Trong số những tác phẩm lọt vào vòng trong của giải thưởng Portrait of Humanity 2020, được tổ chức bởi Tạp chí Nhiếp ảnh Anh thuộc công ty truyền thông 1854 Media (London, Anh), bức ảnh chân dung đặc biệt mang tên "The Skin I'm In” của nhiếp ảnh gia người Úc Brian Cassey gây ấn tượng với nhiều người.
Bức ảnh chụp Carol Mayer (53 tuổi), đến từ Cairns, Queensland, Úc. Cô từng chiến thắng trong một cuộc thi sắc đẹp ở quê nhà. Tuy nhiên, vụ cháy nhà vào năm 2000 đã khiến cả cuộc đời cô thay đổi.
Carol không rõ nguyên nhân gì đã bắt đầu vụ hỏa hoạn trong nhà cô, và cũng không có hồi ức về cách mà cô và con trai (khi đó mới 18 tháng tuổi) thoát ra được khỏi biển lửa.
Tính mạng giữ được, nhưng Carol phải đánh đổi nhan sắc xinh đẹp. Cô bị bỏng đến 85%, phải trải qua 8 tuần hôn mê trong phòng ICU (chăm sóc tích cực) của bệnh viện Royal Brisbane and Women ở thành phố Brisbane. Tiếp theo đó là 9 tháng điều trị đau đớn ở khoa bỏng, với hơn 100 ca phẫu thuật.
Toàn bộ da trên cơ thể bị biến dạng hoàn toàn, không ai có thể nhận ra Carol từng là một nữ hoàng sắc đẹp. Hai bàn tay của Carol không còn nguyên vẹn, một phần tai cũng bị mất. Hơn hết là tổn thương về tinh thần. Tuy nhiên, tất cả những khó khăn đó không ngăn cản được tiếp tục chiến đấu và sống sót.
“Khi bị bỏng, mọi người đều phải trải qua khó khăn về cả thể chất lẫn tinh thần. Tôi không để nó đánh bại tôi. Khi Brian tiếp cận tôi, tôi chỉ nghĩ đây là cơ hội tuyệt vời để cho ai đó thấy khía cạnh sần sùi của tôi.
Điều lớn nhất khi bị bỏng là bạn chỉ có thể khỏe hơn, không thể trở nên tồi tệ hơn. Nếu bạn bị ung thư, nếu tái phát hoặc giai đoạn cuối, bạn chỉ còn một quãng thời gian nhất định để sống. Với những vết bỏng mà bạn biết sẽ phục hồi, bạn phải rất kiên nhẫn”, Carol trải lòng.
Lúc chụp ảnh, nhiếp ảnh gia yêu cầu cởi bỏ hoàn toàn quần áo, kể cả nội y, Carol không hề e ngại. Bà cho biết, khoảnh khắc khó khăn nhất là phải tháo băng buộc đầu.
“Tôi thường đeo băng đô vì nó giúp tôi thấy an toàn. Tôi luôn có cảm giác mình trần trụi khi không có nó. Đối với tôi, khoảnh khắc cởi bỏ nó là một bước tiến lớn đối với tôi”, bà giải thích.
Carol luôn đeo băng đô vì cảm thấy an toàn.
Về lý do đồng ý chụp ảnh khỏa thân, Carol muốn thông qua hình ảnh chân thực nhất về cô để truyền tải đi các thông điệp mà chính cô rút ra được sau vụ cháy định mệnh. “Một là cuộc sống của bạn có thể biến mất trong tích tắc. Hai là bạn cần phải có tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Ba là học cách chấp nhận nghịch cảnh, tiến về phía trước và ngẩng cao đầu. Tôi muốn cho mọi người thấy, bạn không phải sợ thể hiện con người thật của bạn”, bà nói.
Được biết, đây không phải lần đầu nhiếp ảnh gia Brian Cassey chụp về Carol.
“Điều đầu tiên khiến tôi ấn tượng về Carol là đôi mắt xanh đáng kinh ngạc của cô ấy. Và chúng trở thành tâm điểm cho những bức ảnh đầu tiên. Bức ảnh từng giành được một số giải thưởng trong và ngoài nước như Giải thưởng Chân dung Nikon Walkley ở Úc và Giải thưởng chân dung của Hiệp hội Báo chí Quốc gia Mỹ.
Sau khi hoàn thành công việc, tôi không thể quên Carol. Trong đầu tôi nảy sinh ý tưởng phải có thêm những bức ảnh khác cho thấy sức mạnh đáng kinh ngạc của cô ấy. Tuy nhiên, tôi đã do dự vì cho rằng Carol chưa sẵn sàng để lộ toàn bộ cơ thể trước ống kính. Cuối cùng, tôi vẫn quyết định gọi cho Carol và hỏi: Cô có sẵn sàng làm việc này không?. Cô ấy im lặng một lúc trước khi trả lời ‘Có’. Có vẻ như cả Carol và tôi có cùng một mục tiêu khi chụp những bức ảnh này – một thông điệp cho những người khác đang gặp phải tình huống tương tự rằng, bạn không cô đơn và bạn thực sự có thể làm bất cứ điều gì.
Tôi thực sự hài lòng, không chỉ cho tôi mà còn cho Carol. Tôi tin tưởng ‘The Skin I'm In’ sẽ nhận được sự chú ý trên toàn thế giới sau khi được cuộc thi uy tín như Portrait of Humanity công nhận”, Cassey nói.