Cần xây hệ sinh thái kinh tế tại Làng Thanh niên lập nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 31/5, T.Ư Đoàn tổ chức chương trình trao đổi trực tuyến kết nối, trao đổi các giải pháp phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp tại các dự án Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN). Các chuyên gia cho rằng, các Làng TNLN cần có sự kết nối của các doanh nghiệp, đồng thời hình thành hệ sinh thái kinh tế nông nghiệp tại khu vực này.

Anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn cho biết: Làng TNLN là một dự án có mục tiêu định canh, định cư cho thanh niên dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới, địa bàn khó khăn gắn với việc phát triển sản xuất, giữ vững an ninh biên giới do T.Ư Đoàn báo cáo Chính phủ triển khai thực hiện từ năm 2001 đến năm 2020. Trong giai đoạn này đã có 32 dự án Làng TNLN được triển khai tại 19 tỉnh thuộc miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Cần xây hệ sinh thái kinh tế tại Làng Thanh niên lập nghiệp ảnh 1

Anh Ngô Văn Cương phát biểu tại chương trình. Ảnh: Thanh Nga

Theo anh Cương, hơn 20 năm qua, Dự án Làng TNLN đã khẳng định được hiệu quả, đặc biệt tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình qua việc ổn định dân cư, tạo môi trường sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp vào sự ổn định chính trị - xã hội của các xã vùng biên, vùng dân tộc thiểu số.

Nhiều sản phẩm của các Làng TNLN như: tinh bột Nghệ, chè Tuyết Shan, bưởi Phúc Trạch…đã được khẳng định trên thị trường. Thu nhập của các hộ dân tại một số Làng TNLN như: Phúc Trạch - Hà Tĩnh; Sông Rộ - Nghệ An; Tây Vĩnh Linh - Quảng Trị; Na Ngoi, Nghệ An…được cải thiện.

Dẫu vậy, bức tranh về các Làng TNLN vẫn còn một số hạn chế. Từ những khó khăn, tồn tại đó, cũng như những cơ hội mà các Làng TNLN đã và đang có về phát triển nông nghiệp, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã yêu cầu Ban Thanh niên Xung phong phải có sự kết nối thường xuyên với các tỉnh Đoàn, các địa phương liên quan đến việc rà soát, nắm bắt thực trạng.

Đồng thời, cần tìm kế hoạch trao đổi, làm việc và tìm kiếm các đối tác có thể phối hợp với T.Ư Đoàn, các tỉnh Đoàn, các tổng đội TNXP, các địa phương tính các giải pháp phát triển các Làng TNLN. Năm nay cũng là năm đầu tiên 32 Làng TNLN được xác định là địa bàn trọng tâm trong Chiến dịch TN Tình nguyện hè – thể hiện rõ sự đồng hành của tổ chức Đoàn.

Cần xây hệ sinh thái kinh tế tại Làng Thanh niên lập nghiệp ảnh 2

Chương trình làm việc trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: Thanh Nga

Anh Ngô Văn Cương nhấn mạnh, chương trình này sẽ là một khởi đầu trong quá trình “kết nối, sẻ chia để phát triển các làng TNLN - khẳng định lại hiệu quả của một dự án rất ý nghĩa của Đoàn Thanh niên”.

Đặc biệt đối với các dự án Làng chuẩn bị kết thúc và bàn giao sử dụng: Minh Tân (Hà Giang), Bình An (Tuyên Quang), Hà Hiệu (Bắc Kạn), Púng Bánh (Sơn La), Tây Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Quảng Châu (Quảng Bình), Phước Đại (Ninh Thuận) cần sự tiếp tiếp cận phải nhanh chóng, quyết liệt hơn nữa.

Làng TNLN cần có doanh nghiệp dẫn dắt

PGS, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp tại các dự án Làng TNLN, cần có sự đồng hành của các doanh nghiệp, có chính sách để khuyến khích người dân, doanh nghiệp cùng phát triển kinh tế.

"Phải chọn được đúng các sản phẩm đặc biệt, có lợi thế của địa phương, mang tới giá trị cao để phát triển. Khâu chọn sản phẩm là vô cùng quan trọng, bên cạnh đó thì điều kiện kết nối cần sự hỗ trợ quan tâm của các cấp chính quyền, có cách nhìn liên kết thị trường…", PGS, TS. Trần Đình Thiên.

"Cần định hình mô hình phát triển không chỉ tạo thu nhập cho các cá nhân, mà phải là một thực thể cạnh tranh để tồn tại và phát triển bền vững. Có doanh nghiệp dẫn dắt thì các mô hình kinh tế nông nghiệp mới vươn ra tầm quốc tế được. Phải chọn được đúng các sản phẩm đặc biệt, có lợi thế của địa phương, mang tới giá trị cao để phát triển. Khâu chọn sản phẩm là vô cùng quan trọng, bên cạnh đó thì điều kiện kết nối cần sự hỗ trợ quan tâm của các cấp chính quyền, có cách nhìn liên kết thị trường…”, ông Thiên nói.

Cần xây hệ sinh thái kinh tế tại Làng Thanh niên lập nghiệp ảnh 3

Ông Hà Văn Thắng phát biểu ý kiến tại chương trình. Ảnh: Thanh Nga

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, cần kết nối các Làng TNLN nói riêng và cả các khu vực miền núi khó khăn để phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhu cầu cấp bách nhất hiện nay là có mô hình hoạt động phù hợp sau khi các nguồn hỗ trợ từ các cấp chính quyền kết thúc.

Các khâu định hướng chiến lược, phải có tổ chức doanh nghiệp thực hiện như: dịch vụ, thương mại, hậu cần, chế biến đầu vào, đầu ra… Các Làng TNLN chỉ tập trung chuyên sản xuất nguyên liệu. Các cấp chính quyền địa phương đảm bảo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp, người lao động sản xuất đồng hành và phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển hệ sinh thái xanh, phát triển bền vững.

Ông Thắng cam kết sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng các đơn vị để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, đảm bảo kinh tế tuần hoàn, an sinh xã hội.

Cần xây hệ sinh thái kinh tế tại Làng Thanh niên lập nghiệp ảnh 4

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng phát biểu ý kiến. Ảnh: Thanh Nga

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinanutrifood, mong muốn kết hợp với các làng TNLN để xây dựng các vùng nguyên liệu đủ tiêu chuẩn chất lượng, sản xuất các đơn hàng lớn xuất khẩu ra thế giới. Hướng tới chế biến sâu, có thời hạn sử dụng lâu dài, đặt các nhà máy chế biến tại các vùng nguyên liệu lõi…

Tại cuộc họp, anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Ban Thanh niên xung phong T.Ư Đoàn, các tổng đội TNXP kết hợp các hình thức trực tuyến, khảo sát trực tiếp tại các Làng TNLN, tiến tới xây dựng các hình thức phối hợp cụ thể để phát triển các mô hình kinh tế tại đây. Các bên cần làm việc nghiêm túc, xác định rõ khả năng thực hiện, hiệu quả và tính bền vững khi thực hiện.

Anh Ngô Văn Cương cũng đề nghị các tỉnh Đoàn, Tổng đội thường xuyên rà soát nhu cầu, nguyện vọng của các hộ gia đình thanh niên xung phong tại các làng TNLN để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Theo Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương, cần tiếp tục tuyên truyền vận động thanh niên, các hộ gia đình đến sinh sống phát triển kinh tế tại Làng TNLN; nghiên cứu, xây dựng các phương án cụ thể, kết hợp với các đơn vị doanh nghiệp tại địa phương để phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả đảm bảo hàng hóa được kiểm soát về chất lượng, có truy xuất nguồn gốc, có hàm lượng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp tại các Làng TNLN.
MỚI - NÓNG