Cẩu thả

Cẩu thả
TP - Đường sá ở ta, mặc dù được đầu tư hàng “núi” tiền mà hư vẫn hoàn hư, vá lỗ này lại thấy thủng chỗ kia, cũng tại vì cái chữ “cẩu thả” trong thi công bên cạnh việc bòn rút quá cỡ nên những con đường dù có tráng nhựa bê tông phẳng phiu nhưng chỉ được một vài tháng thì văng lên từng mảng to đùng, tạo nên những ổ gà ổ voi rất “ngứa” mắt.

Đường nào chẳng vậy, cứ thi công được một vài tháng thì đã bong hết lên, có con đường chưa khánh thành đã hư hỏng... Chẳng hiểu vô tình hay cố ý mà khi thiết kế họ lại làm nắp cống cao hơn mặt đường! Phải công nhận là một “phát minh”, hy vọng nước chảy ngược?!

Các công trình cứ thế thi công không cần che chắn. Đi qua công trình nhà cao tầng, cây cầu mới xây, chung cư, nhà tái định cư... thấy ớn lạnh, “nghe đồn” người sống cạnh những nơi này khỏi cần mặc áo, vì mới nhìn thấy đã toát mồ hôi hột, có còn cảm giác lạnh nữa đâu!

Công chức ta thuộc hàng cẩu thả số một, giấy tờ cứ lung tung cả lên, tên người này dán ảnh người kia. Cẩu thả về cả cách làm việc và về lời nói của mình.

Nói đến bác sĩ nhiều người rùng mình, mổ lại “quên” dụng cụ hành nghề trong bụng bệnh nhân? Sở dĩ chữ “quên” tôi đặt trong ngoặc kép vì dùng từ đó chưa được chính xác mà phải dùng từ cẩu thả, nó liên quan đến sinh mạng của một con người thì liệu việc “quên” đó có phải là vô tình? Những cái chết đau lòng lại xuất phát từ hai chữ “quên, nhầm” của các vị từ mẫu, một nghề không cho phép bất cứ ai có hai từ đó đi kèm.

Đi khám sức khỏe cũng vậy, ở nhiều bệnh viện chẳng cần thấy mặt bệnh nhân, chỉ cần khai tên tuổi, chiều cao... vào miếng giấy nho nhỏ, trình cho bác sĩ “khám” thì có ngay một tờ khám sức khỏe ghi hết những gì người khám yêu cầu mà chẳng cần có mặt...

Trong những năm gần đây, việc biên tập sách giáo khoa đã có rất nhiều bất ổn, từ việc độc quyền cho đến sự cẩu thả trong lúc biên tập. Có cuốn: “Giải bài tập toán lớp 5” (NXB Thanh Hóa - quí II, năm 2006 - sách phục vụ năm học 2006 - 2007), tôi thấy có vài chục phép tính lạ, lạ đến nỗi phải thốt lên: “Quá cẩu thả”...

Trong lớp học thường thấy giáo viên phê vào bài kiểm tra của học sinh: “Chữ viết cẩu thả” và lập tức trừ điểm. Đó là hình phạt, vậy sao chúng ta không thể áp dụng nó với tất cả?

Cần phải học hỏi ở các nước phương Tây, cứ làm việc cẩu thả thì ngoài việc từ chức, còn phải chịu thêm những hình phạt đi kèm nếu việc mình gây ra mang lại hậu quả nặng nề. Thử mạnh dạn làm một vài “tấm gương tiêu biểu”, xem ai còn dám?

 Cấn Thị Phương
Khánh Hòa

MỚI - NÓNG