Ngày 30/11 tại Trà Vinh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 2023-2024 vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Xâm nhập mặn sớm, sâu
Đại diện Cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cho biết, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 dự kiến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm. Mặc dù được dự báo ở mức ít nghiêm trọng hơn so với mùa khô 2015-2016 và 2019-2020 nhưng không loại trừ có những diễn biến bất thường do chịu ảnh hưởng của yếu tố khó nắm bắt đến từ thượng nguồn sông Mekong.
Ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn có khả năng xuất hiện từ giữa tháng 1/2024, sớm hơn so trung bình nhiều năm khoảng 15 ngày. Từ tháng 1, tháng 2 và nửa đầu tháng 3/2024, ranh mặn 4g/l vào sâu đến 50-70km.
Từ giữa tháng 3/2024 đến cuối mùa khô, theo quy luật hằng năm, dòng chảy về ĐBSCL gia tăng nên xâm nhập mặn có xu thế giảm, ranh mặn 4g/l ở mức từ 45-60km; trong trường hợp dòng chảy không gia tăng thì mức xâm nhập mặn tiếp tục duy trì như đầu tháng 3.
Ở vùng sông Vàm Cỏ, tháng 12/2023, ranh mặn 4g/l vào sâu 30-40km, tháng 1 và tháng 2/2024 ở mức từ 65-70km; tháng 3, tháng 4 đến đầu tháng 5 có thể xâm nhập đến 90-100km...
Quang cảnh hội nghị. |
Về mức độ ảnh hưởng, theo Cục Thủy lợi, có nguy cơ xảy ra thiếu nước cho một số địa phương nên cần tăng cường các giải pháp ứng phó cho khoảng 56.260ha lúa tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… Đối với vùng chuyên canh cây ăn trái, tổng diện tích nguy cơ bị ảnh hưởng khoảng 43.300ha, thuộc 4 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng.
Ngoài ra, có thể xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt với các hộ dân sống phân tán, thiếu nước cho công trình cấp nước tập trung khai thác nước mặt khu vực ven biển thuộc các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau…
Cục Thủy lợi khuyến cáo khoanh vùng sản xuất lúa an toàn, không tổ chức sản xuất ở vùng nguồn nước không chắc chắn. Dự kiến diện tích sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 cao nhất đạt 1,5 triệu ha, tăng 22.000ha so vụ Đông Xuân 2022-2023. Cần bố trí thời vụ hợp lý, chủ động xuống giống sớm cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Đối với vùng cây ăn trái, cần tổ chức rà soát diện tích chi tiết từng loại cây trồng của từng huyện. Hướng dẫn người dân tính toán, cân đối nguồn nước tưới cần thiết trong toàn bộ thời gian ảnh hưởng xâm nhập mặn để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó như: xây dựng ao, hồ trữ nước; tích nước trong mương liếp, túi trữ nước; ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, tưới nhỏ giọt…
Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024, vùng ĐBSCL sản xuất khoảng 1,5 triệu ha. Ảnh: CK. |
Đảm bảo nước sinh hoạt và sản xuất
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, mùa khô 2023 - 2024 ít nước, xâm nhập mặn khả năng sâu, sớm và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy không bằng mùa khô 2015-2016 và 2019-2020, nhưng với tình hình dự báo, khoảng gần 44.000ha cây ăn trái, gần 60.000ha lúa sẽ bị ảnh hưởng. Dù thế, mức độ ảnh hưởng không quá cao.
“Về giải pháp ứng phó, phải đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất. Rà soát tối đa, chi tiết đến các địa bàn, hộ dân có thể bị ảnh hưởng để đảm bảo không có hộ dân nào không có nước sinh hoạt, không có cơ sở sản xuất nào không có nước để sản xuất", ông Hiệp nói.
Đối với vườn cây ăn trái, theo ông Hiệp, từ nay đến cuối năm cần tích trữ đủ nước. Với cây lúa, ngoài diện tích được gieo trồng sớm né hạn mặn, một số vùng sử dụng giống lúa chịu được mặn nhất định, một số vùng có thể chuyển đổi cây trồng khác.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, hạn mặn đã lặp đi lặp lại, nên về lâu dài cần có quy trình xử lý và phải coi đó như trường hợp bình thường để xử lý.
“Quan điểm là thuận thiên, mà thuận thiên ở ĐBSCL là thích nghi có kiểm soát, muốn vậy cần có các giải pháp công trình. Như cống Cái Lớn – Cái Bé đến thời điểm này rất thành công. Có thể sắp tới Bộ NN&PTNT cùng các địa phương đề xuất Chính phủ để làm thêm một số cống ngăn mặn ở một số cửa sông lớn khác để có vành bao ngoài tốt hơn, kiểm soát rộng hơn”, ông Hiệp nói.