Một nhóm người Nhật đã mang phân bón lỏng được “hô biến” từ chất thải hầm cầu cho nông dân Việt chăm sóc cây trồng. Loại phân nghe tên đã “gớm” này được bón trên cả các vùng rau an toàn của huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) nhờ không còn “nguyên trạng”, không độc hại và triệt tiêu mùi hôi.
Phân sạch
Sáng sớm, bà con thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) ùn ùn kéo ra đồng theo tiếng nổ ầm ầm của những chiếc xe bồn, máy tưới bên vườn rau an toàn. Trên ruộng rau của chị Trần Thị Thủy, một nhóm thầy trò người Nhật hì hụi cuốc đất, xẻ rãnh rồi chia hạt giống rau muống ra thành từng bao chuẩn bị gieo trồng. Chị Thủy hơn nửa đời gắn với ruộng, nay đứng tựa cằm vào cán cuốc, tròn mắt hỏi: “Ủa, họ trồng rau sao không thấy chuẩn bị phân bón lót? Nãy chừ tui để ý có mỗi cái xe bồn chứa nước, tưới chay rứa đời mô cây mới trồi lên khỏi đất?”.
Ông Hiedetaka Tsujibayashi, điều phối viên dự án sản xuất phân bón lỏng biomass tại Đà Nẵng leo lên chiếc xe bồn chạy thẳng vào ruộng rau rồi gọi nhóm sinh viên xách thùng xoa tới. Ông mở nắp bồn, cúi múc từng thùng rồi chuyền tay các cô cậu học trò. Ông cười: “Đây chính là phân. Phân hầm cầu. Loại phân này sẽ thay thế các loại phân mà bà con thường dùng để bón cây. Chắc chắn bà con sẽ thích nó”. Nghe tới hai chữ “hầm cầu”, bà con lập tức nhăn mặt, bịt mũi lùi ra xa vì sợ thối. Chị Thủy lần nữa trố mắt kêu: “Xưa chừ phân hầm cầu phải đem phơi, đem ủ với trấu cho hoai mới bón. Ai đời để lõm bõm rứa mà múc tưới lên cây? Bón chi lạ đời rứa?”. Đang ngổn ngang thắc mắc, mọi người hốt hoảng thả cuốc chạy tản ra tứ phía vì ống van ở bồn bị vỡ, nước phân xối tung tóe cả ruộng. Ông Hiedetaka bình thản lội vào giữa vũng phân, từ từ cầm van lắp lại. Nước phân vấy khắp người ông và nhóm sinh viên.
Cạnh bên, TS Huỳnh Văn Kiệt (Khoa Nông nghiệp, ĐH Saga, Nhật Bản) với cái cuốc xẻ đường cho nước phân chảy ra các luống rau, rồi nói với bà con: “Mọi người thấy không, phân này đâu có mùi, cũng không có cảm giác bẩn hay ngứa ngáy gì cả. Người Nhật vốn cẩn thận và sạch sẽ, nhưng sáng giờ họ vẫn tiếp xúc tay không với phân thì bà con biết an toàn ra sao rồi. Loại phân hầm cầu này đã được lên men, chuyển thành dạng lỏng. Nó như một thứ nước tưới cho cây, tuy nhiên tác dụng hơn cả mong đợi”. Dứt lời, ông Kiệt cũng leo lên bồn xông xáo múc nước phân lỏng chỏng rót vào từng xoa. Lúc này bà con mới bước tới, ghé mắt vào coi. Đó là thứ nước màu nâu đất, lợn cợn chút bã chỉ thoảng mùi hắc nồng như mùi cây sả. Không tin được trước đó nó được lấy từ hàng ngàn hầm cầu trong thành phố.
Như chưa hết nghi ngờ, bà con bẻ lại: “Phân hầm cầu mà mấy ông để lỏng chỏng rứa sao tin là sạch được? Lỡ bón vô cây cháy lá, hay mang bệnh thì răng?”. Rồi họ “đe” thêm: “Đây là vùng rau an toàn, cấm bón phân tùy tiện!”. Ông Kiệt lại phân trần: “Phân này đã được chuyển hóa nhờ công nghệ lên men hiếu khí. Sau 15 ngày thì cho ra chất lỏng không mùi như bà con đã thấy. Còn về chất lượng, chúng tôi xin khẳng định loại phân này không tiềm tàng chất độc và đã được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2, cũng như các trung tâm kỹ thuật hàng đầu ở Nhật kiểm định”.
Bị kiện vì chia… phân không đều
Đợi cả buổi sáng, cuối cùng nhóm người Nhật cũng bắt tay vào công đoạn bón cho bà con xem. Trước khi gieo hạt, họ tưới vào luống một lần. Sau khi vùi hạt giống lại, họ tưới thêm lần nữa. Quá trình về sau, cứ ba ngày tưới một lần cho cây. Phân lỏng này được tưới trực tiếp lên đất, không hòa thêm nước. Trước khi thu hoạch ba ngày thì ngừng bón, dùng nước sạch tưới lại để làm trôi bã phân dính trên lá.
GS.TS Munehiro Tanaka (ĐH Saga) nói rằng, Nhật Bản cũng như nhiều nước có sản xuất nông nghiệp khác, đã dùng phân hầm cầu để bón cây từ rất lâu. Tuy nhiên, việc xử lý phân thủ công bằng cách phơi, ủ sẽ còn tiềm ẩn nhiều chất độc, vi sinh vật có hại cho cây trồng. Chính vì vậy, ông và những người nghiên cứu trong dự án đã dùng công nghệ lên men hiếu khí, hóa lỏng phân, loại trừ các nguồn hại để phục vụ nông nghiệp. Ông cho biết thêm, hiện tại ngoài Nhật Bản, các nước châu Âu cũng đã dùng loại phân này.
Nhưng khí hậu ở Nhật, châu Âu khác hẳn, liệu loại phân này có thích ứng với nông nghiệp Việt Nam? “Ở Nhật Bản, phân bón lỏng này đã được dùng rộng khắp. Một số vùng khí hậu nắng nóng như Việt Nam, thậm chí sáng nắng chiều mưa như ở Sài Gòn phân vẫn phát huy tác dụng. Vì vậy, chúng tôi không sợ mạo hiểm khi mang loại phân này sang đây”, ông Tanaka khẳng định.
GS.TS Munehiro Tanaka, TS Huỳnh Văn Kiệt và ông Hiedetaka Tsujibayashi (từ trái qua) nói về phân bón lỏng với nông dân huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Trần
Năm trước, loại phân bón lỏng này đã được thử nghiệm thành công ở HTX rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang). Một bên là luống rau được chăm bón theo cách của nông dân, một bên dùng độc phân bón lỏng. “Cũng đất và cách trồng muôn thuở của bà con, nhưng sau hơn hai tuần, luống rau dùng phân bón lỏng lớn vun vút, xanh tốt khác một trời một vực”, ông Bùi Dũng, Giám đốc HTX rau an toàn Túy Loan hồ hởi nói. Ông Dũng cho hay, đã từng nghe qua loại phân này, nhưng giờ mới tận mắt thấy và trực tiếp xác nhận công dụng của nó. Nghe tin sắp tới đây đoàn Nhật Bản sẽ ghé Túy Loan để tiếp tục triển khai cho bà con dùng phân bón lỏng, ông mừng ra mặt: “Vậy thì tốt quá. Có phân “Nhật” cho nông dân bón rau còn chi bằng”.
Ông Kiệt còn nhớ như in lần thử nghiệm ở vùng rau này, ông và cả đoàn đã bị…kiện vì hộ có phân dùng, hộ không. Ông kể: “Các bác thấy ruộng rau hàng xóm được chọn bón thử tốt um, bắt đền chúng tôi sao chia phân không đều. Ai cũng mong muốn có loại phân này để dùng. Còn bắt cả đoàn giao kèo phải sớm đưa phân về nữa”. Chỉ vào chiếc xe bồn, ông Kiệt cho hay sắp tới đây, dự án sẽ cho xe chở phân về dự trữ trong các bể gần vùng rau để nông dân tiện sử dụng.
Phân hầm cầu ở Việt Nam quá kinh khủng
Đầu năm nay, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai dự án Sản xuất phân bón hóa lỏng biomass từ chất thải nhà vệ sinh tại Đà Nẵng. Dự án nhắm vào hai mục đích chính là cải thiện vệ sinh đô thị và hỗ trợ nông nghiệp thân thiện với môi trường. TS Huỳnh Văn Kiệt cho hay, trước khi bắt tay vào dự án, mọi người đều bất ngờ trước con số 90 tấn phân hầm cầu thu gom trên toàn thành phố mỗi ngày đổ về bãi rác Khánh Sơn. Số phân này được lọc, nước đem xử lý, bã đem đi chôn lấp. “Tôi cũng từng nghe chuyện dân quanh bãi rác phản đối vì mùi ô nhiễm. Đó quả là vấn đề đau đầu cho cả người dân và chính quyền”, ông chia sẻ.
Nhà máy chuyển hóa phân tại bãi rác Khánh Sơn đã đi vào hoạt động. Mỗi ngày xử lý hơn 3 tấn phân hầm cầu bằng công nghệ lên men hiếu khí, hoàn toàn không chôn lấp, không thải ra bất cứ loại nước hay bã phân nào. Vì vậy giải quyết rốt ráo vấn đề ô nhiễm từ phân hầm cầu.
Tuy nhiên, GS.TS Munehiro Tanaka nhận xét rằng, phân hầm cầu ở Việt Nam quá… kinh khủng. Ông lắc đầu: “Ở đất nước chúng tôi, công đoạn lọc không hề mất thời gian, nhưng sang đây lại rất vất vả vì phân quá nhiều hỗn tạp. Từ giấy cho tới các loại rác khó và không thể phân hủy. Vì vậy phải tốn nhiều công đoạn lọc nước - bã, rồi bã phân - bã rác… mới tiến hành lên men”. Theo ông, nếu Đà Nẵng muốn xử lý phần lớn phân bằng cách hóa lỏng này thì nên xây thêm nhà máy, dựa trên mô hình nhà máy có sẵn, phía Nhật Bản luôn sẵn sàng chuyển giao công nghệ.
Dự án này được rất nhiều nước mời gọi, nhưng mọi người vẫn quyết định chọn Đà Nẵng, bởi đây là một thành phố có lượng phân hầm cầu lớn, vừa có cả các vùng rau an toàn. Trong thời gian triển khai dự án (đến 2019), nhà máy dùng xe chuyên dụng để vận chuyển phân về cung cấp miễn phí cho các vùng rau ở huyện Hòa Vang.
Thứ nước màu nâu đất, lợn cợn chút bã chỉ thoảng mùi hắc nồng như mùi cây sả. Không tin được trước đó nó được lấy từ hàng ngàn hầm cầu trong thành phố.