Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho rằng, khối đang phải đối mặt môi trường an ninh thay đổi nghiêm trọng kể từ Chiến tranh Lạnh. Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ trích Nga gây hấn và coi nước này là mối đe dọa hòa bình ở châu Âu.
Báo Mỹ New York Times dẫn lời ông Obama phát biểu tại Estonia rằng, cuộc khủng hoảng Ukraine là một phép thử đối với khả năng của NATO và Mỹ cam kết sẽ bảo vệ các đồng minh trong khối theo điều 5 của Hiệp ước. Cuộc gặp của lãnh đạo 28 nước thành viên NATO diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ công bố đề xuất 7 điểm nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Theo đó, Nga kêu gọi ngừng các cuộc tấn công từ phía quân đội Ukraine cũng như lực lượng ly khai ở Donetsk và Lugansk; rút các lực lượng Ukraine ra xa các vùng này nhằm chặn đứng khả năng pháo kích vào khu dân cư; kiểm soát quốc tế hiệu quả, khách quan đối với lệnh ngừng bắn và giám sát tình hình sau ngừng bắn; chấm dứt hoàn toàn các cuộc không kích chống dân thường tại khu vực xung đột; trao đổi không điều kiện tất cả tù binh; mở các hành lang nhân đạo và vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo tới miền Đông Ukraine; khôi phục hạ tầng tại các khu vực giao tranh.
Ông Putin hy vọng các bên xung đột ở Ukraine bao gồm chính quyền Kiev và lực lượng nổi dậy miền đông nam đạt thỏa thuận về vấn đề này tại cuộc họp của Nhóm Tiếp xúc tại Belarus ngày 5/9. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng, kế hoạch 7 điểm nói trên được nhất trí trong cuộc điện đàm giữa ông và ông Putin trước đó. Tuy nhiên, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk bác bỏ đề xuất của ông Putin, cho rằng đề xuất đó chỉ nhằm “tung bụi vào mắt” cộng đồng quốc tế để tránh bị áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới.
Ông Obama tuyên bố NATO “phải gửi một thông điệp không thể nhầm lẫn trong việc ủng hộ Ukraine”. Tại cuộc họp thượng đỉnh, các lãnh đạo NATO sẽ gặp Tổng thống Ukraine để làm rõ sự hậu thuẫn của khối nhằm tiếp tục có những bước đi đáp trả Nga ở miền đông Ukraine. Ông Obama nói khối liên minh “cần có những cam kết cụ thể giúp Ukraine hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh quân sự”.
Báo The Times (Anh) hôm 4/9 đưa tin, Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Anh David Cameron đã nhất trí về sự hiện diện thường trực của NATO ở Đông Âu với một lực lượng phản ứng nhanh có thể triển khai trong vòng 48 giờ tới bất cứ nơi nào trên thế giới.
Dự kiến, NATO thảo luận kế hoạch lập lực lượng phản ứng nhanh 4.000 quân tại Đông Âu bao gồm không quân, lục quân, hải quân và lực lượng đặc biệt nhằm đối phó Nga và khủng hoảng tại khu vực Trung Đông nếu cần.
Phương Tây đã hứa hỗ trợ quân đội Ukraine hiện đại hóa lĩnh vực hậu cần, phòng vệ mạng, chỉ huy và chăm sóc binh sĩ bị thương. Có thể NATO sẽ thông qua gói hỗ trợ 15,8 triệu USD để cải thiện năng lực quân sự của Ukraine.
Theo Reuters, các thành viên NATO ở Đông Âu, trong đó có Ba Lan, kêu gọi NATO triển khai hàng nghìn binh lính thường trực tới các nước này để đề phòng Nga tấn công. Nhưng các thành viên khác phản đối quan điểm này vì vi phạm thỏa thuận năm 1997 giữa NATO và Nga. Dưới sức ép của Mỹ và một số thành viên NATO khác, Pháp đã quyết định tạm đình chỉ việc giao chiếc tàu đổ bộ trực thăng Mistral đầu tiên cho Nga.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, trong khi Mỹ đang vướng bận một loạt vấn đề hóc búa, còn NATO lực bất tòng tâm, nhiều khả năng sự ủng hộ dành cho Ukraine chủ yếu vẫn chỉ là những ngôn từ đao to búa lớn, thay vì hành động thực tế.
Kremlin ngày 4/9 nhấn mạnh, Nga phản đối việc Ukraine trở thành thành viên NATO, cảnh báo hành động như vậy có thể làm hỏng những nỗ lực chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Tối 4/9, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khai mạc tại xứ Wales của Vương quốc Anh.
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine, nguy cơ bất ổn do sự trỗi dậy của lực lượng cực đoan Nhà nước Hồi giáo tại Trung Đông và Bắc Phi là những nội dung chính của hội nghị.
Dự kiến, ngày 5/9, các nhà lãnh đạo NATO tiếp tục thảo luận khả năng phản ứng của liên minh đối với các nguy cơ an ninh khu vực và thách thức tương lai.