Cảnh giác với thiết bị tiết kiệm xăng

Cảnh giác với thiết bị tiết kiệm xăng
Nắm được tâm lý của người dân trong cơn “bão giá”, nhiều công ty đã quảng bá các loại hóa chất, phụ gia, các dụng cụ tiết kiệm nhiên liệu đến người tiêu dùng qua nhiều kênh khác nhau. Chưa biết hiệu quả thực tế đến đâu, nhưng các chuyên gia cho biết người dân cần cảnh giác với những mặt hàng này.
Một trong những bộ dụng cụ tiết kiệm nhiên liệu được quảng cáo trên mạng internet.
Một trong những bộ dụng cụ tiết kiệm nhiên liệu được quảng cáo trên mạng internet..

Hóa chất, dụng cụ tiết kiệm xăng lên ngôi

Anh Cường (trú tại đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội) hành nghề chở đá thuê, hàng ngày phải đi lại nhiều nên anh rất lo ngại trước tình hình giá xăng tăng. Vì thế, anh đã nghĩ cách làm sao để tiết kiệm nhiên liệu nhất có thể. Nghe “mách nước” của mấy bác xe ôm, anh tìm đến chợ Trời (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Tại đây, anh dễ dàng tìm được những loại hóa chất, phụ gia tiết kiệm xăng như AutoMax, Protect, XXL Fuel Booster, Maz, … có nguồn gốc nước ngoài.

Các hóa chất, phụ gia này được quảng cáo là tiết kiệm được ít nhất 20% nhiên liệu cho người sử dụng. Ngoài ra, các hóa chất này còn được quảng cáo về mức độ an toàn, tiện dụng cũng như khả năng tăng sức mạnh, tuổi thọ của động cơ và giảm khí thải độc hại. Giá mỗi lít hóa chất (như XXL Fuel Booster chẳng hạn) dao động từ 600 đến 620.000 đồng/lít.
Với tỷ lệ pha trộn 1:1000 (1ml hóa chất pha với 1000 ml xăng) và khả năng tiết kiệm 20% nhiên liệu, tăng công suất máy 30%, về lý thuyết có thể thấy người dùng được lời.

Trên các trang web mua bán trực tuyến, hóa chất hoặc phụ gia tiết kiệm xăng như trên không phải ưu tiên hàng đầu. Nhiều người kinh doanh, buôn bán đã nắm thời cơ giá xăng tăng cao ngất ngưởng (và người dân đang sống chung với bão giá) để quảng cáo các bộ dụng cụ tiết kiệm nhiên liệu.

Theo những lời quảng cáo thì nếu lắp ráp bộ dụng cụ tiết kiệm nhiên liệu này vào bình xăng con của xe thì người dùng sẽ tiết kiệm được từ 10%-30% nhiên liệu – một con số đáng để suy nghĩ giữa thời bão giá như hiện nay. Giá các bộ dụng cụ này rất đa dạng, có loại chỉ 40.000 đồng/bộ (?!) nhưng có loại có giá lên tới 210.000 đồng cho xe số và 240.000 đồng cho xe ga. Điều đặc biệt là các sản phẩm này đều được bảo hành trong vòng 1 năm (có nơi lên đến 2 năm).

Nếu đúng với những gì quảng cáo thì khoản tiền phải bỏ ra để mua sẽ nhỏ hơn nhiều so với khoản tiết kiệm được, vì thế người dùng vẫn “lãi lớn”.

Một số nhà cung cấp sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu như trên tại Hà Nội cho biết: Kể từ khi giá xăng tăng, bão giá hoành hành thì lượng người gọi đến hỏi về sản phẩm hoặc đến xem, mua dùng thử tăng lên thấy rõ. Tuy không phải ai hỏi cũng mua song điều này cho thấy người dân đang rất quan tâm đến những hàng hóa “tiết kiệm nhiên liệu” kiểu này.

Trong thời buổi bão giá được xác định là sẽ “không có hồi kết”, dự báo các hóa chất, dụng cụ trên sẽ còn nhiều “đất” để ăn nên làm ra.

Muốn tiết kiệm nhiên liệu không thể chỉ kỳ vọng vào một bộ dụng cụ hay hóa chất tiết kiệm nhiên liệu mà cần một giải pháp tổng thể gồm: Chăm sóc, bão dưỡng xe, lái xe đúng cách, v...v… (Ảnh minh họa: SGGP).
Muốn tiết kiệm nhiên liệu không thể chỉ kỳ vọng vào một bộ dụng cụ hay hóa chất tiết kiệm nhiên liệu mà cần một giải pháp tổng thể gồm: Chăm sóc, bão dưỡng xe, lái xe đúng cách, v...v… (Ảnh minh họa: SGGP)..

“Cẩn thận lại lãng phí gấp đôi”

Theo PGS Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, ĐH Khoa học - Tự nhiên, ĐH Quốc gia HN thì các phụ gia thực chất là hóa chất. Về nguyên tắc thì các hóa chất sau khi bị đốt cháy sẽ gây ra các phản ứng có thể làm tăng hiệu suất sử dụng nhiên liệu, dẫn đến tiết kiệm được nhiên liệu. Nhưng trên thực tế, cần phải xem xét hóa chất đó có thành phần như thế nào, có đảm bảo và có đúng công thức khoa học không. Đặc biệt cần phải có các quy trình thử nghiệm trên các phương tiện ở mọi hoàn cảnh thì mới có thể đưa ra kết luận về độ an toàn.

Ông Hùng cho biết thêm, cần phải xem xét các hóa chất sau khi bị đốt cháy sẽ sinh ra cái gì và nó có ăn mòn động cơ (cũng như các bộ phận khác) của xe cộ hay không? Điều này người tiêu dùng rất nên cân nhắc, bởi nếu các hóa chất này không được kiểm định chất lượng và độ an toàn thì không biết sẽ thế nào, có khi còn gây nguy hiểm cho người dùng.

Về các dụng cụ tiết kiệm xăng, ông Hùng cho biết, ông không có đánh giá gì nhưng quy trình, cách thức cũng vẫn giống như đối với hóa chất (tức là cần phải được kiểm định rõ ràng). Trong thời điểm mặt hàng này đang “sốt” trên thị trường, cơ quan quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trong thời gian vừa qua họ chỉ tập trung kiểm tra các mặt hàng bình ổn giá chứ chưa chuyển hướng sang các mặt hàng “khắc phục bão giá” như trên. Vì thế chưa thể đưa ra bất cứ thông tin nào về nguồn gốc hay nhãn hiệu hàng hóa có chuẩn hay không.

Trong bối cảnh nhà kinh doanh chạy theo lợi nhuận, cơ quan quản lý khó kiểm soát được chất lượng hàng hóa thì theo ông Hùng, người dân nên chọn các cách tiết kiệm dễ dàng, hiệu quả và an toàn, như cải thiện cách lái xe chẳng hạn...

Điểm đáng chú ý là không thể kỳ vọng vào một dụng cụ riêng lẻ lắp vào xe để tiết kiệm xăng mà phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, tổng thể (như cách lái, bảo dưỡng, vv…).

Ông Hùng cũng khuyến cáo “không nên quá tin tưởng vào quảng cáo. Nếu không có thể có ngày xe sẽ hỏng và như vậy chi phí sẽ tăng cao hơn nhiều”.

Theo N.Anh
VietNamNet

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.