Carlo Ancelotti, thiên tài vĩ đại hay kẻ ăn may?

TPO - Carlo Ancelotti phải chăng đã quá may mắn trong suốt hành trình tới ngôi vương Champions League? Hay đó là câu chuyện “người tốt thì được báo đáp” bởi ông quá tử tế? Rốt cuộc, điều gì làm nên thành công của Carletto?
Carlo Ancelotti, thiên tài vĩ đại hay kẻ ăn may? ảnh 1

Mùa hè năm ngoái, Real Madrid rơi vào tình trạng bấp bênh sau sự ra đi của Zinedine Zidane và đội trưởng Sergio Ramos. Họ là tập hợp những ngôi sao trong thời kỳ hoàng hôn và nhiều tài năng trẻ ở giai đoạn bình minh của sự nghiệp. Tình hình tài chính cũng rất tệ, không cho phép Los Blancos thực hiện những bản hợp đồng lớn.

Vì vậy, bổ nhiệm Carlo Ancelotti giống như một quyết định tuyệt vời. Kinh nghiệm, sự điềm tĩnh và tài xoay xở của chiến lược gia người Italia sẽ giúp tái lập trật tự, mang lại sự bình yên trong phòng thay đồ và đưa đội bóng ra khỏi vùng nước xoáy.

Thật ra không phải. Chủ tịch Florentino Perez đã không lên kế hoạch cho việc tái hợp Ancelotti. Việc tìm tới Carletto chỉ đơn giản là Perez không có lựa chọn nào khác. Một số HLV mà Perez thích lại đang mắc kẹt ở CLB nào đó, trong khi một số có thể ký hợp đồng ngay lại không phù hợp.

Carlo Ancelotti, thiên tài vĩ đại hay kẻ ăn may? ảnh 2

Florentino Perez đã không lên kế hoạch cho việc tái hợp Ancelotti. (Ảnh: Getty Images)

Dù sao thì việc đó cũng không quan trọng với Perez. Một nguồn tin cao cấp ở Real tiết lộ với tờ The Athletic: “Perez coi vị trí HLV là thứ yếu. Chủ tịch Real luôn nghĩ rằng ông ấy biết nhiều hơn bất kỳ HLV nào. Thế nên không có tiêu chí nào cho việc tuyển dụng. Real ký hợp đồng với những người họ có thể”.

Đó là lý do Ancelotti trở lại Bernabeu. Ít nhất việc này sẽ giúp Perez bỏ qua khâu giới thiệu ban đầu. Năm 2013, lần đầu tiên Carletto được bổ nhiệm, Chủ tịch Real đã dẫn vị tân HLV tới phòng truyền thống, nơi trưng bày 9 chiếc Cúp C1/Champions League. Nhìn hình ảnh mình phản chiếu qua những chiếc Cúp sáng bóng, Ancelotti tự hiểu phải làm gì để xứng đáng với tầm vóc vĩ đại của CLB, đồng thời ý thức được nhiệm vụ mang về đây chiếc Cúp thứ 10, La Decima.

Khi Ancelotti bắt đầu nhiệm kỳ hai, mức độ kỳ vọng thấp hơn đáng kể. Real đang ở tình trạng không cho phép nhiều mơ mộng, còn Carletto bị cho là hết thời.

Carlo Ancelotti, thiên tài vĩ đại hay kẻ ăn may? ảnh 3

Trước khi được tôn vinh là HLV vĩ đại nhất châu Âu, Ancelotti từng bị cho là hết thời. (Ảnh: Getty Images)

Trước khi quay lại Real, Ancelotti có 19 tháng ở Napoli, 18 tháng tại Everton. Ở hai đội bóng hạng trung này, tỷ lệ thắng lần lượt là 52,1 và 46,3%, thấp hơn mọi CLB mà ông từng dẫn dắt trước đó kể từ năm 1999. Ngoài ra, danh hiệu gần nhất Carletto có được là Bundesliga 2017 cùng Bayern.

Mỗi HLV đều có chu kỳ thành công và nếu Ancelotti đang ở cuối chu kỳ, có lẽ ông cũng không có gì hối tiếc. Khi bắt đầu sự nghiệp HLV cấp cao (năm 1999), ông được chào đón bằng sự lăng mạ. Người hâm mộ Juventus đã phản đối quyết định bổ nhiệm Carletto ngay từ đầu và trận ra mắt, họ giăng biểu ngữ: “Một con lợn thì không thể làm HLV”. “Con lợn” vừa để ám chỉ ngoại hình mập mạp của Ancelotti, vừa chế giễu xuất thân nông dân, đến từ vùng chăn nuôi và chế biến giăm bông nổi tiếng Emilia-Romagna.

“Họ đang thiếu tôn trọng với lợn”, Ancelotti giễu nhại bằng sự hài hước vốn có. Nhưng nó không có nghĩa ông không buồn. Ông nói rằng Juventus là “câu chuyện tình chưa bao giờ bắt đầu”. “Chủ tịch và Tổng giám đốc sẽ ghé phòng thay đồ, chào Del Piero và gặp Zidane”, ông kể trong tự truyện, “Họ luôn phớt lờ tôi, và chuyện đó xảy ra hàng chục lần”.

Carlo Ancelotti, thiên tài vĩ đại hay kẻ ăn may? ảnh 4

Ancelotti là HLV đầu tiên trong lịch sử vô địch 5 giải đấu hàng đầu châu Âu. (Ảnh: FIFA)

Ancelotti đã cố gắng hòa nhập và thân thiện với tất cả, như cái cách ông vẫn làm trong cả sự nghiệp, mang lại sự yêu mến tuyệt đối của các cầu thủ, nhưng thất bại để giúp Juventus lên ngôi vô địch. “Chúng ta không có danh hiệu nhưng đã chơi không tệ. Và anh là một người tốt. Đó là điều quan trọng nhất trong cuộc sống, Carlo ạ”, Chủ tịch Gianni Agnelli nói.

Ancelotti đã tin như thế, cho đến ngày hôm sau, ông bị Agnelli sa thải. Té ra là người tốt không đủ để tồn tại trong ngành công nghiệp phức tạp này. Cần phải chiến thắng nữa. Như huyền thoại Giampiero Boniperti của Juventus đã nói: “Chiến thắng không phải quan trọng nhất, vì chiến thắng là điều duy nhất quan trọng”.

Trong hai thập kỷ qua, Ancelotti vẫn luôn là một người tốt. Nhà báo Salvatore Lo Presti nói rằng Carletto còn vượt quá giới hạn cho phép của một HLV. Ông “quá tốt, quá gần gũi với cầu thủ”. Tỷ phú Roman Abramovich của Chelsea thuê ông vì “sự tử tế với cầu thủ và luôn cư xử điềm tĩnh”, nhưng sau đó, sa thải ông cũng chỉ vì “quá tử tế”. Ngày ông mất việc ở Real, cả Cristiano Ronaldo, Sergio Ramos lẫn Luka Modric và Marcelo đều đệ đơn lên Ban lãnh đạo xin giữ HLV người Italia. Việc không thành, họ chuyển sang bất hợp tác với người thay thế Rafa Benitez.

Carlo Ancelotti, thiên tài vĩ đại hay kẻ ăn may? ảnh 5

Ancelotti là người giúp Real giành La Decima, mở ra thời kỳ rực rỡ mới ở châu Âu. (Ảnh: Getty Images)

Nhưng bên cạnh việc đóng vai người tốt, Ancelotti rất thành thạo nghệ thuật chiến thắng. Rời Juve, ông đã giành mọi danh hiệu mà một HLV có thể cùng với Milan, từ Serie A, Coppa Italia đến Champions League (2 lần) và FIFA Club World Cup. Tại Chelsea, ông giành cú đúp Premier League và FA Cup ngay mùa đầu tiên. Cho đến nay, duy nhất đội bóng của Carletto năm ấy tiệm cận thứ bóng đá đẹp mà Abramovich mơ ước.

Nhiều người cho rằng các danh hiệu ở Ligue 1 cùng PSG và Bundesliga cùng Bayern hơi dễ dàng, bởi Ancelotti đã dẫn dắt hai đội bóng tốt nhất thuộc hai giải đấu thiếu cạnh tranh nhất. Có thể đúng, nhưng ông đã chứng minh bản thân đủ giỏi để chiến thắng ở những nơi khắc nghiệt. Ví dụ như Real, CLB danh giá nhất và cũng tàn khốc nhất.

Nhiệm kỳ đầu, Ancelotti xua tan bầu không khí độc hại từ thời Jose Mourinho và giải phóng Ronaldo, đặt Xabi Alonso, Sergio Ramos vào những vị trí họ sẽ tỏa sáng. Tất cả giúp Real đoạt La Decima sau nhiều năm dài chờ đợi. Nhiệm kỳ hai, ông mang về phòng truyền thống ở Bernabeu chiếc Cúp châu Âu thứ 14 sau hành trình kỳ diệu phi thường. Các đội bóng tốt nhất (PSG, Chelsea, Man City, Liverpool) được dẫn dắt bởi những HLV xuất sắc nhất của bóng đá hiện đại (Mauricio Pochettino, Thomas Tuchel, Pep Guardiola, Juergen Klopp) đều lần lượt biến thành viên gạch trên đường tới đỉnh vinh quang.

Carlo Ancelotti, thiên tài vĩ đại hay kẻ ăn may? ảnh 6

Với 4 lần vô địch, Ancelotti là HLV thành công nhất lịch sử Champions League. (Ảnh: Getty Images)

Ở đó, Ancelotti biến mình thành HLV vĩ đại nhất lịch sử C1/Champions League với 4 lần vô địch. Đây đơn giản chỉ là sự nhấn mạnh, vì trước đó không lâu với danh hiệu La Liga, ông là HLV đầu tiên vô địch cả 5 giải đấu hàng đầu Lục địa già.

Ancelotti vẫn chưa hết thời, chỉ là đôi khi ông rơi vào khoảng trầm, điều vẫn thường xảy ra với mọi HLV. Ví dụ, ông đã đến Bayern đúng vào lúc chuyển giao thế hệ và các ngôi sao không thể tương thích với triết lý mới sau thời gian dài là một phần trong hệ thống phức tạp của Guardiola. Họ đã không ủng hộ HLV người Italia ngay từ đầu.

Robert Lewandowski, Philipp Lahm và Arjen Robben từng phàn nàn với Ban lãnh đạo về nội dung tập luyện. Trước khi Bayern ra quyết định sa thải, các cầu thủ đã tiến hành tập riêng mà không cần đến ông thầy người Italia. Tại Napoli, Ancelotti bị vướng vào cuộc chiến giữa cầu thủ và Chủ tịch Aurelio De Laurentiis. Còn ở Everton, mọi thứ đang ở giai đoạn bắt đầu.

Carlo Ancelotti, thiên tài vĩ đại hay kẻ ăn may? ảnh 7

Ancelotti trở nên vĩ đại nhờ “sự tử tế” và linh hoạt chiến thuật. (Ảnh: Getty Images)

Điều khiến Ancelotti trở nên vĩ đại và kéo dài thời gian thành công, bên cạnh “sự tử tế”, chính là sự linh hoạt chiến thuật. Ông biết làm thế nào để tận dụng thế mạnh của những cầu thủ hiện có, đồng thời giữ họ luôn ở trạng thái vui vẻ với hệ thống.

Cho đến nay người ta vẫn nhắc đến sơ đồ cây thông Noel của Milan trong thập niên 2000 cùng với phát kiến vĩ đại về vị trí kiến thiết lùi sâu của Andrea Pirlo. Tại Chelsea, Ancelotti chuyển sang 4-3-3, hoặc 4-2-3-1 sau cuộc thảo luận với các cầu thủ trụ cột.

Đến Real năm 2013, ở cuộc gặp đầu tiên, Cristiano Ronaldo nói rằng anh sẽ thích hơn nếu chơi bên cánh trái, sau đó thâm nhập vào trung lộ. “Chà, cậu phải thật sự thoải mái, đó mới là điều quan trọng nhất”, ông nói. Real chuyển đổi linh hoạt giữa hai hệ thống, 4-4-2 và 4-3-3, trên đường tới La Decima.

Carlo Ancelotti, thiên tài vĩ đại hay kẻ ăn may? ảnh 8

Bây giờ, Ancelotti là một kỷ lục gia, một thiên tài vĩ đại. (Ảnh: Getty Images)

Trở lại Bernabeu, Ancelotti tin rằng 4-3-3 vẫn là hệ thống mang lại thành công. Với bộ ba tiền vệ Casemiro, Toni Kroos và Luka Modric cùng Karim Benzema trên hàng công, có cảm giác đó là Real của năm 2014 nhưng thiếu Ronaldo. Không vấn đề gì, bởi Ancelotti rất giỏi tạo động lực, truyền cảm hứng và tạo dựng các mối quan hệ thích hợp để phát huy hết khả năng của học trò.

Bức ảnh ăn mừng chức vô địch La Liga, trong đó Carletto đeo kính đen, hút xì gà và các cầu thủ vui cười thích thú. Đó là một khoảnh khắc đáng giá. Với một người thầy như vậy, không ngạc nhiên khi Benzema, Modric cháy đến những giọt tinh hoa cuối cùng trong khi Vinicius, Rodrygo trưởng thành vượt bậc. Không trở ngại nào, thách thức nào cản được bước họ. Và Real trở thành nhà vô địch châu Âu, lần thứ 14.

“Thật không thể tin được, bây giờ tôi là một kỷ lục gia”, Ancelotti nói sau chiến thắng ở Paris. Nhưng một dịp khác, ông nhắc nhở tất cả rằng “không có gì là ngẫu nhiên trong bóng đá”. Đừng nói về may mắn với Ancelotti. Người duy nhất may mắn trong chiến tích của Real là Perez. Ông không nghĩ tới Carletto cho đến khi không còn lựa chọn nào khác. Và Chủ tịch Real nên đổ đầy champagne vào chiếc Cúp thứ 14 rồi uống hết để ăn mừng.

Tin liên quan