K.N (12 tuổi, ở Thanh Hoá) nhập viện với các triệu chứng tay chân bồn chồn, co giật vai, bụng. Các chẩn đoán cho thấy bệnh nhi bị rối loạn Tic vận động nhất thời. N. cho biết, bị giật tay chân liên tục, cơ thể rất mỏi mệt, nếu cố để không co giật thì toàn thân lại nổi da gà.
Hội chứng Tic được phân biệt bởi một loạt triệu chứng đặc trưng của Tic, tần số và kiểu cách trong mỗi lần chúng xuất hiện tăng dần. Tic là các cử động hoặc âm điệu không bình thường, phổ biến nhất là máy giật cơ trên khuôn mặt và cổ như nháy mắt, gật lắc đầu, nhếch mép… Đặc trưng của Tic âm thanh bao gồm các âm hèm trong họng, lẩm nhẩm, phát ra các âm thanh như tiếng gáy hoặc tiếng ho…
Tic được định nghĩa như những thói quen nhanh chóng và lặp lại của khối cơ, nó là kết quả của sự chuyển động hoặc âm điệu được diễn ra ngoài tầm kiểm soát của người bệnh (người bệnh không chủ ý). Trẻ em và vị thành niên là các đối tượng thường bộc lộ các hành vi Tic, chúng thường xảy ra sau một nhân tố kích thích, hoặc do phản ứng lại với các tình huống từ bên trong. Các vận động hay phát âm không chủ ý, xảy ra nhanh, tái diễn, không có nhịp, không thể kìm nén được nhưng cũng có thể làm mất đi tạm thời trong thời gian vài phút đến vài giờ (do chủ ý hay do đãng trí).
Tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau mà biểu hiện ở từng trẻ cũng có thể khác nhau. Tật máy giật các cơ (rối loạn Tic vận động) là triệu chứng đầu tiên gặp trong 80% các trường hợp và đa số là ở mặt, 20% còn lại rối loạn trong lời nói (rối loạn Tic âm thanh). Tất cả các bệnh nhân này cuối cùng đều có rối loạn Tic phối hợp giữa vận động và âm thanh. Tật máy giật là điều mà bệnh nhi cảm thấy không thể cưỡng lại được và cuối cùng phải biểu hiện ra. Điển hình, tật máy giật cơ gia tăng khi bị căng thẳng hoặc áp lực tâm lý và giảm bớt khi thư giãn hoặc chú tâm làm một việc gì đó say mê. Đã từ lâu, những triệu chứng của rối loạn Tic vẫn bị hiểu lầm là dấu hiệu của “tật hồi hộp”, thật ra thì không phải vậy.
Theo bác sĩ Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần, hiện khoa học chưa phát hiện được nguyên nhân cụ thể gây ra hội chứng này. Tuy nhiên một số yếu tố có thể tác động khởi phát rối loạn Tic hoặc làm nó nặng hơn như môi trường, áp lực cuộc sống, học tập hoặc áp lực tâm lý từ cha mẹ ảnh hưởng đến trẻ. Rối loạn Tic tuy không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng khiến trẻ gặp khó khăn trong sinh hoạt, quan hệ với bạn bè và gia đình.
Khi trẻ chơi game, sử dụng điện thoại hay xem tivi quá nhiều, mắt và thần kinh luôn trong trạng thái tập trung cao độ dẫn đến căng thẳng, không chỉ làm tăng các tật khúc xạ mà còn là nguyên nhân khởi phát rối loạn Tic. Bác sĩ Minh khuyến cáo, nếu thấy trẻ có vận động bất thường thì nên đưa đi khám sớm đồng thời giảm áp lực tâm lý cho bệnh nhi. Tic là hội chứng không thể điều trị triệt để, khả năng tái phát rất cao nên cha mẹ cần hạn chế trẻ sử dụng các thiết bị điện tử, xem ti vi và cần tạo môi trường lành mạnh về tinh thần và thể chất cho trẻ.
Với những trẻ mắc hội chứng Tic, thông thường bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để làm dịu thần kinh của trẻ, một số trường hợp nặng phải điều trị tâm lý kèm theo.