Thú ăn chơi hủy hoại môi trường (Kỳ 3:)

Cây khủng và biệt phủ bên những cánh rừng hấp hối

Chợ phong lan đường Phan Đình Giót.
Chợ phong lan đường Phan Đình Giót.
TP - Nhiều bạn trẻ hoang mang tự hỏi đây là vấn đề đạo đức hay pháp lý, khi không thấy các nhà chức trách ngăn chặn triệt để những kiểu chơi chim-hoa-cá-đá và ăn nhậu động vật hoang dã theo lối tận diệt? Vì sao khắp nơi vẫn lan tràn thú chơi tranh tượng làm từ gỗ lậu? Vì sao nhiều cán bộ, đảng viên vẫn ngang nhiên xây dựng biệt phủ bên những cánh rừng bị hủy hoại đến điêu tàn?  

Thật lạ lùng, sau khi Thủ tướng ra lệnh “đóng cửa rừng”, thì những vạt rừng giàu hiếm hoi càng bị xâm hại dữ dội. Nhổ cây rừng đưa về vườn nhà chưa đủ, người ta bứng cả những gốc cổ thụ khổng lồ, ngang nhiên vận chuyển xuyên Việt trên những chiếc xe quá khổ, quá tải. Không ít cán bộ chẳng hề ngại ngần khi phô trương khối tài sản bất minh “ăn của rừng” trước sự bất bình của dân chúng. 

Cây khủng và biệt phủ bên những cánh rừng hấp hối ảnh 1 Căn nhà gỗ tinh xảo của ông Việt Mộc.

Từ chợ lan rừng giữa phố

Nhóm 5 thanh niên Tú-Đa-Nhàn-Huy-Sơn, cư dân huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk gửi đơn kiến nghị đến Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn, xin lãnh đạo Vườn xem xét giảm nhẹ mức phạt lên tới 15 triệu đồng, chỉ vì họ đã đem dao, cưa, kéo vào rừng cắt lấy 0,8 kg phong lan, bị kiểm lâm bắt. Ngày 5/4/2018 Hạt Kiểm lâm VQG ký văn bản trả lời: phạt mức này là đúng quy định.

Qua facebook, một thành viên trong nhóm chat với tôi, là họ biết lỗi, nhưng mức phạt nặng quá nên họ không có để nộp. Còn ông Phạm Tuấn Linh, phó giám đốc phụ trách VQG Yok Đôn xác nhận đây là vụ đầu tiên VQG phạt người đi lấy phong lan. Mức phạt áp dụng tình tiết tăng nặng vì cả 5 người cùng xâm nhập vào VQG là “vi phạm có tổ chức”. Đương sự nếu không chấp hành, sẽ có cách cưỡng chế!

Trong khi vụ phạt này lình xình, chưa rõ dẫn tới đâu, thì chợ phong lan tự phát ở đường Phan Đình Giót nội thành Buôn Ma Thuột vẫn ngày ngày đông đúc, nhộn nhịp. Từ đại lộ Lê Duẩn ghé vào, bên phải đường là dãy sạp bán phong lan của mấy chủ tiệm người Kinh. Những giò lan rừng quý hiếm như Kim điệp, Ngọc điểm, Long tu, Hoàng lan, Nghinh xuân v.v... được treo sát lề đường, phát giá dăm ba triệu đồng mỗi giò.

Trên sạp, có tới khoảng 50 loài lan được bán sỉ dạng cân ký, hoặc bán lẻ mỗi gốc dăm bảy mươi nghìn. Chủ sạp cho biết hàng đủ loại nội, ngoại nhập từ nhiều nguồn. Một du khách khệ nệ xách 2 túi nặng cả chục ký phong lan, bảo đem về Hà Nội trồng chơi. “Tôi phải vào tận đây mua cho chắc đúng lan rừng tự nhiên, khỏi sợ đụng hàng”!

Bên trái đường là nơi họp chợ của nhiều nhóm đồng bào các dân tộc thiểu số, liên tục những chiếc xe máy chở người ngồi sau đeo gùi chất đầy phong lan từ nhiều hướng xịch tới. Tôi hỏi: Lan này đồng bào lấy từ đâu mà đẹp thế? - Trong rừng chớ đâu!- Rừng nào?- Đắk Lắk mình thiếu gì rừng. Rừng gần hết sạch phong lan rồi, phải đi xa lắm!- Sao lấy trong rừng mà có hình hoa rửa sẵn chào hàng, hay vậy?

Người bán gườm gườm cảnh giác, quay đi. Một chuyên gia lan rừng - anh Đỗ Tuấn Hưng chủ vườn lan Troh Bư tiết lộ cho tôi một bí mật mà anh đã cẩn thận tìm hiểu: Đa số đồng bào bán phong lan... nhập lậu từ Lào, Campuchia, thậm chí từ Trung Quốc.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm (CCKL) nghe phóng viên hỏi về chợ lan rừng Phan Đình Giót, vội đến kiểm tra rồi chỉ đạo Hạt KL Buôn Ma Thuột tới hướng dẫn người dân cách mua bán phong lan đúng pháp luật.

Từ tháng 11/2015, CCKL đã ký văn bản “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ lan rừng” gửi tất cả các đơn vị trực thuộc, tuyên truyền cho dân biết: Các loài lan hài, lan kim tuyến theo phân loại thực vật rừng nguy cấp đều thuộc nhóm 1A - Nghiêm cấm sử dụng vì mục đích thương mại; Cấm mua bán lan rừng; Cấm khai thác trái phép lan rừng và các loại lâm sản phụ khác như Vàng đắng, Mật nhân, Sâm vũ diệp, quả Giổi... để bảo vệ những nguồn gen hiếm quý, không làm sinh thái mất cân bằng...

Đến cây “siêu khủng” xuyên Việt

Trong khi dân chúng chơi phong lan, thì các VIP và đại gia khẳng định sự bề thế của mình bằng thú chơi cây “siêu khủng”.

Thật ra, việc người ta đã làm sao để có thể được vào rừng cẩu những cây cổ thụ đẹp về trồng vào khuôn viên biệt thự, nhà hàng sang trọng, lâu nay đã thành chuyện phổ biến tới mức dân chúng chán ngán, thờ ơ. Vài năm trước, các loài cây Sanh, Si, Sộp, Lộc vừng bứng từ rừng Tây Nguyên lũ lượt trôi đi mọi hướng là điều chẳng mấy ai bận tâm.

Chỉ tới cuối tháng 3/2018, khi 3 chiếc xe đầu kéo chở 3 cây cổ thụ khổng lồ ngang nhiên Bắc tiến, trong hình hài băng bó nhằng nhịt chẳng khác nào “quái thú” diễu hành trên quốc lộ, thì lối chơi “kèo trên” này mới bung bét, chấn động tận “thiên đình”.

Rất may, ngành kiểm lâm đã chứng minh được các cây khủng đó không bị bứng đi từ rừng hoặc tài sản công cộng. “Đèn trời” chỉ soi vào nhà chức trách nào đã để cây siêu khủng thân cành đồ sộ, choán hết tầm nhìn, vượt xa mức tải trọng được bon bon vượt qua mấy chục chốt chặn mà không gặp trở ngại gì? Phó Thủ tướng phải trực tiếp chỉ thị liên bộ phối hợp điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm, giải quyết dứt điểm trước ngày... 7/5/2018 (!?)

Sau hơn 1 tháng rời Tây Nguyên, 3 cây đa trồng tạm bên đường Thừa Thiên-Huế đã trổ lá xanh, trong lúc không ít người lòng dạ đang héo hon do sợ liên lụy, chỉ vì lỡ chiều ý “đại gia” nào thích chơi ngông đến thế! 

Cây khủng và biệt phủ bên những cánh rừng hấp hối ảnh 2 Bứng cây rừng về trồng trong vườn nhà.

Và biệt phủ gỗ bên cánh rừng tàn

Suốt mấy tháng qua, Ea Súp trở thành huyện “nóng” của tỉnh Đắk Lắk, với các vụ tranh giành đất lâm nghiệp gay gắt đến nỗi dân chém giết nhau, rừng bị tàn phá vô tội vạ mất tới hàng vạn hecta. Nhưng cũng chính tại đây, nhiều quan chức lại chả ngại ngần khoe của như những “tay chơi”, với “biệt phủ” xây dựng và trang hoàng toàn bằng gỗ quý.

Làng báo đã điểm danh hàng loạt biệt phủ của các “ông to, bà lớn” trên cả nước đáng nghi vấn nguồn gốc tài sản! Nhưng hiếm có công trình nào trong số đó tự phơi bày bản chất “chuyển rừng về nhà” như các tòa nhà gỗ khủng ở Ea Súp, huyện vùng sâu, giáp biên.

Bộ ba tay chơi nhà gỗ công khai ở đây gồm các ông Nguyễn Xuân Tự, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thuế, ông Nguyễn Văn Quyến, nguyên Phó giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Cư M’lan, và ông Trần Ngọc Quang nguyên Chủ tịch UBND huyện. Trong đó, riêng ông Quang sử dụng tới hơn 135 m3 gỗ lậu, tới nay mới bị cảnh cáo về mặt Đảng.

Tây Nguyên - nơi bình quân rừng “bốc hơi” mỗi năm tới 40-50 nghìn hecta trong cả chục năm qua, biệt phủ gỗ của ông Tự, ông Quyến, ông Quang chưa phải là lớn nhất trong số cơ ngơi của nhiều quan bác. Ai ngăn được lối khoe của nghèo văn hóa bằng cách biến rừng hoặc công sản thành cơ ngơi cán bộ, đang tiếp tục lan rộng như thách thức cả lương tri xã hội lẫn sự nghiêm minh của luật pháp?

Tỉnh Đắk Lắk diện tích rộng lớn! Cách huyện Ea Súp phía Tây 200 km về phía Đông là huyện M’Rắk, nơi xã Cư Đ’róa vùng sâu có một ông trùm nhà gỗ chuyên thi công bán cho khách hàng chịu chơi. Các biệt phủ gỗ Ea Súp chủ yếu phô phang của nả, chứ về độ tinh xảo cầu kỳ, thì thua đứt nhà gỗ Cư Đ’róa.

Có dịp đi ngang qua, thấy tòa nhà gỗ quý choáng lộn bên đường, tôi ghé vào hỏi thăm. Chủ nhà tự giới thiệu 54 tuổi, quê Nam Sách-Hải Dương, tên Việt, làm nghề này từ bé nên “chết” tên Việt Mộc. Ông cho biết: Nếu tôi đặt làm căn nhà gỗ 170 m2 y như nhà ông đang ở, thì giá 4 tỷ đồng. Còn nếu chơi nhà gỗ 2 tầng như ông đang cho hàng chục thợ thi công, dùng tới 260m3 gỗ hộp, chủ tự mua ngói và làm móng nền, ông lắp ráp hoàn chỉnh với giá 7 tỷ. 

“Chơi nhà kiểu này tốn nhiều gỗ lắm. Nhưng chị khỏi lăn tăn đi! Gỗ chủ yếu nhập khẩu, giấy tờ đàng hoàng. Hôm trước tôi làm cho ông anh Quảng Ninh, vừa chở về 300 m3 gỗ tròn là báo ngay kiểm lâm tới lập hồ sơ. Cứ người trước giới thiệu người sau, thời nay người ta chuộng chơi nhà gỗ quý lắm”.

Dù Việt Mộc đã dặn “chị khỏi lăn tăn”, nhưng với hàng loạt vụ án phá rừng nghiêm trọng bị khởi tố tại M’Đrắk, và nhiều hơn thế những vụ phá rừng đã chìm xuồng mà dân chúng thường bí mật cấp báo, tôi vẫn lăn tăn tin rằng mốt chơi nhà gỗ quý kiểu này càng khiến tốc độ phá rừng đầu nguồn vùng giáp ranh giữa 3 tỉnh Đắk Lắk-Khánh Hòa-Phú Yên thêm khốc liệt! 

MỚI - NÓNG