Canh bạc đạo tranh: Sẽ thu hồi giải thưởng vi phạm

Tác phẩm gốc của họa sĩ Liên Xô cũ (trái) và tác phẩm đạo của Dương Ngân Hải
Tác phẩm gốc của họa sĩ Liên Xô cũ (trái) và tác phẩm đạo của Dương Ngân Hải
TP - Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, trao đổi quanh vụ tranh cổ động dự thi của Dương Ngân Hải bị tố đạo, nhái.

MỘT TÁC GIẢ, HAI TÁC PHẨM VI PHẠM

Dương Ngân Hải, một họa sĩ ở Cà Mau, bất đồ “nổi tiếng” bởi tranh cổ động Hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của anh bị tố: giống hệt tranh cổ động của họa sĩ A. Arkhipenko sáng tác cho kỳ Thế vận hội 1980. Tranh Ngân Hải được giải khuyến khích cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền năm APEC Việt Nam 2017, do Cục Văn hóa Cơ sở tổ chức.

Bức thứ hai: ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng của Dương Ngân Hải dự thi sáng tác tranh cổ động Tuyên truyền văn hóa Năm Chủ tịch ASEAN 2020 cũng do Cục Văn hóa Cơ sở tổ chức, cũng bị tố đạo nhái một họa sĩ Ukraine. Được biết, hai cuộc thi đều do Bộ Ngoại giao đặt hàng Bộ VHTTDL.

 “Tác phẩm Dương Ngân Hải giống tranh nước ngoài không ở màu sắc, chi tiết, bố cục mà đầu tiên là ý tưởng. Tiêu chí đầu tiên của tranh, áp phích chính là ý tưởng. Ý tưởng ở đây giống hệt, chưa kể đều là chim bồ câu, bố cục cũng đặt ở vị trí trung tâm, rồi màu sắc của dải lụa. Ở tranh cổ động Năm Chủ tịch ASEAN, Hải cũng ăn cắp ý tưởng cách viết chữ rồi cắt hình con chim”, họa sỹ Lê Thiết Cương phân tích.

 “QUY TRÌNH CHẤM GIẢI CHẶT CHẼ”

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, đơn vị chấm giải tranh cổ động liên quan đến ca đạo nhái của Dương Ngân Hải cho biết: “Qui trình chấm giải chặt chẽ”. Bà cũng đề cập biện pháp xử lý trường hợp này: Cho tới thời điểm này, BTC chưa chính thức công bố giải thưởng. Thông tin tác phẩm Dương Ngân Hải được giải là chưa chính xác.

Cuộc thi nào cũng vậy, tác giả phải tuân thủ thể lệ. Thể lệ mỗi cuộc thi nhấn mạnh: “BTC không chịu trách nhiệm về những tranh chấp quyền tác giả và quyền liên quan. BTC sẽ thu hồi giải thưởng và giấy chứng nhận khi có vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, mỗi tác giả khi nộp tác phẩm dự thi đồng nghĩa họ chịu trách nhiệm về tác phẩm. Trường hợp tác phẩm vào danh sách đạt giải có dấu hiệu vi phạm thì BTC sẽ căn cứ vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền để thu hồi giải. Cục thành lập BTC, BGK và Tổ tư vấn. BGK làm việc độc lập với BTC. Thành viên BGK là các họa sĩ có chuyên môn sâu, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về mỹ thuật và các đơn vị liên quan. Ngoài ra, tùy theo tính chất từng cuộc thi, thành viên một số cục, vụ thuộc Ban Tuyên giáo và các bộ liên quan được mời tham gia Tổ Tư vấn kiểm duyệt nội dung nhằm đảm bảo về chính trị, tư tưởng hoặc nội dung có tính chuyên ngành để hỗ trợ BGK.

Quy trình chấm giải chặt chẽ. BGK bỏ phiếu ba vòng, không kèm tên tác giả nhằm bảo mật và khách quan. Từng tác phẩm sau khi chấm đều được BTC rà soát trước khi công bố và trao giải thưởng.

Việc tranh của họa sĩ Dương Ngân Hải có dấu hiệu vi phạm quyền tác giả, Cục sẽ xác minh để tham mưu xử lý theo quy định. Việc kiểm soát tất cả các tác phẩm trên toàn cầu nhằm đảm bảo không vi phạm quyền tác giả là thách thức rất lớn. Vì vậy, BTC cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn về sở hữu trí tuệ, kỹ thuật hình ảnh, áp dụng công nghệ hiện đại để kiểm tra, xác định hình ảnh bị sao chép trong các tác phẩm do BGK lựa chọn trước khi công bố trao giải thưởng. Một phải pháp quan trọng khác là có chế tài xử phạt mạnh, đủ răn đe các hành vi vi phạm.

“Nạn tranh giả, đạo nhái là câu chuyện nhức nhối chưa có lời giải. Vi phạm tác quyền liên tục, cơ quan quản lý mất kiểm soát, người làm nghề thiếu tự trọng nên chưa thể nghiêm trị. Chúng ta thiếu hành lang pháp lý: Luật Mỹ thuật, Luật Nhiếp ảnh chưa có, chỉ có Nghị định 113 giám sát hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm”.

                    Họa sĩ LƯƠNG XUÂN ÐOÀN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam

MỚI - NÓNG