Đà Nẵng có lẽ là nơi hiếm hoi ở Việt Nam là địa danh du lịch biển nhưng lại sở hữu nguyên vẹn một quần thể sinh vật núi. Đây sẽ là bảo chứng tuyệt vời cho an ninh môi trường của thành phố. Dựa vào đó để quảng bá du lịch sẽ giá trị và sang trọng hơn nhiều.
Có nên để phần Sơn Trà cho các tour du lịch khám phá đặc biệt thân thiện với môi sinh? Có nên noi gương Sơn Đòong tính phí thám hiểm 3000 đô/người, cho xếp hàng 1 năm để bảo tồn thiên nhiên? Hay để khách đu cáp treo giá 30 đô hàng trăm lượt mỗi ngày lên đỉnh Sơn Trà? Để rồi một ngày rất có thể… hết khách khi môi trường bị xâm hại và chả còn con vọoc nào để xem. Vì đã có cáp treo lên đỉnh, hàng loạt công trình sẽ ăn theo.
Nhận định từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình tại một hội thảo năm ngoái: Việc đầu tư các công trình hạ tầng ồ ạt gián tiếp tạo thuận lợi cho khai thác gỗ, săn bắn thú rừng trái phép. Báo đưa: “Hoạt động du lịch ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng gây tiếng ồn ảnh hưởng đến các loài linh trưởng, gây ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước. Tại một số điểm đón lượng khách lớn như động Phong Nha, động Thiên Đường, suối Nước Moọc..., môi trường bị tổn thương nghiêm trọng bởi ô nhiễm.” Sơn Trà rồi cũng chung số phận?
Ngoài du hành bằng cáp treo lên Bà Nà, Đà Nẵng còn có cả du lịch thang máy. Ai đã đến Ngũ Hành Sơn hẳn ấn tượng với một cọc bê tông + kim loại khổng lồ gắn chết vào quả núi cao quãng trăm rưởi mét. Lùn như Ngũ Hành Sơn đã bị đóng cọc, cao như Phanxipang cũng bị buộc cáp treo. Tư duy du lịch ăn liền, du lịch đại chúng… có vẻ đang lên ngôi ở Việt Nam.