Các cơ quan quản lý cũng liên tiếp “ra quân”, liên tiếp tổ chức những sự kiện nhằm “nâng cao nhận thức của toàn xã hội”. Nhưng sự bất lực của các cơ quan chức năng, cụ thể nhất là ở cấp điạ phương, được thể hiện qua những lời nói của ông chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An, nơi trong thời gian gần đây liên tiếp phát hiện các vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm gây rúng động. “Thịt lợn có chất cấm, chuối ngâm thuốc trừ sâu, tôm, cua, ghẹ bơm tạp chất cho căng gạch... Có thể nói, con đường từ dạ dày đến nghĩa trang của chúng ta sẽ rất ngắn nếu chúng ta không thể tự cứu lấy chính mình”, ông Hoàng Quốc Sơn, chi cục phó, nói. “Tự cứu lấy mình” đồng nghĩa với việc người dân không nên trông chờ nhiều vào lực lượng chức năng, những người ăn lương để kiểm soát thực phẩm. Tự cứu lấy mình cũng chính là thái độ của rất nhiều người dân khi tận dụng sân thượng, ban công nhà để trồng rau, nuôi cá, thuê đất làm vườn, thả gà…
Bấy nay, mỗi khi có những vụ việc liên quan thực phẩm bẩn, dù rất thất vọng với cơ quan chức năng nhưng chắc hẳn nhiều người dân sẽ tự hỏi vì sao chống thực phẩm bẩn khó thế? Vì sao chúng ta có đầy đủ ban bệ, có tới 4 bộ ngành tham gia kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm mà thực phẩm bẩn, thực phẩm gây hại giống nòi vẫn cứ tràn lan ngày này qua ngày khác?
Câu hỏi đó đã có lời giải đáp trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long với các cơ quan liên quan của Thủ đô Hà Nội về việc thí điểm thực hiện mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm ở thành phố này. Những người thiết kế chương trình thí điểm kỳ vọng đây là lực lượng “cảnh sát” chuyên ngành an toàn thực phẩm, gắn bó mật thiết vì họ là lực lượng gần dân nhất, gần chợ nhất, sâu sát với những nguồn có thể gây mất an toàn thực phẩm nhất từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Tuy nhiên, thực tế thí điểm đã cho thấy “cảnh sát” thì đông với đầy đủ thành phần, từ y tế, thú y, công an, tư pháp và lãnh đạo chính quyền, nhưng “tội phạm” thì hiếm khi bắt được vì nhiều lý do: nể nang, ngại va chạm, làm không hết, thậm chí là trình độ chưa đủ để “cãi lý” với các “đối tượng”. Một ông chủ tịch phường không cần giấy tờ có thể đọc vanh vách nhà ai trên địa bàn kinh doanh thực phẩm nhưng lại nói “rất khó xử lý” vì nhiều lý do không “chính đáng” chút nào.
Tất nhiên đây mới là thí điểm nên còn nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh. Nhưng sau thí điểm, nếu Hà Nội muốn triển khai lực lượng phản ứng nhanh “141” về an toàn thực phẩm thì phải nhanh chóng chuyên nghiệp hóa đội ngũ “cảnh sát” này. Quan trọng hơn, có nói gì thì cũng cần nhanh chóng lập lại trật tự và có cải thiện tức thì, bởi người dân đã quá chán ngán và mệt mỏi.