Chấm dứt dạy và học theo văn mẫu: Phải thay đổi từ tiểu học

0:00 / 0:00
0:00
Chấm dứt dạy và học theo văn mẫu: Phải thay đổi từ tiểu học
TPO - Để chấm dứt dạy và học theo văn mẫu, thay đổi cách kiểm tra, đánh giá là điều cần thiết. Bên cạnh đó, cô Nguyễn Thị Thu Phương, giáo viên dạy Ngữ văn, trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TPHCM cho rằng, không thể thiếu việc xây dựng văn hóa đọc cho học sinh ngay từ cấp tiểu học.

Cô Nguyễn Thị Thu Phương đồng ý với quan điểm muốn loại bỏ văn mẫu phải thay đổi cách ra đề kiểm tra, đề thi là hạn chế được điều này.

“Ra đề theo kiểu đọc hiểu văn bản, viết đoạn văn theo kiểu trình bày ý kiến, quan điểm, nhận xét sẽ không còn văn mẫu. Kiểu bài, dạng làm văn đó yêu cầu giáo viên phải dạy cho học sinh nắm được kĩ năng cơ bản; giống như trao cho học sinh khung xương cá, còn đắp da, đắp thịt cho thành cá mập hay cá lòng tong do khả năng từng học sinh”, cô Phương cho hay.

Chấm dứt dạy và học theo văn mẫu: Phải thay đổi từ tiểu học ảnh 1

Cô Nguyễn Thị Thu Phương (ở giữa) và học trò của mình

Với đề thi Ngữ văn hiện nay tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, phần nghị luận xã hội đã hạn chế được văn mẫu 50%. Tuy nhiên số điểm và số lượng chữ cho phần nghị luận xã hội chưa tương xứng với bản chất của nó. Theo cô Phương cần tăng điểm và lượng cho phần nghị luận xã hội, giảm điểm và lượng cho phần nghị luận văn học hoặc cho luôn tác phẩm ngoài chương trình có chủ đề tương đương để học sinh làm. Nhưng đề cho phải rõ ràng, không ra kiểu đánh đố.

Trước ý kiến có nên bỏ luôn phần nghị luận văn học trong đề thi Ngữ văn hiện nay không, cô Phương cho hay, ở Việt Nam có thực trạng không thi sẽ không học nên nếu không thi nghị luận văn học, học sinh sẽ buông luôn.

“Học văn của học sinh chưa phải là cảm nhận cái hay cái đẹp của tác phẩm văn chương; chưa phải là sự tìm tòi cái đẹp của ngôn từ, sự phức tạp và kì diệu của ngôn ngữ tiếng Việt; học để tạo lập các loại văn ứng dụng thực tiễn... mà học để thi. Bởi vậy nên môn Văn còn nhiều vấn đề nên vẫn có câu nghị luận văn học trong đề thi, kiểm tra, đánh giá là vậy”, cô Thu Phương chia sẻ.

Cô Phương cho hay, bên cạnh đó, thay đổi đề thi chưa đủ, còn kiểm tra, đánh giá trong lớp và do từng trường. Ví dụ trường có chất lượng đầu vào tốt, học sinh khả năng tư duy tốt, không cần văn mẫu học sinh vẫn đạt yêu cầu. Nhưng những trường đầu vào thấp, cô trò vật lộn, căng nhau dò bài đến 8h tối mới mong học sinh tốt nghiệp, bây giờ kiểm tra, thi theo dạng tư duy chắc chắn sẽ trượt.

"Nói điều đó để thấy việc “chấm dứt” văn mẫu không dễ, không đơn giản. Giáo viên không phải thích văn mẫu, họ cũng luôn sẵn sàng nếu thay đổi phù hợp. Nhưng đôi khi, cũng phải giữ “gôn” cho chắc ăn, còn hơn để học sinh không biết viết gì hoặc viết lung tung", cô Phương nói .

Bởi vậy theo cô, việc học và việc đánh giá kiểm tra môn Ngữ văn hiện còn rất nhiều vấn đề phải thay đổi từ gốc rễ chứ không phải nói thay đổi là thay đổi được ngay. Có thể bắt đầu thay đổi từ bậc tiểu học. Ở bậc học này, nên khuyến khích đọc sách nhiều, đọc có chọn lọc, đọc có chủ đề, chủ đích... sẽ ngấm và tác dụng hơn nhiều.

"Các trường tiểu học xây dựng giá sách nhỏ tại lớp. Hằng tháng, mỗi học sinh mang đến 1 cuốn sách bất kì, đánh dấu theo số thứ tự của em ở trong lớp. Giáo viên cho học sinh tự bảo quản, làm cuốn sổ, bạn nào đọc xong cuốn nào đánh dấu vào. Cuối tháng tổng kết số lượng, cho viết đoạn văn, hay viết bài cảm nhận về 1 cuốn sách hoặc về nhân vật, cũng như bất kì điều gì học sinh đọc được trong tháng đó.

Tháng sau tiếp tục... 1 năm học sinh sẽ đọc rất nhiều. Giáo viên có nhiệm vụ hướng dẫn, sửa trên đoạn, bài học sinh viết. Nếu được, cho học sinh từ viết thành thuyết trình trước lớp. “Làm được như thế đối với tiểu học sẽ không cần phải yêu cầu học sinh ôn khư khư văn mẫu đọc thuộc hằng ngày”, cô Phương nêu giải pháp.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học do Bộ GD&ĐT tổ chức giữa tháng 8/2021, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặc biệt nhấn mạnh tới tinh thần học thật, thi thật. Riêng với môn Ngữ văn, người đứng đầu ngành giáo dục yêu cầu cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò. Tuyên bố này của Bộ trưởng GD&ĐT nhận được rất nhiều ý kiến đồng thuận từ giáo viên, phụ huynh học sinh cho đến dư luận xã hội.

MỚI - NÓNG