Chưa đầy tháng sau, Alan Shepard trở thành người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ. Bốn thập kỷ sau khi Nga và sau đó là Mỹ đưa người lên vũ trụ, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba chinh phục được không gian và, rất có thể, sẽ tạo ra một cuộc chạy đua mới chinh phục vũ trụ trên thế giới.
Việt Nam bước vào ngành vũ trụ từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi trở thành thành viên của chương trình không gian Intercosmos của khối các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lúc bấy giờ. Bẵng đi đến năm 2002, Việt Nam mới quay lại với việc lập quy hoạch phát triển công nghệ vũ trụ. Bốn năm sau đó mới có quyết định về việc nghiên cứu chiến lược công nghệ vũ trụ.
Với việc Việt Nam có được một vệ tinh viễn thông năm 2008 (Vinasat1) và sắp tới đây là vệ tinh viễn thám, có thể nói, chúng ta đã đi chậm, muộn, và sau thế giới, thậm chí khu vực (nhất là Thái Lan, Malaysia, và Singapore) về vũ trụ, lĩnh vực cạnh tranh mới đầy tiềm năng trong thời đại kinh tế tri thức.
Quả vệ tinh viễn thám nặng 130 kg đang chuẩn bị được sản xuất là bước nhảy vọt về công nghệ vũ trụ nước nhà, song cũng khó giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách với thế giới. Ngay cả khi hoàn thành đúng tiến độ dự án, chỉ so với các nước trong khu vực thôi, Việt Nam vẫn đi sau về phát triển công nghệ vệ tinh. Cách đây bốn năm, Thái Lan hợp tác với Pháp phóng thành công vệ tinh viễn thám mang tên Theos. Từ bấy đến nay, họ không dừng ở đó.
Lại nữa, do môi trường vũ trụ khắc nghiệt, tuổi thọ trung bình của vệ tinh chỉ khoảng năm năm. Tiến bộ kỹ thuật vệ tinh phát triển liên tục, việc đưa vệ tinh vào hoạt động muộn ngày nào thì bất lợi ngày ấy cả về công nghệ lẫn tài chính.
Việc năm 2013-2014 mới phóng vệ tinh lên quỹ đạo có nghĩa là sẽ chậm một năm so với dự kiến. Đã thế, dù tiền Chính phủ bỏ ra không nhỏ, song theo những người trong cuộc, vẫn chưa đạt yêu cầu. Thêm vào đó, nguồn nhân lực chuyên môn cao ít ỏi đang là trở ngại lớn. Bài toán “chậm, muộn, sau” rõ ràng không dễ giải nếu không có quyết tâm mang tính đột phá.