Đó là trường hợp bé trai vừa sinh được 4 ngày tuổi. Theo bệnh sử, trẻ sinh non khi mới được 36 tuần thai kỳ. Thời điểm chào đời, bé chỉ được 2,4kg. Sau khi chào đời trẻ có biểu hiện nôn trớ, bỏ bú, trướng bụng nên được chuyển đến bệnh viện thăm khám.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch, các bác sĩ đã phải cho trẻ thở máy. Qua thăm khám và thực hiện xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ ghi nhận, bệnh nhi bị nhiễm trùng nặng. Hình ảnh chụp phim bụng ghi nhận rất nhiều hơi trong thành ruột.
Các bác sĩ đã hội chẩn và chẩn đoán, bệnh nhi bị hoại tử ruột, nguy cơ thủng ruột. Ngay trong đêm, trẻ được chỉ định thực hiện cuộc phẫu thuật cấp cứu.
BS Nguyễn Hiền, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 – phẫu thuật viên chính cho biết, sau khi mở ổ bụng thám sát ê kíp ghi nhận hơn 20cm đoạn cuối ruột non và 10cm đầu ruột già của bệnh nhi bị viêm hoại tử sắp thủng, các đoạn ruột còn lại viêm nhiều nơi. Ê kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt bỏ đoạn ruột hoại tử, làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhi. Sau phẫu thuật, bệnh nhi đã qua được nguy kịch, các chỉ số sinh hiệu dần ổn định.
Sau phẫu thuật, bệnh nhi đã được làm hậu môn nhân tạo và đang được tiếp tục điều trị |
Theo TS.BS Phạm ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, viêm ruột hoại tử sơ sinh thường gặp ở trẻ sinh non, cân nặng thấp và thường có tiền căn sinh ngạt, có bệnh lý về tim mạch. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận và điều trị 15 trường hợp viêm ruột hoại tử phải phẫu thuật.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh, khi trẻ sơ sinh có triệu chứng bỏ bú, tiêu phân lỏng, chướng bụng, nôn trớ ra dịch dạ dày màu xanh, thành bụng cứng, đổi màu xanh hoặc nề đỏ (là những dấu hiệu gợi ý thủng ruột), đi tiêu phân máu, suy hô hấp, li bì, sốt… cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời.