Cần sớm chấm dứt dạy học theo văn mẫu

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều giáo viên khẳng định, xoá bỏ dạy học theo văn mẫu là cần thiết
Nhiều giáo viên khẳng định, xoá bỏ dạy học theo văn mẫu là cần thiết
TP - Nhiều giáo viên dạy học ở các trường THPT cho rằng, cần chấm dứt dạy, học văn theo bài mẫu. Theo họ, đầu tiên, Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT cần đổi mới hoàn toàn cách thức ra đề kiểm tra, đánh giá ở các kỳ thi.

Những bài làm văn na ná nhau

Cô Trần Thành, giáo viên Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nhận định, dạy học văn theo bài mẫu đã trở thành căn bệnh trầm kha do giáo viên chạy theo thành tích. Học sinh được giáo viên rèn để viết văn theo kiểu rập khuôn từ tiểu học. Tả về bà thì nhất định phải tóc trắng, lưng còng; tả về cây cối thì phải nhìn từ xa cây thế nào rồi lại gần trông ra sao… Học sinh cứ chép dài, đủ ý sẽ được điểm 10. Càng nhiều học sinh đạt mức điểm cao càng tốt, trong khi không chú trọng dạy các em cách đọc hiểu văn bản, cảm thụ tác phẩm và có suy nghĩ, góc nhìn riêng.

17 năm dạy bộ môn Ngữ văn, cô Đào Thị Thanh, giáo viên Trường THPT Quảng Xương 1 (Thanh Hoá), nói rằng, học sinh lên lớp 10 có tới 70% em có thói quen làm văn theo bài mẫu; nhiều em lười đọc sách, không có thói quen đọc tác phẩm trước khi đến lớp, tư duy non nớt, diễn đạt thụ động. Đa số học sinh các khối lớp tự nhiên chỉ học bằng cách ghi nhớ ý chính để đạt mức điểm cần thiết cho năm học hoặc tốt nghiệp THPT. Có giáo viên luyện thi đọc y nguyên bài văn mẫu cho học sinh chép và đọc thuộc. Khi đi thi, các em chỉ cần nhớ lại và chép đúng sẽ đạt điểm cao. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài sẽ khiến học sinh chán ghét môn học thuộc, giết chết sự sáng tạo của các em.

Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng Ngữ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội), nói rằng, nhiều năm nay, học sinh được tôi luyện trong các lớp học, lò luyện để tạo ra những bài làm văn na ná nhau. Khi đi chấm thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội, cô thấy nhiều bài văn sao chép y nguyên bài mẫu.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai kế hoạch năm học mới giáo dục trung học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu, năm học mới, các Sở GD&ĐT phải hướng đến tinh thần học thật, thi thật. Các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, nhà trường cần triển khai việc học, kiểm tra, đánh giá sao cho đúng, thực chất và chấm dứt dạy học văn theo bài mẫu, văn mẫu.

Thay đổi cách ra đề kiểm tra, đánh giá

TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng, nếu dạy học theo văn mẫu kéo dài, cả thầy và trò sẽ không thể phát triển năng lực, thậm chí tính cách cá nhân; không ai thấy xúc động khi dùng văn mẫu của người khác để dạy hay học, văn mẫu mài mòn xúc cảm. “Khi học sinh được bộc lộ chân thực, hồn nhiên là cơ hội để thầy hiểu trò, cha mẹ hiểu con cái, cũng tạo điều kiện để thầy cô có thể uốn nắn những suy nghĩ, xúc cảm, nhận thức nếu còn lệch lạc của các em, khơi gợi những tình cảm tốt đẹp, lành mạnh một cách nhẹ nhàng, khéo léo, không áp đặt”, cô Tuyết nói.

Cô Nga thừa nhận, dù biết dạy học sinh theo bài mẫu là triệt tiêu sự sáng tạo của các em nhưng giáo viên vẫn phải dạy. Nhiều năm nay, cách ra đề thi của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT vẫn yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức, quanh quẩn các tác phẩm trong SGK. Đáp án chấm môn Ngữ văn có ba-rem, hướng dẫn chấm dù mở nhưng cũng có phần bó buộc giáo viên nhặt đúng ý, cho điểm. Theo cô Nga, nếu Bộ GD&ĐT muốn chấm dứt việc học văn theo bài mẫu, đầu tiên, Bộ và các Sở GD&ĐT phải thay đổi hoàn toàn cách ra đề trong các kỳ thi quan trọng. Ngay từ đầu năm học, ra các bộ đề mẫu để giáo viên tham khảo và hướng dẫn cách dạy, khuyến khích học sinh sáng tạo trong bài làm.

Cô Thanh nhận định, cách dạy học sinh rập khuôn theo văn mẫu cũng khiến giáo viên dần thui chột, không sáng tạo trong các giờ lên lớp. Mỗi giờ học chỉ có 45 phút, giáo viên không tâm huyết sẽ chỉ nói những ý cơ bản, cốt lõi cho xong. Do đó, khi đổi mới, giáo viên cũng buộc phải tìm tòi, đọc nhiều tác phẩm, văn bản ngoài SGK hơn, quan tâm hơn đến chuyện thời sự, các chủ đề khác trong cuộc sống, từ đó có chất liệu phong phú đưa vào bài học. “Nhà trường cần khuyến khích các em đọc sách, có các CLB văn để sinh hoạt, trao đổi với nhau. SGK mới từ lớp 6 hiện nay cũng đã bắt đầu đổi mới phương thức dạy học, yêu cầu học sinh có những cách tiếp cận khác nhau, đưa nhiều tác phẩm mới vào. Hy vọng đây sẽ là luồng gió mới để đổi mới cách dạy văn, học văn. Phía Bộ GD&ĐT cũng như các Sở phải thay đổi cách ra đề thi vì cách dạy học hiện nay là học để thi”, cô Thanh nói.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.