Ngày 10/9, TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ cho biết, tại đây liên tục tiếp nhận hai trường hợp bị phình động mạch chủ bụng, trong đó có một ca tử vong.
Trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân 58 tuổi được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng mệt, đau bụng dữ dội. Qua siêu âm và kiểm tra hình ảnh, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng, túi phình rất lớn hơn 6cm dọa vỡ.
Trước tình huống khẩn nguy của bệnh nhân, các bác sĩ đã nỗ lực triển khai biện pháp cấp cứu. Tuy nhiên, khi đang trong quá trình chuẩn bị can thiệp thì túi phình động mạch chủ bụng của bệnh nhân bị vỡ. Người bệnh rơi vào tình trạng mất máu cấp dẫn đến tử vong.
Túi phình động mạch chủ bụng bị vỡ là nguyên nhân khiến người bệnh tử vong |
Một trường hợp khác là bệnh nhân nam 61 tuổi, nhập viện với các biểu hiện về tim mạch như nặng ngực và khó thở. Sau khi thăm khám và chụp CT mạch máu, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc động mạch vành trái, phình động mạch chủ bụng dưới thận 6,5cm kèm theo phình động mạch chậu phải 4,5cm.
Bệnh nhân này có nhiều bệnh lý nền nên các bác sĩ quyết định can thiệp mạch vành trước và tiến hành phẫu thuật để hạn chế nguy cơ biến chứng cho người bệnh. Ê kíp phẫu thuật đã nong mạch vành, thay đoạn phình động mạch chủ bụng cho người bệnh. Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã qua được nguy kịch, sức khỏe bình phục tốt.
Theo BS.CK1 Dương Hải Minh, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ, các túi phình nhỏ hơn 5cm thường không có triệu chứng và chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ. Chỉ khi túi phình lớn hơn, bệnh nhân mới có thể xuất hiện các triệu chứng không điển hình như đau bụng và rối loạn tiêu hóa. Đối với các túi phình lớn hơn 5cm, bệnh nhân cần thực hiện can thiệp nội mạch hoặc mổ mở để thay thế đoạn phình bằng ống ghép nhân tạo.
Các bác sĩ đã thay động mạch chủ bụng cứu bệnh nhân thoát cơn nguy kịch |
TS.BS Trần Chí Cường cảnh báo, vỡ túi phình động mạch chủ bụng là tình trạng đặc biệt nguy hiểm. Trước đây, mỗi năm Bệnh viện S.I.S chỉ gặp một vài trường hợp phình động mạch chủ bụng nhưng hiện nay mỗi năm phát hiện hàng chục ca. Triệu chứng cảnh báo của bệnh gồm đau bụng, cơn đau đột ngột lan sau lưng, đau dữ dội, tay chân lạnh, toát mồ hôi, tụt huyết áp.
TS.BS Chí Cường cho biết: “Người bị cao huyết áp, xơ vữa động mạch do tuổi tác, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, tiểu đường… là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng phình động mạch chủ bụng. Bệnh có thể chẩn đoán sớm thông qua phương pháp đơn giản là siêu âm mạch máu chủ bụng bằng máy siêu âm chuyên mạch máu. Người có nguy cơ cần chủ động thăm khám, tại các cơ sở y tế chuyên khoa tim mạch và phẫu thuật mạch máu để được phát hiện và can thiệp kịp thời”.