Củ ấu bùi thơm êm dạ dày

Củ ấu bùi thơm êm dạ dày
TPO - Ai là người con của đất Thái Bình chắc hẳn không thể nào quên hương vị của củ ấu gai, thứ củ đen nhánh và gai góc.

Cây ấu cùng họ với các loài cây sen, cây súng hay cây láng, thích nghi với ao đầm và những chân ruộng có nước quanh năm. Thân đốt, lá mọc so le nổi trên mặt nước, hình tròn, mép có răng cưa thưa. Ấu trụi không có gai, củ to, vỏ mỏng có mầu nâu đen, ruột xốp trắng, tơi bở. Ấu gai vỏ đen, thân củ mọc ba cái gai và ăn chát hơn hai loại ấu khác. Người trồng ấu xuống giống từ tháng tư âm lịch, đến giữa tháng chín là được thu hoạch. Củ ấu trụi luộc lên trong ruột trắng bông và tơi xốp, hương vị đồng quê đẫm trong chất vỏ, thấm vào đến ruột, “Ăn một lại muốn ăn hai/Ăn ba ăn bốn lại nài ăn năm” là thế. 


Không chỉ ngon miệng mà củ ấu có nhiều gluxit, đường gluco, protein. Trong 100g thịt củ ấu có 24g đường, 9mg canxi, 49mg phospho, 0,7mg sắt, các vitamin A, B1, C, D và men có tác dụng điều trị các bệnh ung thư gan, ung thư dạ dày. Thân cây, vỏ củ và ruột ấu đều có tác dụng chữa bệnh.

Món canh củ ấu nấu sườn

Ngày nay có giống ấu Đài Loan được trồng nhiều vùng ven Hà Nội, củ to, nhiều ruột và tương đối róc vỏ. Đúng ra phải gọi là "quả ấu” vì nó phát triển dưới nước đến khi già thì rụng và vùi xuống bùn. Củ mua về cần rửa thật sạch, luộc chín và bóc vỏ sao cho khéo để nhân không bị vỡ nát. Với những người ưa đậm đà có thể đem ruột ấu chiên qua lửa to cho xém mặt ngoài và tăng thêm hương vị.

Sườn ấu canh ngon phải là loại sườn sụn, mềm và có dính đôi chút mỡ. Sau khi luộc qua, rửa sạch thì phi hành xào nhanh rồi đổ nước vào ninh kỹ. Sườn đã mềm, người làm bếp chỉ cần cho ruột ấu vào ninh nhỏ lửa, nêm nếm chút gia vị vừa ăn, đợi lúc gia đình quây quần đủ mặt mới cho hành lá, rau mùi ta vào rồi múc ra tô. 

Canh củ ấu nấu sườn đậm đà, thanh mát và đặc biệt mang mùi thơm đặc trưng không thể tìm thấy ở loại thực phẩm nào.

Theo Nam dược, củ ấu có vị ngọt tính mát, có tác dụng bổ mát, giải cảm nắng, giải các chất độc, ăn thì bổ ngũ tạng, no lòng không đói, yên trong bụng và nhẹ mình, chữa rôm sảy, da mặt khô sạm, chữa nhức đầu, choáng váng cảm sốt, chữa loét dạ dày, giải độc rượu...

Một số bài thuốc từ củ ấu, cây ấu

Chữa nhức đầu, choáng váng, cảm sốt: 3-4 củ ấu sao cháy, sắc uống, ngày 1 thang (Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

Sốt, sốt rét, loét dạ dày: Vỏ củ ấu sao thơm, sắc uống (Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

Giải độc rượu, làm cho sáng mắt, chữa sài đầu trẻ: 10-16g toàn cây, sắc uống (Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)

Rôm sảy, da khô sạm: Dùng củ ấu tươi, giã nát, xoa lên da (Chữa bệnh bằng cây lá)

Viêm loét dạ dày: Thịt củ ấu 30g, Củ mài 15g, Hồng táo 15g, Bạch cập 10g, Gạo nếp 100g, nấu cháo, cho thêm 20g Mật ong, trộn đều rồi ăn.
Bệnh trĩ, nhọt nước: Vỏ củ ấu sấy khô, đốt tồn tính, tán thành bột, trộn đều với dầu vừng, bôi hoặc đắp.

MỚI - NÓNG