Tác dụng của quả gấc
Beta-carotene trong gấc là chất có khả năng chống oxy hóa cao, chống lại sự lão hóa và các bệnh lý ở phổi, tim, mạch máu, thần kinh…do quá trình oxy hóa gây ra.
Theo sách cổ đông y, nhân hạt gấc (còn gọi mộc miết tử, phiên mộc thiết...) là vị thuốc rất quý có tác dụng làm tan các vết bầm do chấn thương, làm mau lành vết thương, những nơi bị nhiễm khuẩn, cầm máu.
Chả cá xốt gấc
Đối với trẻ nhỏ, việc bổ sung vitamin A là cực kỳ cần thiết. Mặc dầu vậy, những món ăn như xôi gấc hay gấc kho mang mùi vị gấc khá đặc trưng không phải trẻ nào cũng thích. Món chả cá (hoặc chả mực, tôm, cua) xốt gấc vừa thơm ngon vừa lạ miệng có thể kích thích sự ngon miệng của bé.
Trước tiên đem rán sơ chả cá (từ cá nước ngọt hoặc cá biển đều được) trong lửa to cho vàng nhẹ mặt ngoài. Chuẩn bị cà chua băm nhuyễn và thịt gấc, phi hành, tỏi băm lẫn cho thơm rồi chưng nước sốt với gấc và cà chua, nêm gia vị vừa ăn, có thể thêm vài lát gừng tươi cho khử vị tanh và chút đường cho nước sốt thêm dịu. Khi nước sốt đã sệt thì cho chả vào đun nhỏ lửa chừng 5 phút là được. Món chả cá xốt gấc hợp với rau thì là xắt khúc, nếu là chả cua thì thay bằng hành tây bào sợi đun cùng nước sốt.
Những bài thuốc từ quả gấc
Chữa mụn nhọt, ghẻ lở: nhân hạt gấc mài với nước, bôi.
Chữa sưng vú: nhân hạt gấc giã với một ít rượu 30-40 độ đắp lên chỗ sưng đau.
Chữa trĩ, lòi dom: hạt gấc giã nát, thêm một ít giấm, gói bằng vải, đắp mặt để suốt đêm.
Chữa sốt rét có báng: Hạt gấc và vảy tê tê, hai vị bằng nhau, sấy khô tán bột. Mỗi lần dùng 2g hòa với rượu ấm uống lúc đói.