Cách đây vài ngày, Ngô Văn Khích (còn gọi là Đăng Hạ) bị bắt vì hành vi lấy danh nhà báo cưỡng đoạt tiền doanh nghiệp. Giới văn chương lại được dịp hồi tưởng câu chuyện đã bị báo chí cày xới khoảng dăm năm trước của anh này. Tự xưng nhà thơ, nhà báo, đứng đầu CLB sáng tác VHNT Việt Nam Đăng Hạ đã tạo ra nhiều chiêu trò bịp bợm như ép mua sách có in thơ của mình, nộp tiền để được bình thơ, thu phí làm thẻ hội viên, bán kỷ niệm chương, bằng khen… để moi tiền của các hội viên.
Được biết, sau 5 năm thành lập, câu lạc bộ do Đăng Hạ cầm đầu đã phát triển thành “tập đoàn” với khoảng 4.500 người. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải câu lạc bộ thơ ghi kỷ lục nhiều thành viên nhất tính đến thời điểm này.
Chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn gọn với ông Hoàng Ngọc Thành, một nhân vật quan trọng của CLB Thơ Việt Nam. Ông cho biết hiện nay số lượng thành viên CLB Thơ Việt Nam đã đạt đến con số gây choáng váng: Trên 13.000 người. Lý do nào để CLB tạo ra sức hút giật mình đến vậy?
Ông Hoàng Ngọc Thành chia sẻ phương châm: “Chúng tôi quan niệm đó là sân chơi, ai thích chơi thì chơi”. Khi chúng tôi đề cập đến chuyện nhập nhằng dùng thơ ca để trục lợi đã từng xảy ra ở một số CLB thơ, thì ông Hoàng Ngọc Thành khẳng định: “Chúng tôi không mồi chài ai. Chơi thơ có 3 cái không: Thứ 1, không nói xấu chế độ. Thứ 2, không gây mất đoàn kết. Thứ 3, không lợi dụng kinh tế”. Ông nói thêm: Hội viên của CLB Thơ Việt Nam mỗi năm chỉ phải đóng 20 ngàn (đồng) tiền phí. Mà cũng trầy trật “không thu được đâu, người ta không đóng hoặc người ta nghèo”.
Chẳng biết “cư dân” của CLB Thơ Việt Nam bây giờ nghèo cỡ nào, song trong quá khứ đó là một CLB có nhiều hoạt động hoành tráng xét về khía cạnh bề nổi, góp sức chèo lái CLB này cũng là những nhân vật nổi bật trên thương trường.
Thí dụ Phó Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam thành phố Hà Nội chính là bà Lương Thị Điểm, chủ doanh nghiệp vàng Bảo Tín (thông tin được chúng tôi thu lượm từ cuốn “Người yêu thơ” tập 10-2012, một ấn phẩm của CLB Thơ Việt Nam). Người đứng đầu CLB Thơ Việt Nam ở thời điểm “hào sảng” nhất chính là Bành Thông. Ông thường được giới thiệu trang trọng là nghệ sỹ, nhà báo trong các buổi lễ to, nhỏ của CLB song trong cuộc sống đời thường ông được biết đến nhiều với vai trò MC đám cưới (“Đám cưới mà thiếu Bành Thông/Một trăm mâm cỗ coi không có gì”).
Theo quan sát của một số hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện nay CLB Thơ Việt Nam không còn hoạt động tưng bừng như xưa, kể từ khi ông Bành Thông mất. Theo giấy mời tới dự Lễ công bố kỷ lục quốc gia của CLB Thơ Việt Nam, diễn ra đúng hôm nay - 28/10, tại Hà Đông, Hà Nội - có chữ ký của chủ tịch, thấy tên “Nhà thơ Vũ Dương Tá”. Hỏi người trong giới văn chương thì không ai biết nhiều về “nhà thơ” này. Chúng tôi gọi điện lại cho ông Hoàng Ngọc Thành để bổ sung thông tin, ông từ chối trò chuyện thêm.
Loạn câu lạc bộ thơ
Một câu hỏi nhiều người muốn biết: Ở Việt Nam nói chung, ở Hà Nội nói riêng có bao nhiêu câu lạc bộ thơ tại thời điểm này? Chúng tôi đi tìm đáp án ở nhà thơ Phạm Đức, Chủ nhiệm CLB sáng tác văn học Hồ Gươm, cũng là một người phụ trách sân thơ câu lạc bộ trong ngày thơ Việt Nam những năm qua.
Ông cười và cho đáp án: Nhiều lắm, không thể nào biết hết được. Nhà thơ điểm qua: Nào CLB cấp phường, cấp quận, huyện, thành phố... rồi CLB của ngành/nghề nào đó, chưa hết, CLB còn được phân theo thể loại văn học. “Thí dụ, CLB thơ lục bát, trực thuộc Trung tâm văn hóa thành phố Hà Nội, có đến mười mấy chi nhánh như CLB thơ lục bát quận Thanh Xuân chẳng hạn. Đẻ ra nhiều lắm”, nhà thơ Phạm Đức tổng kết. Một luồng thông tin khác, cho đến thời điểm năm 2012, chỉ riêng Hà Nội và vùng phụ cận đã có khoảng 600 CLB thơ ra đời.
Vậy, CLB thơ sinh ra thế nào? Ý kiến của Phạm Đức: “Theo tôi được biết, các câu lạc bộ đều thuộc chủ quản của cơ quan nào đó, thí dụ Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội, có hơn 30 câu lạc bộ thì có 5 câu lạc bộ văn học, trong đó có CLB Thơ Lục Bát, CLB Sáng tác Văn học Hồ Gươm…”. Ông lấy ví dụ trường hợp của người vừa bị bắt Đăng Hạ: Ngay cả “tập đoàn thơ” ấy cũng phải có cớ mới mọc lên được (từ năm 2008, Ngô Văn Khích tức Đăng Hạ thành lập một số Cty tư nhân trong đó có Cty Cổ phần Dịch vụ và Tư vấn Thành Phát. Anh ta lấy danh nghĩa của chính Cty này để ra quyết định thành lập CLB sáng tác VHNT Việt Nam - PV). Nhưng theo ý kiến của nhà thơ Lương Ngọc An: “Các CLB thành lập tự nguyện, không cần xin phép. Nhưng khi tự làm giấy khen, khắc dấu và đặc biệt là thu tiền hội phí trái qui định thì lại là vấn đề khác”.
Những CLB thơ bình thường quân số cũng chỉ dao động ở cỡ hơn chục người, lên đến 30 - 40 người. Có những CLB không có nhu cầu phát triển về số lượng, họ chỉ muốn dừng ở khoảng dưới 40 thành viên để dễ quản lí. Có những CLB sinh hoạt 1 tháng 2 kỳ nhưng CLB khác có khi chỉ sinh hoạt 2 tháng 1 kỳ và chỉ sinh hoạt tháng lẻ. Mỗi CLB lại đặt ra tiêu chuẩn kết nạp thành viên khác nhau, chủ nhiệm một CLB thơ trên địa bàn Hà Nội cho biết: Ai có nguyện vọng muốn vào, tôi mời đến sinh hoạt vài ba buổi để hai bên tìm hiểu nhau. Phải có “màn chào hỏi” đó đã. Ngồi xem thấy ưng ý cách sinh hoạt, ưng ban chủ nhiệm và các thành viên thì làm đơn. Đi kèm đó họ phải “khoe” sáng tác, thí dụ, 5,7 bài thơ hay có tập thơ in rồi càng tốt. Tức là ngoài tinh thần yêu văn chương CLB thơ này còn đòi hỏi phải có tác phẩm cụ thể để đánh giá năng lực thi ca.
Đã đá bóng thì gọi là cầu thủ?!
Có lời đồn, dưới thời ông Bành Thông, CLB Thơ Việt Nam thường chọn những người nào có “máu mặt” về kinh tế, để làm chủ nhiệm”. (Mới có chuyện chủ một doanh nghiệp vàng từng giữ vị trí Phó Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam thành phố Hà Nội?).
Tuy nhiên, tất cả những chủ nhiệm hay những thành viên CLB dù biết làm thơ hay không biết làm thơ thì cũng được gọi là nhà thơ. Bởi theo lí luận của ông Bành Thông khi ấy: Đã đá bóng thì gọi là cầu thủ, chứ gọi là gì? Đã làm thơ thì gọi nhà thơ. Cho nên, không có gì khó hiểu khi CLB Thơ Việt Nam hiện nay có lượng thành viên đạt con số kỷ lục trên 13 ngàn người.
Dưới thời Bành Thông, CLB này hoạt động mạnh mẽ, ra ấn phẩm “Người yêu thơ” với lượng phát hành không nhỏ, trao bằng khen cho các cá nhân xuất sắc ở CLB Thơ Việt Nam cấp tỉnh, huyện… Thậm chí, họ còn tự hào khoe CLB Thơ Việt Nam cấp huyện của họ cũng có dấu tròn (CLB Thơ Việt Nam huyện Lục Ngạn là CLB Thơ Việt Nam cấp huyện đầu tiên có dấu tròn - hình ảnh và chú thích ở ấn phẩm “Người yêu thơ” tập 10-2012, CLB Thơ Việt Nam - PV)…
Hoạt động của CLB thơ đôi khi có ảnh hưởng mạnh mẽ không ngờ. Nhà thơ Phạm Đức nói vui: Có những người không biết đến sự tồn tại của Hội Nhà văn Việt Nam mà chỉ biết đến CLB Thơ Việt Nam. Họ quan niệm một cách… mông muội, Hội Nhà văn Việt Nam chỉ gồm những người viết văn xuôi, còn CLB Thơ Việt Nam chẳng hạn mới là sân chơi chính thống của các nhà thơ.
Trong số những thành viên của CLB Thơ Việt Nam có không ít người từng có vị trí thuộc một số lĩnh vực của đời sống. Nhà thơ Phạm Đức nhớ lại: “Tôi đã từng dự những cuộc mà ông Bành Thông dẫn một quan chức về hưu nay được giới thiệu là nhạc sỹ, nhà thơ đến. Mọi người hoan nghênh nhiệt liệt, có khi gấp 10 lần sự xuất hiện của ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ấy chứ”.
Thành viên của CLB thơ này cũng vẫn có thể trở thành thành viên của CLB thơ khác. Thí dụ, bà Tô Hương Mai, ở Trung Tự (Hà Nội) là người có thâm niên tham gia CLB thơ. Bà là thành viên của gần chục CLB thơ khác nhau, không chỉ trên địa bàn Hà Nội. Vì sinh hoạt ở CLB thơ thường không nặng tính chất bắt buộc, nên tùy theo tình hình sức khỏe và thời gian mà bà Mai tham gia nhiệt tình hay không.
Kỳ 2: Bên trong những CLB thơ “ngàn người”