Chăm chút, thay vì cấm chọi trâu Đồ Sơn

Các nhà khoa học đồng tình giữ lại chọi trâu Đồ Sơn, tuy nhiên phải thay đổi tư duy và cách thức tổ chức đảm bảo an toàn, bảo lưu giá trị văn hóa. Ảnh: Minh Châu.
Các nhà khoa học đồng tình giữ lại chọi trâu Đồ Sơn, tuy nhiên phải thay đổi tư duy và cách thức tổ chức đảm bảo an toàn, bảo lưu giá trị văn hóa. Ảnh: Minh Châu.
TP - Các giáo sư đầu ngành về văn hóa, di sản và các nhà quản lý mổ xẻ Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn tại tọa đàm khoa học sáng 7/9 tại Bộ VHTT&DL, trong đó thống nhất kiến nghị không nên cấm nhưng phải thay đổi cách tổ chức.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh lâu rồi mới đăng đàn tại một hội thảo khoa học do Bộ VHTT&DL tổ chức nêu ý kiến bản thân hội chọi trâu Đồ Sơn mang tính chất lễ trong đó. “Mong Bộ chăm chút cho tốt lên chứ không phải cấm nó”, GS Thanh nói. Ông cũng phản đối Hội bảo vệ động vật nhiều năm nay can thiệp sâu vào nhiều lễ hội hiến sinh ở Việt Nam. Ông lập luận rằng, môn đấm bốc hay nhiều trò khác còn làm chết người nhiều hơn chọi trâu.

Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, GS.TS Vũ Minh Giang, nói bà con Hải Phòng “nghển cổ trông lễ hội”. Ông nêu quan điểm Bộ, Hội đồng có công nhận hay không thì chọi trâu Đồ Sơn vẫn là văn hóa. Di sản văn hóa tuân theo hai nguyên tắc là chấp nhận sự đa dạng không so bì cao thấp và văn hóa thuộc về nhân dân.

“Chọi trâu trước hết của người dân Đồ Sơn, nếu Bộ quyết định cấm hay không phải trưng cầu ý dân Đồ Sơn. Tất nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý đảm bảo an toàn với trò diễn xướng, lễ hội có mức độ nguy hiểm như chọi trâu cần rà soát lại, có thể trang bị áo giáp cho người dẫn trâu vào sân”, GS Giang nói. Ông lấy ví dụ Nhật tổ chức bán vé cho người ta tham gia trò chơi đập phá, đánh nhau để giải tỏa. Ông cho rằng, xem chọi trâu không kích động bạo lực mà để giải tỏa căng thẳng.

Cầm trong tay bản sao hồ sơ chọi trâu Đồ Sơn, PGS.TS Trần Lâm Biền đánh giá giá trị hội này rất hay, tuy nhiên do sau này quá trình tổ chức làm sai lệch những giá trị ban đầu. Nếu chỉ nhìn nhận lễ hội gồm hai phần là điều sai lầm, bởi hội bao hàm trong đó những nghi lễ, yếu tố tâm linh và có giá trị cố kết cộng đồng. Cần tìm cách giải mã lễ hội để tránh những sai lầm, lễ hội nhiều nhưng bản chất hội nào thuộc về làng đấy. Hội chọi trâu Đồ Sơn nếu nhìn theo hoàn cảnh lịch sử, huyền thoại gắn với nó rất có giá trị văn hóa và tâm linh.

Phân tích ở góc độ khác nhau nhưng phần đông các nhà khoa học đều thống nhất đánh giá hàm lượng văn hóa trong hội chọi trâu Đồ Sơn. TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, phản đối ý định cấm chọi trâu Đồ Sơn. TS Trương Quốc Bình xếp chọi trâu Đồ Sơn là một trong 15 lễ hội lớn trong tổng hơn 8 nghìn lễ hội cả nước, đặc biệt mang ý nghĩa sức mạnh tâm linh với cư dân vùng biển. Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Xuân Minh được dịp “kêu thay” người dân Hải Phòng, thậm chí ông còn kể “nhiều cháu thiếu nhi ôm mặt khóc khi nghe tin có thể cấm chọi trâu”. Ông Minh cũng cho biết, trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, dân Đồ Sơn vẫn tha thiết giữ lại lễ hội.

Thu hẹp quy mô

GS Tô Ngọc Thanh nói, giải pháp để lễ hội chọi trâu tốt hơn không thể thiếu vắng bàn tay quản lý mạnh mẽ, sát sao hơn để tránh hội rơi vào tình trạng biến tướng, thương mại hóa lễ. Lễ hội đi chệch với giá trị ban đầu cơ quan quản lý có quyền cấm. Đó là ý kiến của PGS.TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Ông Quang cho rằng, hiện nay, chọi trâu Đồ Sơn giảm tính nghi lễ, chuyển sang trình diễn ở sân vận động, từ sự kiện của cộng đồng chuyển sang sự kiện của thành phố.

TS Trần Hữu Sơn nêu quan điểm, nên khai thác chọi trâu Đồ Sơn như sản phẩm du lịch. PGS.TS Lương Hồng Quang đồng tình, cần chấp nhận sự chuyển biến của lễ hội, trong đó có cả khía cạnh thương mại của lễ hội cũng như nhiều sự kiện văn hóa khác. “Chúng ta phải đưa công nghệ tổ chức sự kiện vào chọi trâu Đồ Sơn, không phải làm giảm giá trị truyền thống mà quan trọng làm tốt công tác tổ chức hơn nữa”, PGS Quang nói. Ông nhấn mạnh, cần xác định giá trị của hội, yếu tố văn hóa, nguyện vọng người dân, nhất là xác định nội dung hoạt động, quy trình tổ chức-quy trình hiện có vấn đề.

Sau tai nạn đáng tiếc ở vòng loại chọi trâu Đồ Sơn 2017, ông Hoàng Xuân Minh thừa nhận thiếu sót và cho biết địa phương sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức. Ban tổ chức sắp tới tập trung làm tốt phần lễ, giá trị cốt lõi của lễ hội như lễ dâng hương, thượng cờ, rước nước và phần tế, bổ sung nhiều tiêu chí đối với chủ trâu tham gia hội, tránh thương mại hóa. Riêng phần lựa chọn, huấn luyện trâu cũng như thành lập tổ kiểm soát chất kích thích được siết chặt hơn. Hải Phòng cũng đề ra hơn chục giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho khách như lắp dựng thêm hàng rào bảo vệ, xây dựng trại trâu kiên cố, quy định số người dắt trâu vào và nhất là xử lý sự cố bằng cách sử dụng súng, vũ khí đặc biệt để tiêu diệt trâu, ngăn chặn các diễn biến bất thường trong chọi trâu, đảm bảo an toàn lễ hội.

Trước những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, nêu ý kiến của lãnh đạo Bộ là chấp nhận cho tổ chức chọi trâu Đồ Sơn vào ngày 9 tháng 8 âm lịch, tuy nhiên cần giảm quy mô và lưu ý các giải pháp đảm bảo tổ chức lễ hội an toàn, đúng hồ sơ được công nhận di sản phi vật thể quốc gia.

Giá trị lễ hội không phụ thuộc quy mô to hay bé, vì vậy chọi trâu Đồ Sơn chỉ gói gọn một trận duy nhất thay vì tổ chức các vòng loại. Số lượng trâu giảm từ 32 con xuống 16 con. Chọi trâu Đồ Sơn cần hướng tới tính du lịch, có thể chấp nhận sự tác động của cơ chế thị trường nhưng cần khoanh vùng nhất định: Thịt trâu phải được niêm yết giá, tránh nâng khống giá bán thịt trâu, tránh gian lận đưa trâu ngoài vào giết thịt bán cho du khách. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ đề nghị BTC ngăn chặn hiện tượng cờ bạc trá hình, giao dịch, thỏa thuận ngầm trong trận chung kết. Để chuẩn bị cho lễ hội an toàn, BTC cần sẵn sàng công cụ hỗ trợ như súng gây mê, dụng cụ chuyên dụng sẵn sàng cho tình huống xấu. Sau hội chọi trâu năm nay, Bộ phối hợp Hải Phòng xây dựng đề án có chiến lược lâu dài.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.