“Cầu nối” các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Phó Thủ tướng Lào dự Lễ động thổ xây dựng trường học Ðông Ka-sẻn tại tỉnh Khăm Muộn do BIDV tài trợ
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Phó Thủ tướng Lào dự Lễ động thổ xây dựng trường học Ðông Ka-sẻn tại tỉnh Khăm Muộn do BIDV tài trợ
TP - Ðược biết đến là doanh nghiệp “mở đường” trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài trên lĩnh vực tài chính – ngân hàng, BIDV được Chính phủ giao nhiệm vụ và các doanh nghiệp tin tưởng bầu làm chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư Việt Nam ra nước ngoài tại 03 quốc gia Lào, Campuchia và Myanmar.

Với vai trò chủ tịch các hiệp hội, BIDV đã có nhiều đóng góp quan trọng và là “cầu nối” hữu hiệu để cùng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài góp phần đẩy mạnh hợp tác kinh tế, bồi đắp mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.  

Kinh doanh hiệu quả tại nước ngoài

BIDV là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam có hiện diện thương mại tại nước ngoài  kể từ năm 1999 với sự ra đời của Ngân hàng Liên doanh Lào – Việt (LVB). Ðến nay, BIDV đã có hiện diện tại các quốc gia: Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Séc, CHLB Nga và đang chuẩn bị thành lập văn phòng đại diện tại Ðài Loan.

Trải qua hơn 17 năm hoạt động, Ngân hàng Liên doanh Lào -Việt (LVB) hiện đứng đầu về quy mô vốn điều lệ và đứng thứ 3/32 về quy mô dư nợ, được tạp chí Asian Banking & Finance bình chọn là Ngân hàng có công nghệ hiện đại và hoạt động hiệu quả tại Lào. Các chỉ số kinh doanh liên tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ðến 30/06/2015, BIDV đã hoàn tất chuyển tiền tăng vốn điều lệ cho LVB, đưa vốn điều lệ LVB lên 791 tỷ kip Lào và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ đứng đầu tại thị trường Lào. Tổng tài sản LVB đạt gần 799 triệu USD; Tổng nguồn vốn  huy động đạt hơn 667 triệu USD. Mạng lưới của LVB đã được mở rộng với Hội sở chính và 08 Chi nhánh tại các vùng/khu vực kinh tế trọng điểm của Lào.

Năm 2009, BIDV đã xúc tiến nghiên cứu thị trường và triển khai thành lập các hiện diện thương mại  tại Campuchia với sự ra đời của Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC), Công ty Liên doanh Bảo hiểm Campuchia Việt Nam (CVI) và Công ty chứng khoán Campuchia Việt Nam (CVS). Ðến nay, các hiện diện thương mại của BIDV tại Campuchia đã thực hiện tốt sứ mệnh, mục tiêu, nhiệm vụ được giao và thu được những kết quả tích cực tại thị trường này. Sau 5 năm thành lập, hoạt động của BIDC đã thu được những kết quả đáng khích lệ thể hiện qua các chỉ tiêu hoạt động tăng trưởng ổn định qua các năm. Vốn điều lệ của  BIDC đã lên tới 70 triệu USD, đứng thứ 6 thị trường Campuchia về quy mô tổng tài sản và dư nợ tín dụng với tổng tài sản đạt gần 550 triệu USD, huy động vốn từ tổ chức kính tế và dân cư đạt gần 215 triệu USD; Dư nợ tín dụng đạt hơn 480 triệu USD, lợi nhuận trước thuế lũy kế đến hết 30/06/2015 đạt gần 35 triệu USD. Ngoài ra, CVI hiện đứng thứ 5 trên thị trường bảo hiểm, dẫn đầu thị trường về lĩnh vực bảo hiểm hàng không với tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2014 đạt gần 4,6 triệuUSD, chiếm 8% thị phần bảo hiểm tại Campuchia, lợi nhuận trước thuế lũy kế từ khi thành lập đạt 1,5 triệu USD.

Tại thị trường Myanmar, năm 2010, thực hiện Tuyên bố chung của Thủ tướng Chính phủ hai nước về 12 lĩnh vực ưu tiên hợp tác đầu tư, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng, BIDV đã thành lập Văn phòng đại diện tại Yangon để nghiên cứu, tìm hiểu thị trường. Năm 2015, BIDV đã chính thức khai trương công ty Tài chính BIDV Myanmar và Văn phòng đại diện Tổng công ty Bảo hiểm BIDV tại Myanmar. Hiện tại, BIDV đang thực hiện các thủ tục cần thiết để thành lập chi nhánh ngân hàng tại Myanmar.

Tại Cộng hòa Séc, BIDV đã thành lập 02 hiện diện là Công ty cổ phần tài chính IDCC Châu Âu (IDCE) và  Văn phòng đại diện BIDV tại CH Séc. IDCE có số vốn điều lệ 170 triệu CZK (~8,1 triệu USD), trụ sở đóng tại thủ đô Praha - nơi tập trung đông đảo cộng đồng người Việt. Ðến thời điểm hiện tại, hoạt động của Công ty có sự tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu rất lớn của cộng đồng người Việt về các dịch vụ tài chính – ngân hàng. VPÐD BIDV tại CH Séc đã tích cực tham gia các hoạt động để phát huy vai trò là cánh tay nối dài của BIDV tại thị trường Séc nói riêng và thị trường châu Âu nói chung, tích cực gặp gỡ, thiết lập quan hệ với các ngân hàng, định chế tài chính, các cơ quan chính quyền tại Séc và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Séc; tìm hiểu, nắm bắt các nhu cầu đầu tư, thương mại của Séc với Việt Nam để làm đầu mối hỗ trợ thông tin đầu tư, tư vấn, tín dụng…

Với thị trường Nga, BIDV đã thiết lập quan hệ đại lý với 31 ngân hàng thương mại Nga, duy trì và đẩy mạnh hợp tác với các Ngân hàng nước ngoài lớn tại Nga nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Nga. Doanh số thanh toán xuất nhập khẩu của BIDV với thị trường Nga năm 2014 là 142 triệu USD, tăng 26% so với năm 2013, quý I/2015 là 24 triệu USD.

“Cầu nối” giữa các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại nước ngoài

Với vai trò là Chủ tịch các Hiệp hội AVIL, AVIC, AVIM, BIDV đã tập hợp, gắn kết cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đầu tư tại Lào, Campuchia, Myanmar, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh và uy tín của nhà đầu tư Việt Nam và thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia, Việt Nam – Myanmar, đưa Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào, đứng thứ 5 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Campuchia và bước đầu đã có những hoạt động ích cực tại thị trường Myanmar – đất nước vừa “mở cửa” cách đây chưa lâu.

Thông qua các hoạt động hỗ trợ cung cấp thông tin, kết nối với các cơ quan Chính phủ Lào, AVIL đã tích cực tham gia và phối hợp với các Bộ, ngành hai nước tổ chức các Hội nghị, tọa đàm xúc tiến đầu tư nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại giữa hai nước, tăng cường quảng bá vai trò, hình ảnh cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Việt Nam, hiện đã có 261 dự án của Việt Nam được cấp phép đầu tư sang Lào với tổng số vốn FDI khoảng 5,22 tỷ USD, trong 5 tháng đầu năm 2015 đã cấp phép cho 8 dự án với tổng số vốn FDI là 95,2 triệu USD. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2014 đạt 1,285 tỷ USD, tăng 17.7% so với năm 2013; 6 tháng đầu năm 2015 đạt  571.6 triệu USD.

Trên vai trò được giao là Chủ tịch AVIC, BIDV đã dẫn dắt, kết nối, gắn kết các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường Campuchia, góp phần tạo ra làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia trong thời gian qua. Ðến nay, Việt Nam đã cấp phép cho 134 dự án đầu tư vào Camphuchia với tổng vốn đăng ký phía Việt Nam là 3,2 tỷ USD, đứng vị trí thứ 05 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Campuchia và đứng thứ 2/50 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam (sau thị trường Lào). Kim ngạch thương mại hai nước năm 2014 đạt ≈ 3,3 tỷ USD, tăng 250% so với năm 2009, bình quân mỗi năm tăng gần 40%; Việt Nam đang là nước đứng thứ hai trong số hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Campuchia (chiếm tỷ lệ khoảng 27% tổng kim ngạch thương mại Campuchia)…

“Cầu nối” các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài ảnh 1

Khởi công dự án tại Campuchia

Từ khi thành lập đến nay, AVIM đã tổ chức sắp xếp cho hơn 200 đoàn doanh nghiệp Việt Nam với hơn 5.000 lượt doanh nhân sang nghiên cứu và khảo sát đầu tư tại Myanmar; Phối hợp với các Bộ ngành chức năng hai nước tổ chức các sự kiện hợp tác kinh tế kết nối doanh nghiệp gắn với các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo cấp cao của hai nước; tổ chức hàng chục Hội thảo, diễn đàn về xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch, hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, CNTT, cơ khí… thu hút trên 1.000 doanh nghiệp hai nước tham dự…

Ðến tháng 5/2015, Việt Nam có 73 doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động và đầu tư tại thị trường Myanmar với tổng vốn FDI là 688,5 triệu USD (đứng thứ 8 trong số các Nhà đầu tư nước ngoài vào Myanmar, gấp 4 lần số lượng dự án và gần 30 lần về tổng vốn đầu tư so với năm 2009). Trong 5 tháng đầu năm 2015, có thêm 6 doanh nghiệp mở công ty, chi nhánh tại Myanmar với vốn đăng ký tăng thêm là 10,2 triệu USD. Về thương mại: Từ 2010 - 2014, quan hệ thương mại hai nước tăng trưởng bình quân 31%. Năm 2014 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 480,5 triệu USD tăng 36,4% so với năm 2013, gấp hơn 3 lần so với năm 2010. Tổng lượng khách du lịch Việt Nam-Myanmar tăng trưởng bình quân 15%/năm. Trong 5 tháng đầu năm 2015, lượng khách Du lịch Việt Nam – Myanmar đạt khoảng 7.900 lượt, tăng 23,0% so với cùng kỳ. Ðến nay, BIDV/AVIM đã trở thành địa chỉ tin cậy và đầu mối cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp Việt Nam khi triển khai các hoạt động tại thị trường Myanmar.

Từ những kết quả đã đạt được, đặc biệt là tại Lào, Campuchia, Myanmar, hoạt động của Doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần mở rộng quan hệ đầu tư thương mại, tích cực thực hiện các cam kết chung giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ các nước trên các lĩnh vực ưu tiên, góp phần tăng cường quan hệ ngoại giao truyền thống giữa Việt Nam và các nước láng giềng.       

MỚI - NÓNG