Cặp thầy cô nổi danh vùng biên

Nhờ nỗ lực trong công tác và chăm sóc gia đình, nhiều năm qua, cô Thân Thị Soa đạt danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà".
Nhờ nỗ lực trong công tác và chăm sóc gia đình, nhiều năm qua, cô Thân Thị Soa đạt danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà".
Cô Thân Thị Soa và thầy Huỳnh Ngọc Tâm là giáo viên Trường THPT Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp). Trong công việc, cô Soa đạt nhiều thành tích. Với thầy Tâm, ngoài việc hết lòng với những giờ giảng trên lớp, thầy còn rất đam mê nghiên cứu khoa học.

Cô giáo "giỏi việc nước, đảm việc nhà"

Cô Thân Thị Soa (sinh năm 1983) hiện đang giảng dạy môn Toán tại Trường THPT Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp). Cô Soa còn là một tấm gương sáng về niềm đam mê dạy học, cô đã đạt được nhiều thành tích qua các kỳ thi giáo viên dạy giỏi vòng trường và toàn tỉnh. Đặc biệt, cô Soa đã đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi môn Toán cấp tỉnh, danh hiệu Phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà, đạt giải Ba tại hội thi Gia đình nhà giáo hạnh phúc năm 2014 do Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Đồng Tháp tổ chức và danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền…

Cô Soa là con thứ ba trong một gia đình có 5 anh chị em. Cô Soa quê ở Hà Tỉnh, theo cha mẹ vào thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp lập nghiệp từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Trước đây cô Soa là cựu học sinh của Trường THPT Tràm Chim. Ngay từ nhỏ, Soa có ước mơ sẽ trở thành cô giáo. Cô Soa bộc bạch: “Bản thân tôi từ nhỏ đã ao ước mình trở thành một giáo viên và gia đình tôi cũng tạo điều kiện và ủng hộ tôi đi theo con đường giáo viên. Nhờ đó mà tôi có điều kiện giúp đỡ được nhiều em học sinh có thể biến ước mơ của mình thành hiện thực”.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế chuyên ngành Toán học, cô Soa được phân công về dạy học tại Trường THPT Tràm Chim. Dạy học được 3 năm, với mong muốn được nâng cao kiến thức, đáp ứng yêu cầu tìm hiểu tri thức ngày càng cao của bản thân và học sinh..., cô Soa được Ban giám hiệu Trường cử đi học Cao học Vinh chuyên ngành Toán. Sau 3 năm miệt mài đèn sách, cô Soa hoàn thành khóa học và nhận được bằng Thạc sỹ. Năm 2011, cô Soa trở lại ngôi trường thân yêu tiếp tục giảng dạy.

Đối với môn Toán, môn học luôn được học sinh cho là khó tiếp thu, đã được cô giáo trẻ Thân Thị Soa dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, tìm tòi và đưa ra nhiều phương pháp giảng dạy mới, khoa học để giúp học sinh có hứng thú trong học tập và tiếp thu bài một cách tốt nhất. Từ những kinh nghiệm đó, cô Soa đã áp dụng vào việc đi thi và mang về cho bản thân và nhà trường nhiều danh hiệu cao quý, đáng tự hào. Tại kỳ thi giáo viên dạy giỏi tỉnh Đồng Tháp, cô Thân Thị Soa đã vinh dự đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi môn Toán.

Nói về phương pháp dạy học, cô Soa chia sẻ: “Tôi thấy, để học trò tiếp thu dễ thì tùy theo đối tượng mình phải truyền đạt làm sao cho nó gọn, tránh rườm rà. Tại vì môn Toán là môn rất khô khan nên lâu lâu mình phải tạo cho học sinh có cảm giác là thoải mái để các em nhận được những kiến thức về phía mình truyền đạt”

Em Đặng Nguyễn Thảo Uyên - học sinh lớp 10A2 Trường THPT Tràm Chim cho biết: “Cô Soa là cô giáo chủ nhiệm cũng là cô dạy Toán. Cô khá dễ tính với học sinh. Nhưng mà khi các em vi phạm, cô cũng nghiêm khắc xử lý để các em rút ra bà học để sau này các em không vi phạm nữa. Cô dạy rất là dễ hiểu. Em không học giỏi Toán lắm, nhưng vì cô gần gũi nên em cũng mạnh dạn hỏi, nhờ cô chỉ dạy”.

Thầy Trần Ngọc Thanh - Hiệu trưởng Trường THPT Tràm Chim nhận xét: “Cô Thân Thị Soa rất nỗ lực trong công tác. Trong quá trình giảng dạy, cô chịu khó học hỏi đồng nghiệp, có nhiều tận tụy, quan tâm rất nhiều đến học sinh. Những thành tích cô Soa đạt được, chúng tôi cũng khuyến khích, động viên đối với cô Soa phát huy; trên cơ sở đó cũng hỗ trợ cho anh em những kinh nghiệm của mình để anh em tham gia tốt hơn để làm thế nào đạt được như cô Soa”.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, cô Thân Thị Soa chia sẻ: “Như tôi và rất nhiều người khác dù đang làm gì, ở vị trí nào trong xã hội thì trước đây mình cũng là một học sinh. Do vậy, đây cũng là ngày để cho chúng ta nhớ về những thầy cô giáo cũ của mình. Bản thân tôi là một giáo viên, tôi nghĩ ý phần thưởng lớn nhất của cuộc đời giáo viên đó là nhận được những bông hoa điểm mười từ phía học sinh của mình”.

Thầy giáo đam mê nghiên cứu khoa học

Thầy Huỳnh Ngọc Tâm (sinh năm 1983) hiện đang giảng dạy môn Sinh học tại Trường THPT Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp). Thầy Tâm là một tấm gương sáng về niềm đam mê nghiên cứu khoa học, với nhiều đề tài sáng kiến đạt giải thưởng cao.

Cặp thầy cô nổi danh vùng biên ảnh 1

Ngoài những giờ giảng hết mình trên lớp, thầy Tâm dành nhiều thời gian nghiên cứu khoa học.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế chuyên ngành Sinh học, thầy Tâm được nhận vào dạy học tại ngôi trường mà chính thầy Tâm đã theo học trước đây. Dạy học được 2 năm, thầy Tâm quyết định học lên Cao học Vinh chuyên ngành Thực vật, chuyên sâu về lĩnh vực Đông y. Sau 3 năm miệt mài đèn sách, thầy Tâm hoàn thành khóa học và nhận được Bằng Thạc Sỹ. Năm 2010, thầy Tâm trở về Trường THPT Tràm Chim tiếp tục giảng dạy.

Ngoài thời gian dạy học, thầy Tâm còn tìm tòi, say mê nghiên cứu khoa học và đạt nhiều thành tích. Suốt thời gian tích cực tìm hiểu và tham gia nghiên cứu khoa học, đến đầu năm 2014, thầy Tâm đã có tổng cộng 8 đề tài khoa học được Hội đồng nghiên cứu khoa học các cấp đánh giá tốt. Trong đó, có 4 đề tài được giải thưởng tỉnh Đồng Tháp và được cấp kinh phí 30 triệu đồng/đề tài. Nổi bật, có 2 đề tài nghiên cứu khoa học được tỉnh chọn tham gia dự thi cấp quốc gia là: “Nghiên cứu các loại cây thuốc ở huyện Tam Nông” và “Nghiên cứu phân lập chọn chủng vi khuẩn xử lý ao nuôi cá tra”. Đây là niềm vinh dự đối với thạc sỹ Huỳnh Ngọc Tâm.

Nói về phương pháp đầu tư của bản thân để đạt được thành tích đáng tự hào nêu trên, thầy Tâm bày tỏ: “Trước khi muốn làm đề tài, mình phải xem đề tài đó có ai làm chưa và xác định kỹ đề tài có tính mới không. Sau đó, mình xây dựng quy trình cụ thể rồi tính đến thời gian để thực hiện đề tài.”

Em Tiêu Thanh Cẩm Tiên - học sinh lớp 12A1 Trường THPT Tràm Chim cho biết: “Thầy Huỳnh Ngọc Tâm dạy rất dễ hiểu, dễ tiếp thu. Thầy rất là nhiệt tình, tận tụy dạy cho chúng em. Nếu chúng em không hiểu thì thầy giảng lại từ đầu. Thầy rất thương chúng em, luôn dành cho chúng em những lời khuyên để chúng em có những chuẩn bị tốt nhất khi bước sang một bước ngoặt mới sau 12 năm đèn sách”.

Cô Nguyễn Thị Bé - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tràm Chim nhận xét: “Thầy Huỳnh Ngọc Tâm là một giáo viên trẻ của trường. Trong quá trình công tác, thầy rất năng động, sáng tạo, có tinh thần học hỏi, cầu tiến và rất say mê nghiên cứu khoa học. Đối với công việc nhà trường giao, thầy luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đối với học sinh, thầy rất thương yêu và có trách nhiệm, thân thiện với các em. Trong cuộc sống, sinh hoạt thầy có phẩm chất đạo đức tốt. Đối với đồng nghiệp, thầy rất hòa đồng, vui vẻ và sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Thầy Huỳnh Ngọc Tâm hiện sống tại xã Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp). Vợ thầy Tâm là giảng viên Trường Đại học Đồng Tháp. Cuộc sống gia đình phụ thuộc vào đồng lương giáo viên nên gia đình còn chút khó khăn, tuy nhiên thầy Tâm không dừng lại ở bậc học thạc sĩ, thầy mong muốn mình có điều kiện sẽ tiếp tục học lên nữa và tiếp tục nghiên cứu khoa học.

Theo Nguyễn Hành - Trọng Trung

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.