Cạnh tranh không lành mạnh: Nhìn từ góc độ quảng cáo

Cạnh tranh không lành mạnh: Nhìn từ góc độ quảng cáo
TPO - Hiện nay, hành vi quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh xuất hiện khá phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp cũng như sự phát triển lành mạnh của thị trường. 

Cuộc trao đổi với TS. Luật sư Lưu Tiến Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác quốc tế - Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Thành viên công ty Luật Hợp danh YKVN sẽ cho chúng ta hiểu thêm về vấn đề này.

Trên thị trường hiện xuất hiện nhiều hành vi như: Lập fanpage nói xấu các doanh nghiệp, quảng cáo so sánh với các doanh nghiệp khác tại các website, mạng xã hội... Những hành vi này có bị coi là cạnh tranh không lành mạnh không, thưa ông?

Có thể nói, cạnh tranh là yếu tố cơ bản của nền kinh tế thị trường, phải có cạnh tranh thì thị trường mới phát triển. Tuy nhiên, pháp luật ở bất cứ nơi nào đều quy định, cạnh tranh phải lành mạnh.

Pháp luật cạnh tranh đã chỉ rõ, gièm pha doanh nghiệp là hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. Như vậy, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua người truy cập để bình phẩm, nói xấu, gây nhầm lẫn về sản phẩm, dịch vụ của một doanh nghiệp làm cho doanh nghiệp đó bị ảnh hưởng về hình ảnh, uy tín, thị trường thì những hành vi đó bị nghiêm cấm trong pháp luật về cạnh tranh.

Những thông tin được phản ánh trên mạng xã hội thường rất khó kiểm soát. Dựa vào đâu để chúng ta xử lý những hành vi đó, thưa ông?

Hiện nay, các doanh nghiệp thực hiện hành vi cạnh tranh ngày càng đa dạng và tinh vi hơn. Nếu một cá nhân nào đó đứng lên nói xấu, gièm pha một doanh nghiệp mà cá nhân này không phải là nhân sự của doanh nghiệp cụ thể thì rất khó trong việc xác định, xử lý vi phạm theo pháp luật cạnh tranh. 

Tất nhiên, pháp luật khác cũng có những quy định xử lý vi phạm của cá nhân như pháp luật Hình sự có tội vu khống. Chỉ khi xác định được thực sự một doanh nghiệp nào đó có hành vi gièm pha, nói xấu thì chúng ta mới có thể xử lý được theo pháp luật cạnh tranh.

Trong thời đại công nghệ số, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như hiện nay thì đây cũng là một vấn đề mà chúng ta cần phải tính đến.

Theo thống kê của Bộ Công thương, có 40 - 50 vụ/năm, với 97 vụ quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh cho cả giải đoạn 2006 - 2013. Đánh giá của ông như thế nào về những con số và hiện tượng này?

Con số không nói lên tất cả. Pháp luật đã dự liệu được những hành vi vi phạm và có chế tài tương ứng để xử lý vi phạm nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, có thể nói, chế tài hiện nay chưa đủ mạnh, chúng ta chưa có một nguồn lực đủ quyết liệt để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Ví dụ, đối hành vi quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh, gây nhầm lẫn cho khách hàng chỉ bị phạt mức tối đa 140 triệu đồng/hành vi, quá nhỏ so với lợi nhuận của một doanh nghiệp.

Vì vậy, vấn đề thực thi chính sách pháp luật về cạnh tranh thế nào, con người, bộ máy, sự quyết liệt của cả một hệ thống với các hành vi vi phạm ra sao để đảm bảo được sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế thị trường chính là mấu chốt của vấn đề.

Thực tế, một bộ phận doanh nghiệp mặc dù nắm rõ pháp luật nhưng vẫn cố tình thực hiện các hành vi vi phạm nhằm đạt được mục tiêu quảng cáo của mình. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Như chúng ta biết, giới hạn giữa cạnh tranh lành lạnh và cạnh tranh không lành mạnh nhiều khi rất mỏng manh. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, những hành vi quảng cáo của mình như thế này không phải là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Thực tế, nếu những hành vi đó của doanh nghiệp chỉ là vô ý thì hiện tượng đó hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu đa số người tiêu dùng, khách hàng nhìn thấy rõ ràng có sự cạnh tranh không lành mạnh thì chắc chắn đó là hành vi vi phạm pháp luật. Theo tôi, điều này xuất phát từ chính đạo đức kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.

Người tiêu dùng Việt Nam bây giờ rất thông minh, sáng suốt. Họ hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình đúng sản phẩm. Vì vậy, cho dù đó là sản phẩm mới thì doanh nghiệp hãy tự gây dựng uy tín, thương hiệu để có thị trường riêng, để có sự phát triển bền vững.

Dưới góc độ chuyên gia tư vấn pháp lý, ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp khi gặp phải tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong quá trình hoạt động kinh doanh?

Các doanh nghiệp phải chủ động hơn nữa, tìm kiếm biện pháp pháp lý phù hợp để bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Trong những trường hợp cụ thể, doanh nghiệp có nhiều hơn một sự lựa chọn công cụ để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải biết rằng, một khi đã không thương lượng, thỏa thuận được với nhau thì phải đưa đến cơ quan pháp luật. Doanh nghiệp có thể khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh, lựa chọn Tòa án hoặc Trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp.

Lựa chọn phương thức giải quyết cạnh tranh phù hợp không những bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp mà còn tạo ra văn hóa pháp lý, góp phần tạo lập một nền kinh tế thị trường phát triển lành mạnh, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. 

Chương trình được phát sóng định kỳ hàng tuần vào 08h55’ Thứ Bảy và phát lại vào 14h00’ Chủ nhật trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.