Sân khấu: Thử nghiệm đến đâu?

Vở kịch “Dưới cát là nước” gây ấn tượng với những hồn cát uyển chuyển dưới sự thể hiện của dàn diễn viên đông đảo. Ảnh: Nhã Khanh.
Vở kịch “Dưới cát là nước” gây ấn tượng với những hồn cát uyển chuyển dưới sự thể hiện của dàn diễn viên đông đảo. Ảnh: Nhã Khanh.
TP - Chỉ còn ít ngày nữa Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2016 sẽ diễn ra. Cũng chưa bao giờ, người ta nhắc đến cụm từ “sân khấu thử nghiệm” nhiều như thời gian này. Những sáng tạo mới mẻ, đầy táo bạo đã thay đổi bộ mặt sân khấu truyền thống. Tuy nhiên, không phải cứ mới mẻ là nghệ thuật, là thử nghiệm.

Một mâm nhiều món

Hầu hết các tác phẩm tham dự liên hoan lần này đều mang nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống với đương đại vào tác phẩm như: cải lương, opera, hát xẩm, chèo, tuồng, dân ca, kịch câm, múa… Nhiều hình thức như kịch hình thể, kịch Broadway, kịch giả tưởng, kịch hiện thực tâm lý xã hội, kịch nghệ thuật sắp đặt cũng được các nghệ sĩ mang lên sân khấu thử nghiệm… Trong một vở diễn, khán giả có thể được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau.

“Hồn Trương Ba da hàng thịt” (Nhà hát Múa rối Thăng Long) là cuộc chơi của rối và kịch. Trên sân khấu, người và rối không phải là hai nhân vật tách biệt mà chỉ là một, lúc này là người, lúc khác là rối. Để thể hiện tốt cả hai hình thức rối và người, nghệ sĩ múa rối đã phải học kỹ lưỡng đài từ như diễn viên kịch nói. Về âm nhạc, sự kết hợp ca cải lương, hát tuồng, hát chèo, hát xẩm, hát chầu văn và cả nhạc mới với ngôn ngữ rối tưởng sẽ là một mớ “hổ lốn” nhưng khá mượt mà.

Vở “Giấc mơ” (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B) thì lại có sự kết hợp giữa kịch nói, múa đương đại và tuồng cổ. Khi cần tái hiện hình ảnh đất nước, quê hương thương đau, đạo diễn sử dụng múa hiện đại. Khi thể hiện sự uy nghi, sức mạnh của Thần Chết, những làn điệu tuồng cổ, cải lương lại vang lên… Sự kết hợp này dường như giúp diễn viên “phiêu” hơn trên sân khấu.

Mặc dù lấy bối cảnh châu Âu, nhưng trong vở “Hamlet” (Nhà hát Kịch Việt Nam), đạo diễn Anh Tú đã mạnh dạn “cài cắm” những yếu tố văn hóa Việt. Hình thức trò diễn Xuân Phả của Thanh Hóa đã dẫn dắt cho những đoạn chuyển hồi của vở kịch trở nên sinh động và gần gũi. Các lớp múa có mặt nạ tăng thêm tính u uẩn kịch tính cho vở diễn.

“Ionah” (Nhà hát Star Galaxy) thì còn kết hợp nhiều hơn. Chương trình nghệ thuật này pha trộn múa, kịch, xiếc, hip hop, âm nhạc, nghệ thuật thị giác, kỹ xảo ánh sáng, trong đó xiếc là yếu tố chủ đạo.

Ngoài yếu tố tâm linh, trong vở diễn “Nguyễn Du với Kiều” (Nhà hát Tuổi trẻ), nghệ sĩ Lan Hương còn mạnh dạn sáng tạo và thể hiện những lời thơ của đại thi hào Nguyễn Du dưới dạng những làn điệu chèo, hát văn… nhằm tạo không gian đa dạng, thuận tiện cho diễn viên dùng ngôn ngữ hình thể lột tả vai diễn.

Một điều dễ nhận thấy nữa ở các tác phẩm được chọn dự thi Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần này là sự cách tân, làm mới sân khấu. Không còn ngổn ngang với bục bệ, với những trang trí phông màn xưa cũ, sân khấu thử nghiệm được “điện tử” hóa, lung linh, huyền ảo, hiện đại hơn. Trong vở kịch “Dưới cát là nước” (Nhà hát kịch Quân đội), sân khấu được bố trí cách điệu với những triền cát miên man trắng xóa, những hồn cát bằng người sinh động. Cách xử lý sân khấu trong vở “Hamlet” cũng được làm mới với những khối hộp uyển chuyển khi tách ra, khi nhập vào rất linh hoạt cho chuyển cảnh.

Đừng tạo hiệu ứng ngược

Mới đây, việc đạo diễn NSƯT Chí Trung đưa hip hop, đọc rap vào vở kịch “Lời nói dối cuối cùng” nhận được ý kiến nhiều chiều từ dư luận. Người khen thì cho đó là cách tân, là hiện đại hóa truyền thống. Nhưng không ít người nhận xét đó là một sự gán ghép gượng gạo.

Hay như vở kịch hình thể “Nguyễn Du với Kiều” của NSND Lan Hương đã gây sóng gió dư luận khi nữ nghệ sĩ để nàng Kiều hóa thân vào Phật bà. Dù đạo diễn đã giải thích ý nghĩa để nàng Kiều nương nhờ bóng Phật nhưng dự án này vẫn gây ra tranh cãi. Mới đây, vở kịch đã được chỉnh sửa lại để tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm nhưng bên cạnh những điểm mới, những sáng tạo phá cách đáng ghi nhận của vở diễn thì nhiều người vẫn cho rằng đạo diễn đã “thần thánh hóa” nàng Kiều hơi quá, khiến nhân vật trở nên xa lạ với nguyên tác.

Tháng 3/2016, CLB Sân khấu thử nghiệm thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã được thành lập nhằm tập hợp các nhà hát, đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật làm nên những tác phẩm sân khấu thử nghiệm. Theo NSND Lê Tiến Thọ (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu, thành viên BTC Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm 2016), các tác phẩm thử nghiệm phải có sự tìm tòi khám phá mới, có tính thử nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của các thành phần như biên kịch, đạo diễn, thiết kế mỹ thuật, diễn xuất, âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, nghệ thuật hình thể và những yếu tố nghệ thuật khác. “Tuy nhiên những thử nghiệm phải mang tính hiệu quả về nội dung và nghệ thuật cho mỗi vở diễn, phù hợp với thuần phong, mỹ tục của mỗi quốc gia, những vấn đề Chân, Thiện, Mỹ mà nghệ thuật cần phản ánh, tránh gây phản cảm, hiệu ứng ngược” - Ông Lê Tiến Thọ khẳng định.

MỚI - NÓNG
Thông tin 'nóng' về hồ thủy điện Thác Bà
Thông tin 'nóng' về hồ thủy điện Thác Bà
TPO - Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đến 9h sáng nay (11/9), lượng nước về hồ chứa thuỷ điện Thác Bà đã giảm xuống còn 3150 m3/s, tổng lưu lượng xả là 3200 m3/s (lượng xả nhiều hơn nước về hồ). Thủy điện đã mở 3/3 cửa xả theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẵn sàng phương án ứng phó để đảm bảo an toàn đập.