Tay phải làm kiến trúc, tay trái bán rau sạch

TP - Tôi được rủ vào nhóm Greener để mua rau sạch, thấy chủ nhóm là Nguyễn Hoàng Phương, mặt rất quen! Về sau, một kiến trúc sư nhìn vào màn hình rồi hét lên: Tay này làm kiến trúc mà, sa cơ thế nào phải đi bán rau?

Ngạc nhiên làm gì!

Cũng là bạn kiến trúc sư “hét lên” ấy kể với tôi: Phương học cùng thời với kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, đã cùng với Hào, Nguyễn Trinh Toàn Thắng và Hoàng Trung Hiệp đoạt giải đặc biệt tại Bienale Kiến trúc quốc tế SOFIA 1994. Công trình của nhóm khi đó có tên: “Trả lại cho đất những gì của đất” nhằm đến việc bảo tồn và phát triển làng gốm truyền thống Bát Tràng.

Tôi đem câu chuyện này kể cho những người đã tham gia nhóm Greener, họ gật đầu: đúng Phương ấy đấy! Giờ không chỉ đi bán rau sạch, còn là người đích thân đi ship rau (từ chỉ những người chuyên đi đưa hàng).

Một người bạn thân của Phương kể: quen Phương thì nên rèn được cái đức “đừng ngạc nhiên”. Bởi Phương lúc nào cũng có rất nhiều ý tưởng kỳ quái. Khả năng biến thân vô cùng nhanh. Lần sau “điên” hơn lần trước.

Phương là một trong những người sáng lập Câu lạc bộ Điện ảnh kiến trúc. Hoạt động định kỳ vào mỗi chủ nhật đầu tiên của tháng. Mỗi kỳ đều chiếu một bộ phim thuộc đề tài Đô thị vị nhân sinh. Sau buổi chiếu, mọi người được tập trung nói chuyện, trao đổi và chém gió.

Cũng là Phương đầu trò làm phim tài liệu “6.700 cây xanh”: chủ trương rủ rê mọi người tự quay phim, chụp ảnh sau khi Hà Nội xôn xao vụ chặt cây hồi đầu năm ngoái. Chỉ sau đêm đầu tiên tung ra ý tưởng, có tới 4.000 người giơ tay tham gia cùng. Sau đó là cuộc diễu hành xung quanh hồ Hale do Phương dẫn đầu. Và hai ngày sau nữa thì thành phố dừng dự án này.

Tay phải làm kiến trúc, tay trái bán rau sạch ảnh 1

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Phương còn là chủ tịch của Fanclub của The Beatles tại Việt Nam. Mỗi tháng định kỳ tụ tập hát hò một lần. Anh còn dụ theo cả cậu con trai 10 tuổi cùng hát Beatles với bố.

Tôi đem câu hỏi của bạn chuyển đến Phương: nghề kiến trúc đang hot thế, yên ấm thế, “sa cơ” đến mức nào mà phải đi bán rau? Phương ngúc ngoắc đầu: có bỏ kiến trúc đâu, vẫn làm. Bán rau vì thích thôi. Mở ngoặc đơn là nói thế cho trôi chảy, chứ giờ bảo muốn làm cái gì tốt cho cộng đồng có khi lại bị chụp mũ là giả tạo, làm truyền thông, PR các kiểu.

Phương theo đuổi xu hướng kiến trúc xanh từ khi bắt đầu tốt nghiệp Đại học Xây dựng. Đến khi có con nhỏ, mới thấy “xanh gì cũng không lại được với đồ ăn ô nhiễm”. Từ đó bắt đầu quay ra tìm cách kiếm rau sạch, thịt sạch, cá sạch.

Phương mất cả buổi sáng ngồi giảng giải cho tôi: đừng tưởng không phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích đã là rau sạch. Bởi vì rau ở Hà Nội và cả nhiều nơi khác đang được trồng trên một thứ đất “nhiễm dioxin do thuốc diệt cỏ phun lâu năm mà thành”.

Tay phải làm kiến trúc, tay trái bán rau sạch ảnh 2

Súp lơ sạch có sâu và to vừa phải.

Trả lại cho đất những gì của đất

Hai mươi năm sau khi “Trả lại cho đất những gì của đất” đoạt giải kiến trúc quốc tế, Phương bắt đầu hành trình “trả lại đất” theo nghĩa đen. Mất một thời gian dài để mày mò tìm hiểu các cách cải tạo đất. Điều dễ thấy nhất: muốn giảm thiểu mức độ ô nhiễm đất, thì phải dừng việc phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Sau nữa, Phương tìm được một sản phẩm phân bón hữu cơ (hay còn gọi là chế phẩm vi sinh)– một thứ “men tiêu hóa” cho đất của công ty Cát Tường do một bộ đội phục viên điều hành. Theo giải thích của các nhà khoa học: men vi sinh sở dĩ có thể cải tạo đất vì nó lấy được Nitơ trong không khí và biến thành đạm.

Hai mươi năm sau khi “Trả lại cho đất những gì của đất” đoạt giải kiến trúc quốc tế, Phương bắt đầu hành trình “trả lại đất” theo nghĩa đen. Mất một thời gian dài để mày mò tìm hiểu các cách cải tạo đất.

Phương mua số lượng lớn chế phẩm vi sinh, sau đó đi từng hộ dân trồng rau ở ngoại thành Hà Nội thuyết phục họ dùng sản phẩm này thay cho thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích, thậm chí cả phân đạm. Phương cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm rau sạch kèm theo hứa hẹn: dùng chế phẩm vi sinh lâu dài có thể cải tạo đất, từ đất ô nhiễm thành đất sạch.

Để chứng minh cái sự sạch và lành của đất, Phương lật đất lên và đếm số lượng giun bên dưới. Giun càng nhiều chứng tỏ đất càng tơi xốp, ít độc. Với cái kiểu sát sao, cụ tỷ như thế, từ lúc thành lập Greener shop đến nay, quá nửa năm Phương đích thân đi ship từng đơn hàng lẻ. Shop của Phương chỉ hoạt động online. Ông chủ kiêm nhân viên giao hàng, phu khuân vác, kiêm tư vấn viên. Gặp Phương ngoài đường, người quen không thể nhận ra công tử bột, con nhà giàu trong hình ảnh một anh “bán rau” mặt mũi đen nhẻm, có khi sau lưng áo chảy ròng ròng nước ngâm cá lăng (vì còn bán cá nữa, chuyện này xin kể sau).

Tay phải làm kiến trúc, tay trái bán rau sạch ảnh 3

Kéo cả con trai mê Beatles.

Chị bảo khổ quá, em bảo vui mà!

Greener của Phương hầu như chỉ có hai “cán bộ” tốt nghiệp đại học đi ship hàng. Đều là những người “muốn làm một vài điều tử tế cho cộng đồng”. Khách đông, Phương phải thuê thêm người. Nhưng thuê được một thời gian ngắn người ta đều bỏ, vì tiền công ship quá rẻ. Phương lại lóc cóc trên cái xe cà tàng đi đưa từng mớ rau đến tận những hẻm, ngách xa nhất của Hà Nội.

Rau sạch của Phương giá rẻ hơn rau siêu thị. Phí ship trung bình 20.000đ/lần. Thế nên, có người buôn rau sạch bảo lãi hai tỷ mỗi tháng, thì Phương vẫn nghèo kiết. Tổ chức buổi offline Greener thu một số tiền tượng trưng xong ra tần ngần bảo: anh phải bù sáu triệu em ạ!

Tôi gặng Phương: thế làm “đầu nậu” rau - thứ mà nhà ai cũng cần mà vẫn nghèo thật à? Anh lấy bút tính tính toán toán: tiền đầu tư phân một xu, bán cân rau năm xu, trả nông dân ba xu, dư ra một xu để trả tiền vận chuyển, trừ hao rau hỏng, dập, em thấy có lãi không?

Ai mà tưởng tượng được thu nhập chính từ rau sạch của Phương hiện nay vẫn là tiền công ship hàng!

Chị họ Phương, một người giàu, cùng Phương lớn lên từ nhỏ, đến buổi offline thứ hai mới biết hóa ra em mình đi bán rau, thu bạc lẻ. Thế là cả buổi chị cứ than thở: “Khổ quá em ạ, sao mày lại làm cái việc khổ thế?”. Thằng em nghe xong, cười bảo chị: “em vui mà, khổ gì đâu, chị đừng nghĩ thế”! Chị không tin, quay sang bảo mấy người bạn thân của Phương: “Các em thân với nó, khuyên nó làm thế nào chứ, trông nó bạc cả người thế kia”! Bạn Phương đùa: “quân khổ dâm thành tính, khuyên thế nào được”! 

Đồ nội tốt mà!

Tôi đã gặp một nông dân “bị” Phương thuyết phục “chỉ dùng chế phẩm vi sinh”, chị Nguyễn Thị Bích Liên (thôn 5, Song Phương - Hoài Đức - Hà Nội). Chị Liên kể, nhà chị có 3 ha trồng mít, cóc, bắp cải và chùm ngây, bây giờ hoàn toàn chỉ dùng men vi sinh của Phương để phun lá và tưới. Không dùng thuốc kích thích, năng suất giảm hẳn, nhưng bù lại, chị làm đến đâu bán róc đến đó. Dùng men vi sinh còn được một cái lợi là không phải ngày ngày khoác thùng thuốc sâu để tưới nữa. Thay vào đó chị phải khoác ba thùng men. Mệt hơn, nhưng đỡ hẳn những triệu chứng như dị ứng, ngộ độc hoặc choáng váng vì thuốc sâu.

Tôi lại hỏi, độ an toàn của chế phẩm men này đến đâu, Phương bảo: có thể dùng để uống! Hiện tại lượng rau mà Phương “bao tiêu” đang vượt quá khả năng tiêu thụ lẻ của anh. Phương đã đến mấy trường mẫu giáo tư thục thuyết phục họ mua rau sạch cho bếp của trường. Và để thuyết phục độ ngọt - sạch, Phương sẵn lòng tặng cả xe rau dùng thử.

Từ rau sạch, Phương lân la mua bán cả máy lọc nước Made in Vietnam. Lấy mình làm “chuột bạch”, đem nước đi xét nghiệm, kết quả ổn, thế là kéo tất cả thân quen bè bạn “phải dùng máy lọc nước Cena”! Đi làm từ thiện, Phương tặng người ta máy lọc nước. Đến thăm bệnh nhân ung thư, cũng tặng máy lọc nước.

Câu cửa miệng của Phương là: đồ nội tốt mà, ủng hộ các nhà khoa học nội, ủng hộ nông dân!

MỚI - NÓNG