phê bình sân khấu Nguyễn Văn Thành nhắc tới sự hoang mang khi xem một số vở diễn tại liên hoan, trước đó một số nhà báo theo dõi sân khấu có chung cảm giác này. Như Dưới cát là nước của Nhà hát Kịch Quân đội khiến một nhà báo không phục, hình thức dàn dựng dùng mặt nạ và dàn đế từng được đạo diễn Lê Hùng sử dụng trước đó. Có tới ba cuộc thảo luận xen giữa những ngày liên hoan, cuộc đầu tiên bàn luận về sự sáng tạo của năm vở: Con tàu này không trôi mãi (Panama), Hamlet, Ionah, Dưới cát là nước, vở rối Hồn Trương Ba da hàng thịt.

Nhà phê bình Nguyễn Văn Thành bảo xem Con tàu này không trôi mãi câu chuyện đơn giản, ý tưởng đơn giản “đây thực chất là kịch câm, chỉ có lời dẫn chuyện”. Ngay cả khi nghe nghệ sỹ giải thích quá trình sáng tạo, ông Thành vẫn giữ nguyên quan điểm. Đại diện đoàn Dalecuero Danza của Panama lý giải, vở diễn của anh hình thành từ khi các ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ khởi động cuộc đua, khi ấy các nghệ sỹ có dự cảm về chuyển biến chính trị trên toàn thế giới. Ý tưởng này được thể hiện qua nhóm người trên con tàu, những người đứng đầu cố gắng lôi kéo những người khác về phía mình. Bất chấp những tranh cãi về quan điểm thử nghiệm, khán giả thán phục kỹ năng biểu diễn hình thể của đoàn nghệ sỹ Panama. Ít ra đó là điều nghệ sỹ trong nước có thể vỡ vạc thêm.

Không phải ai cũng có điều kiện xem cả năm vở diễn, cho nên cuộc tranh cãi quay về vòng luẩn quẩn khái niệm thử nghiệm của sân khấu. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, tác giả kịch bản Dưới cát là nước tuyên bố không quan tâm thử nghiệm, chỉ cần biết nhà hát làm khác so với các vở diễn của họ từ trước. Nhà hát kịch Quân đội vốn gắn chặt với các vở diễn chiến tranh cách mạng, cho nên một vở diễn về thân phận con người đơn giản hơn lại được xem là thể nghiệm. Ông cũng nhận thấy đạo diễn, diễn viên khiến tác phẩm hay hơn nhiều. Đại diện Panama cho rằng  thử nghiệm là vận dụng tất cả những gì có trong tay để đưa lên sân khấu, chuyển tải thông điệp đến khán giả.

Ông Alain Destandau, người gắn với nghệ thuật tuồng của Việt Nam từ nhiều năm nay, giám khảo kỳ liên hoan này nhắc lại từ thời Victor Hugo đã có sân khấu thử nghiệm, khi Hugo không tuân theo quy tắc về tam duy nhất. NSƯT, đạo diễn Trần Minh Ngọc đồng tình, cho rằng nên chấp nhận tất cả những gì sân khấu đã, đang và sẽ làm. Tuy vậy ông cũng chưa thấy sự thành công ở Hồn Trương Ba da hàng thịt của Nhà hát Múa rối Thăng Long. Sự lựa chọn một vở diễn tâm lý nặng như vậy cho sân khấu rối là mạo hiểm. Bên cạnh những ý kiến khá khắt khe, một số người hoạt động sân khấu tỏ ra hào hứng, coi cả năm vở diễn đều là sự thử nghiệm dưới những góc độ khác nhau.

Điểm sáng Hamlet

Trong số những vở diễn đầu tiên, Hamlet của Nhà hát Kịch Việt Nam tìm được sự đồng cảm đối với hầu hết các nhà sân khấu, nhà phê bình trong và ngoài nước. Khó tính như Nguyễn Văn Thành cũng chỉ ra những thể nghiệm ở Hamlet, nó không đơn giản chỉ là sự Việt hóa, hay việc đưa dân ca dân vũ Việt Nam vào vở kịch. “Điều quan trọng nhất là đạo diễn đưa vào vở diễn điều Hamlet chưa có. Ở tác phẩm của Shakespeare không có ông quản trang, và cuộc đối thoại giữa Hamlet và mẹ không ghê gớm như phiên bản Việt”, ông Thành nói.

 Đạo diễn Singapore Chua Soo Pong từng dựng Đám cưới con gái chuột cho Nhà hát Kịch Việt Nam khen cách xử lý của đạo diễn Hamlet ở phần bục bệ chuyển động. Đại diện Panama ấn tượng với đoạn Ophelia bị tách ra khi hai chiếc bệ tách rời nhau, thể hiện sự hoang mang và chênh vênh của cô. “Tôi thích cách các diễn viên được đưa vào nhiều trạng thái khác nhau, có cảm giác đang được xem bộ phim, không đơn thuần vở diễn trên sân khấu. Tôi thấy phần thơ trong Hamlet được rút gọn, bù lại diễn viên làm rất tốt khiến tôi không muốn nghe nữa mà muốn nhìn diễn viên thể hiện. Cùng với định kiến trong đầu về Hamlet, tôi xem Hamlet của Việt Nam và cảm nhận sự sáng tạo, nỗ lực rất lớn của nghệ sỹ”, vị  này nói.

Hamlet năm ngoái chu du Singapore. Đạo diễn Chua Soo Pong nhắc lại ông từng hỏi một khán giả không biết tiếng Anh lẫn tiếng Trung nhưng rất thích vở diễn của đạo diễn Anh Tú. “Tôi hỏi vì sao, bà ấy bảo cảm nhận được câu chuyện và hiểu hết. Còn tôi thấy phần xử lý ánh sáng rất hay, nhất là khi thể hiện các cung bậc cảm xúc của Hamlet. Tôi cũng rất ưng chi tiết Hamlet vặn chiếc bánh mì. Tôi không biết sẽ ra sao nếu mang vở diễn sang Anh-cái nôi của Hamlet- nhưng mang tới các quốc gia khác đều tuyệt vời”, đạo diễn Chua Soo Pong nói.

Nhìn thấy sự phát triển của sân khấu Việt

Đạo diễn Alain Destandau, Giám đốc Nhà hát Monte-Charge mới sang Việt Nam, xem được hai vở trong đó có Hamlet. Trao đổi bên lề với phóng viên, ông nói rất hài lòng về cách dàn dựng, diễn có sự đột phá, dù bên cạnh đó vẫn có người diễn theo lối hơi cổ điển. “Tôi có nhiều năm gắn bó với nghệ thuật Tuồng của Việt Nam. Đến liên hoan này tôi thấy chuyển biến khá lớn của sân khấu Việt trong diễn xuất, dàn dựng tự do và cởi mở hơn”, Alain nói. Ông cũng đồng tình không thể để Hamlet dài 7 tiếng như nguyên bản. “Bây giờ không giống thời đại Shakespeare, cũng không phải thời của Molière nữa, cho nên không được quên điều quan trọng nhất là khán giả”, ông nói.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.